Thương mại điện tử: 'Khát' nhân lực chất lượng cao
Thương mại điện tử phát triển là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra yêu cầu về nâng cấp nguồn nhân lực.
Xu thế tất yếu
Không phủ nhận, kinh tế số đã và đang thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này, rất nhiều vấn đề cần đặt ra hiện nay trong đó câu chuyện phát triển nguồn nhân lực.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2020 và 2022 cho thấy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh, là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 645/QĐ-TTg của Chính phủ cũng đặt ra 2 mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT. Mục tiêu thứ hai là 1 triệu lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Hiện nay, kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao là tại các trường Đại học, với 76 trường có đào tạo ngành và chuyên ngành TMĐT, 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT. Theo đánh giá của nhiều Tập đoàn TMĐT lớn đang hoạt động tại Việt Nam, mặc dù quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đứng sau Indonesia nhưng sức bật, mặt bằng nhân lực ở Việt Nam vượt Indonesia, ngang bằng Thái Lan, và sau Singapore.
Theo Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2022 của VECOM, tới nay đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần TMĐT. Nhiều sinh viên ngành TMĐT đã có việc làm từ những năm cuối và trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp hầu hết đã có việc làm với thu nhập khá. Nhu cầu tuyển sinh ngành TMĐT và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số tăng nhanh...
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường đại học còn gặp nhiều trở ngại, bao gồm những trở ngại về giảng viên, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn.
Từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam cho biết, nhu cầu nhân lực TMĐT tại Việt Nam đang tăng nhanh và cung không đủ cầu. “DN buộc phải tuyển cả những ngành khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế này như ngành quản trị kinh doanh…” - bà Tú nói.
“Chìa khóa” nâng cao chất lượng nhân lực
Trong khi đó, chuyên gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của công ty công nghệ Sapo - ông Trần Mạnh Cường lại chia sẻ, khi tuyển dụng sinh viên ngành TMĐT vào làm việc, hầu như Sapo phải thực hiện đào tạo lại. Ông Cường cho biết: “DN từng gặp khó khi năng lực của các nhân sự đã qua đào tạo trường, lớp vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường”.
Khảo sát mới đây của VECOM cũng cho thấy, hiện chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp TMĐT được đào tạo chính quy. Như vậy có tới 70% nhân sự TMĐT ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng đồng nghĩa dư địa cho các cơ sở đào tạo nhân lực TMĐT là rất lớn.
Nêu lên một thông tin đáng chú ý, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng cho hay, nguồn nhân lực cho TMĐT hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng. “Hàng năm, Hiệp hội luôn phối hợp xây dựng chương trình phát triển TMĐT bền vững giữa Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành với mong mỏi nhất là làm thế nào để cung cấp tốt nhất nguồn lực TMