Giải ngân vốn đầu tư công: Khó cán đích như kỳ vọng

H.Hương - Y.Thanh 09/09/2022 08:44

Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành địa phương giải ngân vốn đầu tư công, bởi chậm giải ngân ngày nào sẽ mất cơ hội phục hồi ngày đó. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, cần phải có biện pháp để thay đổi.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương rất chậm.

Tỷ lệ giải ngân rất thấp

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân 8 tháng năm 2022 đạt 35,49% kế hoạch.

Dù việc giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm bởi, nếu không đẩy nhanh giải ngân vốn sẽ hạn chế tăng trưởng, không thể hiện được vai trò dòng vốn mồi dẫn dắt nền kinh tế, tuy nhiên với những dữ liệu mà Bộ Tài chính cung cấp, những lo lắng việc giải ngân vốn khó “về đích” là hoàn toàn có căn cứ. Trong lần Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6 đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại tỉnh Khánh Hòa và làm việc với các địa phương Nghệ An, Phú Yên, Sóc Trăng cũng cho biết, tỷ lệ giải ngân chưa cao. 4 địa phương triển khai thực hiện giải ngân ước 8 tháng cụ thể như sau: Nghệ An đạt 50,6%, Khánh Hòa đạt 40,1%, Sóc Trăng đạt 40,2%, Phú Yên đạt 28,6%.

Kiểm tra chi tiết giải ngân các dự án trong 7 tháng đầu năm (đến 31/7/2022) cho thấy các địa phương đều còn tình trạng các dự án chưa giải ngân hoặc số giải ngân thấp so với kế hoạch vốn năm được giao (dưới mức bình quân chung cả nước 30% kế hoạch). Cụ thể: tỉnh Khánh Hòa 18 dự án, Phú Yên 26 dự án, tỉnh Nghệ An 55 dự án, tỉnh Sóc Trăng 26 dự án.

Nguyên nhân giải ngân chậm vốn đầu tư công vẫn là bài ca muôn thuở: Do vướng về cơ chế, chính sách, như: trong lĩnh vực đất đai, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; về quy định đầu tư xây dựng đường quốc lộ và dự án liên vùng... đối với việc triển khai các dự án, thời gian qua, giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, đặc biệt, giá xăng dầu, sắt, thép, đất, cát... tăng mạnh dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt.

Nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc thay đổi giải pháp thiết kế hoặc giảm quy mô đầu tư để đảm bảo nguồn lực triển khai.

Một số gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định nên không thể điều chỉnh, các nhà thầu sẽ giãn tiến độ hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Hơn nữa, năm 2022 là năm bắt đầu khởi công mới nhiều dự án, những tháng đầu năm hoàn tất thủ tục đầu tư, nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án này chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không chỉ gặp khó khăn tại các địa phương trên mà nó là tình trạng chung của rất nhiều bộ, ngành, tỉnh thành trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 8 vẫn có tới 35 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Đây là điều đáng lo khi chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2022.

Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng cho biết, dù đã đi qua 8 tháng đầu năm nhưng hiện vẫn còn trên 50.326,9 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 9,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, có trên 49.915,3 tỷ đồng là vốn trong nước và trên 411,5 tỷ đồng là vốn ODA. Cụ thể, số vốn chưa được các bộ, cơ quan trung ương phân bổ chi tiết là trên 7.124,3 tỷ đồng; chiếm 6,44% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là các bộ, cơ quan Trung ương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025. Số vốn do các địa phương chưa phân bổ là trên 43.202,5 tỷ đồng; chiếm trên 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.

Đến giai đoạn cuối năm, việc chưa thực hiện phân bổ vốn của một số bộ, ngành địa phương sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải ngân vốn đầu tư công, sẽ dẫn đến tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, gây lãng phí nguồn lực tài chính ngân sách của Nhà nước.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Giới chuyên gia cho rằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ý chí, trách nhiệm của cấp lãnh đạo vẫn là yếu tố quyết định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã từng nhận định, trong cùng một điều kiện, thể chế, có bộ, tỉnh đạt kết quả giải ngân cao, nhưng nơi khác lại đạt thấp là do sự quan tâm của lãnh đạo. Nếu có sự chỉ đạo sát sao, năng lực của ban quản lý dự án, nhà thầu được bảo đảm thì chắc chắn kết quả giải ngân sẽ được cải thiện.

