Du lịch 'thuận thiên' ở Trà Vinh
Tận dụng chính những sản phẩm nông nghiệp địa phương và “truyền lửa” vào đó một câu chuyện văn hóa hấp dẫn, loại hình du lịch “thuận thiên” đang là mô hình thật sự hiệu quả tại một số tỉnh, thành phía Nam, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm.
Khi nông dân làm du lịch
Cồn Hô thuộc địa phận huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, là một trong những nơi được chọn làm điểm du lịch sinh thái tự thân từ cộng đồng. Trong dịp đến thăm “hòn ngọc thô” của địa phương duyên hải này, chúng tôi được hộ gia đình chị Khải và anh Tư Khen kể câu chuyện kinh tế hộ gia đình phất lên nhờ làm du lịch sinh thái, hay còn được các nhà nghiên cứu gọi là du lịch “thuận thiên”.
Theo chị Khải, ở Cồn Hô vào thời điểm 2 năm trước chỉ có khoảng hơn chục hộ, với gần 20 nhân khẩu, cuộc sống mưu sinh rất khó khăn. Do vị trí xa đất liền, các hộ ở đây vẫn phải loay hoay sinh kế, cuộc sống trôi nổi, bấp bênh theo con nước.
“Gia đình chúng em mấy năm trước ở đầu cồn nhưng sạt lở dữ quá, mấy công đất trôi sông hết, vợ chồng, con cái phải dạt vào phía trong cồn dựng lại nhà ở tạm”. Thế nhưng, cũng theo chị Khải thì từ khi có mô hình du lịch lấy sản vật tự nhiên của Cồn Hô làm điểm thu hút du lịch thì bà con ở cồn rất quan tâm.
Tự tay làm cho chúng tôi những sản phẩm của Cồn Hô, vợ chồng anh chị Ba Thu, một hộ dân ở đây xúc động: “Bữa nay nhà tôi có bưởi da xanh, chả bưởi, mứt bưởi, có rượu ngâm từ quả mướp đắng. Sắp tới, tôi với anh Ba cũng tính làm cả chè bưởi nữa”. Cầm những lát chả dẻo thơm mùi hương bưởi quện với gia vị ăn kèm, chúng tôi cảm nhận được tình cảm và sự mến khách của những người nông dân nghèo đang ước mong sinh kế mới trên Cồn Hô.
Ngoài điểm du lịch Cồn Hô, chúng tôi cũng có dịp trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, du lịch “thuận thiên” ở Cồn Chim thuộc ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cả Cồn Chim có diện tích tự nhiên khoảng 60 ha, trong đó riêng diện tích đất nông nghiệp là 34 ha, với hơn 220 nhân khẩu. Mấy năm trước, tỉnh Trà Vinh đã mời sự tham vấn từ các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, chọn hướng tận dụng tài nguyên tại chỗ để phát triển du lịch sinh thái, lấy quy luật tự nhiên “thuận thiên” làm định hướng. Bà con trên cồn được các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp tập huấn về nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”.
Tiến sĩ Tạ Duy Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, là một trong những chuyên gia đã tư vấn, hỗ trợ Trà Vinh áp dụng mô hình du lịch “thuận thiên” ở Cồn Chim vui mừng chia sẻ, nhờ du lịch “thuận thiên” mà Cồn Chim hôm nay đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Đặc biệt, cuộc sống của bà con trên Cồn Chim giờ đã thay da đổi thịt cũng nhờ biết làm du lịch “thuận thiên”.
“Nhờ hướng sinh kế hiệu quả, có thời điểm Cồn Chim đã đón hàng chục tour mỗi tháng, với hàng trăm lượt khách từ các tỉnh về tham quan, trải nghiệm” - Tiến sĩ Tạ Duy Linh chia sẻ.
Phát triển du lịch bền vững
Mới đây, mô hình du lịch “thuận thiên” được nhắc đến tại Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam bộ, tổ chức tại tỉnh Trà Vinh. Ngành công nghiệp “không khói” ở Trà Vinh lâu nay vốn chủ yếu thu hút du khách bởi các sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer và các công trình, kiến trúc Nam tông Khmer. Nhờ đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh có sự tăng trưởng ấn tượng khi chủ trương đa dạng hóa sản phẩm và xây dụng bộ nhận dạng thương hiệu du lịch, trong đó lấy slogan “Miền đất thuận thiên” làm điểm nhấn.
Trước đợt bùng phát đại dịch Covid-19, du lịch Trà Vinh từng có thời điểm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,59%/năm, trong đó khách du lịch tăng 26,59% và khách lưu trú tăng gần 27%.
Theo ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, từ các mô hình du lịch “thuận thiên” ở Cồn Hô, Cồn Chim, qua khảo sát thực tế Sở nhận thấy rất nhiều tiềm năng về loại hình du lịch này để tìm hướng sinh kế mang lại lợi ích kép cho ngành nông nghiệp và nông dân. Đồng thời, tỉnh cũng có hướng liên kết du lịch “thuận thiên”, du lịch sinh thái với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long để kết nối tuyến điểm du lịch rất đặc trưng của cả ba địa phương.
Nói về mô hình du lịch “thuận thiên”, Tiến sĩ Tạ Duy Linh cho biết, không chỉ ở Trà Vinh, ngày càng có nhiều địa phương nhận thức được việc phát triển du lịch gắn với sinh kế của người nông dân và ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, các tác động của biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn ở một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đặt ngành du lịch phải tìm ra các giải pháp để ứng phó.
Trong số đó, triết lý “thuận thiên” trong phát triển du lịch, trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa địa phương gắn với sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm văn hóa đặc trưng là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững nền công nghiệp “không khói”, vừa bảo vệ môi trường, vừa gìn giữ tài nguyên và tạo sinh kế ổn định trong phát triển du lịch.
“Mới đây khi tham vấn cho một số địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu làm du lịch cộng đồng, du lịch “thuận thiên”, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cũng đã tham vấn để mỗi nơi có thể xây dựng mô hình du lịch “thuận thiên” gắn với chính sách bảo vệ, ngăn chặn sạt lở, tình trạng ô nhiễm môi trường để từ đó phát huy hệ sinh thái môi trường xanh, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương” - Tiến sĩ Linh chia sẻ.
Thành công của mô hình du lịch “thuận thiên”, du lịch cộng đồng ở Cồn Hô, Cồn Chim (Trà Vinh) hay Cù Lao Tân Phong (Tiền Giang) sẽ là những kinh nghiệm kết sức quý cho các tỉnh duyên hải phát triển ngành du lịch, vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao chất lượng đời sống, sinh kế cho người dân.
Triết lý “thuận thiên” trong phát triển du lịch, trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa địa phương gắn với sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm văn hóa đặc trưng là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững nền công nghiệp “không khói”, vừa bảo vệ môi trường, vừa gìn giữ tài nguyên và tạo sinh kế ổn định trong phát triển du lịch.