Những hệ lụy chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum - Bài cuối: Cần có tiếng nói chung
Để giải quyết việc chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC) giữa xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, lãnh đạo 2 tỉnh đã có nhiều buổi làm việc. Thế nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thực tế, từ năm 2008 đến nay, các ngành, địa phương liên quan của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã nhiều lần tổ chức các buổi làm việc nhưng chưa thống nhất được phương án giải quyết vướng mắc về ĐGHC giữa xã Trà Vinh và xã Đăk Nên.
Theo hồ sơ, bản đồ ĐGHC Chỉ thị 364 của Chính phủ thì toàn bộ thôn 3 với 238 hộ, 1.034 nhân khẩu, hộ khẩu của người dân thuộc xã Trà Vinh quản lý, nhưng theo ĐGHC thì họ canh tác trên đất của xã Đăk Nên. Tổng diện tích khu vực chồng lấn ĐGHC là 6.198,17ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến vướng mắc trên 10km.
Mới đây nhất, ngày 18/8, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum để giải quyết vướng mắc về chồng lấn ĐGHC giữa 2 tỉnh. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo và các cơ quan liên quan của 2 tỉnh.
Tại đây phía Quảng Nam cho rằng, thực tế các hộ dân sống tại thôn 3 xã Trà Vinh đã sinh sống từ vùng đất này từ thời xa xưa trước khi triển khai Chỉ thị 364. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là vùng căn cứ cách mạng, nhiều người dân ở khu vực này đã chiến đấu, hy sinh và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Bằng Tổ quốc ghi công, Huân, Huy chương kháng chiến đều ghi địa danh tỉnh Quảng Nam, Quảng Nam Đà Nẵng. Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Quảng Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm chăm lo đời sống, chia sẻ khó khăn với bà con nhân dân xã Trà Vinh nói chung và bà con nhân dân thôn 3 nói riêng.
Trên cơ sở nguyện vọng của 100% bà con ở thôn 3, xã Trà Vinh, thống nhất phương án điều chỉnh ĐGHC để tiếp tục giữ nguyên hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất điều chỉnh phần diện tích đất nhân dân xã Trà Vinh đang sinh sống, canh tác thuộc địa phận quản lý của xã Đăk Nên về xã Trà Vinh (diện tích khoanh vẽ thực địa là 3.001,63ha/ tổng 6.198,17ha).
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Đây là phương án hợp lý nhất, dân ở đâu thì nên ở đó. Việc giải quyết dứt điểm vướng mắc về ĐGHC tạo tiền đề, cơ sở cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại khu vực này.
Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng: “Trách nhiệm của chúng tôi sẽ nghiên cứu báo cáo với Bộ Nội vụ, với Chính phủ để tập trung đề ra phương án để giải quyết. Mấu chốt nhất là phải lấy ý kiến của bà con nhân dân ở vùng chồng lấn ĐGHC”.
Về phía tỉnh Kon Tum, đại diện các địa phương liên quan cũng xác nhận hiện trạng sinh sống của người dân thôn 3, xã Trà Vinh tại khu vực nêu trên. Tuy nhiên, việc điều chỉnh ĐGHC theo đề xuất của tỉnh Quảng Nam sẽ làm ảnh hưởng đến tổng diện tích của tỉnh Kon Tum.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng: Quan điểm của tỉnh Kon Tum là sớm có phương án thống nhất, mục đích tạo thuận lợi cho người dân. Nếu người dân thôn 3 xã Trà Vinh đồng ý về xã Đăk Nên - Kon Tum thì tỉnh sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất phương án, giao UBND 2 tỉnh phối hợp thành lập Đoàn công tác khảo sát thực tế, đo đạc, khoanh vẽ phần diện tích thực tế hiện nay bà con nhân dân thôn 3 xã Trà Vinh đang canh tác (hạn chế thấp nhất biến động diện tích của 2 tỉnh, khoảng 3.000ha trở xuống) đồng thời lấy ý kiến nhân dân tại 2 đơn vị hành chính về việc điều chỉnh địa giới làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh ĐGHC của 2 tỉnh theo thực tế hiện nay.
Ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh đề nghị: “Lãnh đạo 2 tỉnh sớm chấp nhận phương án chuyển hơn 3.000ha đất người dân đang canh tác, sinh sống mà theo ĐGHC thuộc xã Đăk Nên cho xã Trà Vinh để giải quyết cho nhân dân. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân Trà Vinh, để sớm có tiếng nói chung đề nghị với Chính phủ điều chỉnh ĐGHC phù hợp theo đường ranh giới truyền thống”.
Nói về vấn đề này, ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam cho hay: “Quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là lấy dân làm gốc, vì thế việc giải quyết chồng lấn ĐGHC cũng cần phải dựa theo ý kiến từ phía người dân, đó là yếu tố quyết định. Bởi suy cho cùng, ranh giới được đặt ra là để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước, còn người dân sinh sống ở đâu là do có truyền thống lâu đời gắn bó. Chúng ta không để việc chồng lấn ĐGHC khiến người dân thiệt thòi, mất quyền lợi thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Theo ông Võ Xuân Ca, việc giải quyết cho dù bằng phương án nào cũng đều hướng đến sự ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thông qua các mô hình sinh kế. Việc giải quyết phải căn cứ theo nguyện vọng của người dân trên cơ sở phối hợp giữa 2 tỉnh để lấy ý kiến người dân và có thể kiến nghị Bộ Nội vụ xem đây là cách làm điểm để giải quyết các vấn đề khác tại nhiều địa phương trên cả nước.
Mặc dù đã có nhiều cuộc họp giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, tuy nhiên đến nay vấn đề chồng lấn ĐGHC ở 2 địa phương nói trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, người dân vẫn tiếp tục chờ đợi.
Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam cho biết: “Về việc chồng lấn ĐGHC, mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã làm việc với nhau và đã có sự thống nhất. Theo nguyên tắc nếu 2 địa phương tự giải quyết được, thống nhất, thỏa thuận với nhau được thì không cần phải kiến nghị với Trung ương, còn 2 tỉnh chưa thống nhất thì mới đề nghị Trung ương xem xét.