Như vậy có thể khẳng định, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ban, ngành; đặc biệt đề cao trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị, từ đó đánh giá đúng vai trò từng khâu cũng như thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa như mong đợi - Hà Nội đến thời điểm cuối tháng 8 cũng chỉ mới giải ngân được 27,1% kế hoạch vốn. Theo đó năm 2022, thành phố được giao 51.583 tỷ đồng. Đến 22/8, toàn thành phố giải ngân được 13.843 tỷ đồng.

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư…; Giá nguyên nhiên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng thẳng thắn chia sẻ, tốc độ giải ngân thấp là điều thực sự lo lắng. Có dự án đã có nguồn vốn, có tên dự án, đã nhìn thấy việc nhưng chưa giao cho ai nhiệm vụ chủ đầu tư.

Để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 với số vốn gấp hơn, 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 Nghị quyết (trong đó có 2 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 3 công điện, 7 văn bản; tổ chức 1 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ cũng đã tuyên bố sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề này nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 6/9 vừa qua Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cũng đã nhắc lại, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình Quyết định 1012 điều chuyển giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số tiền 31.396 tỷ đồng để điều chỉnh tăng cho 7 địa phương thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 3 của TPHCM và vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội. Trong quyết định này, Chính phủ cũng giao cho Hà Nội khoảng 8.400 tỷ đồng, Hưng Yên hơn 3.700 tỷ đồng, Bắc Ninh là hơn trên 2.400 tỷ đồng và hơn 10 nghìn tỷ đồng cho TPHCM... Nhắc lại việc phân bổ vốn để thấy rằng, vấn đề đầu tư công luôn được Chính phủ quan tâm đặc biệt.

Theo Bộ KHĐT, từ nay tới cuối năm, các địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Ông Rahul Kitchlu - Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cũng từng chia sẻ với báo giới rằng, có một số lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam có thể xem xét, cân nhắc. Đầu tiên là cơ hội để cải thiện cơ chế điều phối thể chế và nâng cao năng lực. Đối với các dự án ODA và các dự án đầu tư của Chính phủ, giải ngân chỉ là khâu cuối cùng. Trước đó là cả một quy trình làm việc và quy trình này chỉ hiệu quả nếu từng công đoạn được triển khai hiệu quả. Phải nhìn vào mục tiêu cuối cùng và sẽ hiệu quả hơn nếu có phương thức triển khai đồng bộ. Vì khi điều phối giữa các cơ quan, bộ, ngành, các công việc thường được thực hiện giống nhau, lặp đi lặp lại và cơ quan liên quan thường yêu cầu xem xét rất nhiều hồ sơ. Về vấn đề này, các Ban quản lý dự án đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cần đảm bảo rằng họ có nguồn lực, năng lực phù hợp để thực hiện các dự án trong suốt giai đoạn chuẩn bị và thực hiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là công tác giải ngân và các kết quả phát triển.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên:

Các doanh nghiệp có thể tự liên kết để triển khai

Sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách cần đặt trong một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Vốn đầu tư của Nhà nước sẽ là vốn mồi thu hút các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính tham gia các thành phần của các dự án lớn. Chính phủ thực hiện vai trò định hướng những hạng mục nào phân bổ tới doanh nghiệp, đồng thời, các doanh nghiệp có thể tự liên kết với nhau để triển khai, đáp ứng yêu cầu của dự án cũng như Chính phủ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:

Dự án đầu tư phải đảm bảo tính khả thi

Từ nhiều năm nay, công tác giải ngân ở nước ta từ cấp Trung ương đến địa phương đều chậm do thủ tục thường rất phức tạp, qua nhiều bước. Vì thế, Chính phủ cần giải quyết căn cơ, lâu dài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công phù hợp. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định khác liên quan để bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục, tạo sự thuận lợi cho thực hiện dự án đầu tư công. Dự án đầu tư phải được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư chuẩn bị thật tốt, bảo đảm tính khả thi, nhất là về mặt bằng để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện và giải ngân sớm.

T.Hằng(ghi)

H.Hương - Y.Thanh