Giải ngân vốn đầu tư công: Trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo địa phương

T.Hằng (thực hiện) 09/09/2022 08:53

Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp trường Học viện Tài chính - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc phân bổ vốn cho dự án, giám sát quá trình thực thi dự án, việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công... ra sao, trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu địa phương.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa ông, với thực trạng giải ngân vốn đầu tư công hiện nay, theo ông, cần có giải pháp gì để thúc đẩy nhanh quá trình này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Để thực hiện và giải ngân tối đa kế hoạch vốn năm 2022, các bộ ngành và địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án/công trình, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ của dự án/công trình. Cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng; hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật, đặc biệt với các công trình giao thông để đảm bảo đúng tiến độ.

Ngoài ra khi thực hiện dự án, người đứng đầu địa phương phải là người đốc thúc, giám sát để có xác nhận khối lượng công việc đã hoàn thành để tiến hành nghiệm thu. Khi đã có đầy đủ thủ tục, thì chuyển sang cơ quan tài chính để được thanh toán. Tôi tin rằng các doanh nghiệp (DN) khi thực hiện các công trình/ dự án đầu tư công ai cũng muốn hoàn thành nhanh để được trả tiền, để DN có nguồn tiền quay vòng. DN làm xong, chờ nghiệm thu mãi không được, thanh toán mãi không xong nên họ nản. Chúng ta phải tạo điều kiện cho chủ đầu tư/ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các dự án/công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của đơn vị thi công.

Nhưng thưa ông, cùng thời điểm vốn được phân bổ nhưng có địa phương báo cáo đã thực hiện giải ngân được 50%, có địa phương 30%, có địa phương 20%. Phải chăng ở đây, tính trách nhiệm của từng địa phương có vấn đề?

- Thực ra, việc phân bổ vốn của Trung ương về địa phương tuỳ thuộc nhiều yếu tố. Vốn về đến địa phương rồi còn thuộc trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, phân bổ chỉ tiêu cho dự án để thực hiện. Trong khi đó trong quá trình thực thi cũng có nhiều vấn đề khác như giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng. Song, tất cả các vấn đề trên hoàn toàn có thể giải quyết, tại sao thời gian qua có nhiều chủ đầu tư than vãn không có đủ đất để thực hiện san lấp, hay như giá nguyên vật liệu tăng quá cao mà địa phương không điều chỉnh bảng giá. Các khó khăn này, nếu như người đứng đầu địa phương không xử lý được thì có thể nêu khó khăn, xin hướng xử lý từ Trung ương. Việc gì vượt quyền của địa phương thì địa phương có thể đề xuất với Chính phủ để đưa ra giải pháp nhanh nhất. Đằng này có những khó khăn cứ kéo dài qua năm này qua năm khác, phải đến khi truy từng địa phương, các địa phương mới tháo gỡ.

Nhiều ý kiến cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do thói quen “trên đốc thúc, dưới đủng đỉnh”, chưa kể thủ tục hành chính thường rất phức tạp, qua nhiều bước?

- Vấn đề này chỉ đúng một phần. Ở đây tôi muốn nói là khi giao dự toán và vốn cho địa phương thì có nghĩa là việc chủ động về nguồn vốn đã có. Vấn đề còn lại là khối lượng hoàn thành có được nghiệm thu không. Nếu như công trình hoàn thành, có đầy đủ giấy tờ, thủ tục thì phải thực hiện thanh toán. Cách đây hơn một năm Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Kho bạc nhà nước đẩy nhanh quy trình thanh toán.

Nguồn vốn đầu tư công trong gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế có thể chưa được phân bổ nhưng nguồn vốn đầu tư công trung hạn trong lộ trình năm 2021 – 2025 đã được phân bổ từ tháng 10 năm 2021. Vậy thì nguồn đã có, vốn đã sẵn, quan trọng là thủ tục nghiệm thu công trình đã đúng quy trình chưa, nếu đúng thì vốn đã được giải ngân.

Vậy theo ông khả năng thực hiện nguồn vốn đầu tư công của cả năm 2022 sẽ ra sao?

-Các cuộc họp bàn, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ đối với các bộ, ngành và địa phương đều có nội dung về đầu tư công. Cùng với kết quả làm việc của 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, góp phần hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022 và các năm tiếp theo. Tôi cho rằng, những động thái này sẽ thúc đẩy việc thực hiện vốn đầu tư công.

Trân trọng cảm ơn ông!

T.Hằng (thực hiện)