Những hệ lụy chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum - Bài 4: Cần đầu tư cơ sở hạ tầng
Thôn 3 (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) là nơi chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC) với xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Do đó, đến thời điểm này thôn 3 vẫn chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khiến cuộc sống của người dân rất khó khăn.
Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho biết: Người dân đã sinh sống bao nhiêu đời nay trên mảnh đất này. Trong kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp từ trước năm 1975, nhiều hộ dân ở thôn 3 xã Trà Vinh đã chiến đấu, hy sinh, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương kháng chiến, Bằng Tổ quốc ghi công gắn liền với hộ khẩu thường trú của họ là xã Trà Vinh (tỉnh Quảng Nam).
Ông Nguyễn Thanh Chim - Trưởng thôn 3 (xã Trà Vinh) cho biết: Tâm tư, nguyện vọng của người dân ở đây, mong muốn đất đai ổn định, được đầu tư cơ sở hạ tầng, yên tâm làm ăn canh tác sản xuất. Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần hỗ trợ người dân vay vốn hoặc hỗ trợ con giống, cây trồng để bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. “Thế nhưng mong chờ mà chẳng biết đến khi nào nguyện vọng mong ước mới thành sự thật” - ông Chim nói.
Nhưng do nơi đây bị chồng lấn ĐGHC nên cơ sở hạ tầng (CSHT) chưa được quan tâm đầu tư. Theo ông Tạ, lý do không đầu tư được CSHT tại đây vì theo ĐGHC hiện tại thì đất là thuộc tỉnh Kon Tum, còn hộ khẩu và con người lại thuộc tỉnh Quảng Nam quản lý. “Tỉnh Quảng Nam muốn đầu tư CSHT cũng khó vì đất thuộc tỉnh Kon Tum. Còn phía tỉnh Kon Tum muốn đầu tư cũng khó vì hộ khẩu và người dân lại không thuộc họ quản lý. Chính vì lẽ đó, CSHT không được đầu tư, người dân ở đây phải sống cảnh khó khăn nhiều năm qua. Việc này các cấp chính quyền đều biết rõ, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết dứt điểm được”- ông Tạ cho biết.
Còn theo ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh, người dân ở thôn 3 thuộc xã Trà Vinh, hộ khẩu cũng do UBND xã Trà Vinh quản lý, chính quyền xã Trà Vinh vẫn quan tâm, chăm lo cho bà con, nhưng ngặt nỗi muốn để bà con có thể phát triển kinh tế thì CSHT phải được đầu tư, phải có điện thắp sáng, điện phục vụ cho sản xuất, cho viễn thông, còn đường sá, cầu cống phải được đầu tư để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, cho lưu thông hàng hóa. “Bây giờ CSHT chưa được đầu tư thì làm sao có thể phát triển kinh tế”- ông Thương nói.
Ý kiến của Bí thư và Chủ tịch UBND xã Trà Vinh hoàn toàn có lý, bởi thực tế, để vào thôn 3 (xã Trà Vinh) chỉ có một con đường đất dài gần 8km, rộng gần 2m, con đường này do người dân địa phương được sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa rồi thuê xe, máy múc vào mở rộng để đi lại. Con đường không có cầu cống bê tông, người dân chỉ dùng các cây gỗ đóng đinh để làm cầu tạm đi qua suối, nên mùa mưa lũ, nước suối dâng cao thì không thể đi lại được vì quá nguy hiểm. Còn phương tiện ô tô tải thì không thể nào vào được trong thôn 3.
Hiện tại, người dân thôn 3 đành đi bộ để ra trung tâm xã mua sắm thực phẩm như mì tôm, nước mắm, muối, cá khô… để dự trữ vào mùa mưa. Bà con còn tự trồng rau, củ quả, chăn nuôi heo, gà, bò và canh tác lúa, ngô, khoai trên nương rẫy để làm thức ăn cho gia đình và bán cho người khác để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Không có điện, không có công trình nước sạch, đường, cầu cống, kênh mương thủy lợi, ở đây cũng không có trạm y tế vì mỗi xã chỉ có một trạm mà đã đặt ở trung tâm xã. Hiện tại ở thôn 3 (xã Trà Vinh) có 2 điểm trường cũng tạm bợ để dạy và học cấp học mầm non và cấp học tiểu học cũng chỉ từ lớp 1 đến lớp 3.
Ông Hồ Thái Vinh (43 tuổi) người dân địa phương cho biết, trong các buổi họp thôn, xóm hoặc có cán bộ xã để thông tin, tuyên truyền về các chính sách của Đảng, Nhà nước thì bà con có kiến nghị cần sớm giải quyết việc chồng lấn ĐGHC giữa xã Trà Vinh với xã Đăk Nên, nhưng chưa được giải quyết nên nơi đây không được đầu tư xây dựng CSHT khiến cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Nguyện vọng của nhân dân mong muốn được phân địa giới hành chính thuộc về xã Trà Vinh, chứ như hiện nay mọi người dân thôn 3 có hộ khẩu thuộc Quảng Nam, còn nhà cửa, đất đai, hoa màu thì thuộc tỉnh Kon Tum dẫn đến khó khăn về làm các thủ tục nhà ở hoặc xây dựng công trình kiên cố.
“Không có điện, không hệ thống nước sạch để sinh hoạt vô cùng khổ sở. Có điện mình mua cái tivi bật lên xem được nhiều chương trình, thêm kiến thức, con cháu được học dưới ánh đèn cảm thấy hạnh phúc, đường sá mở ra đi đâu cũng nhanh, đau ốm đến trạm y tế dễ dàng, thậm chí bán con gà, con vịt cũng dễ, việc vận chuyển ga để nấu ăn cũng bớt đi cái bếp củi phập phồng, chứ cứ như thế này cuộc sống của bà con nơi đây thiệt thòi quá” - ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Thanh Chim - Trưởng thôn 3 cho biết, người dân ở đây chủ yếu là người đồng bào Ca Dong. Tình hình an ninh trật tự ở trong thôn xóm ổn định không có xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa các hộ dân với nhau, bà con trong thôn sống rất hòa thuận, nhưng đa số người dân ở thôn 3 là hộ nghèo, bởi nơi đây chưa có CSHT nên khó phát triển kinh tế xã hội.
(Còn nữa)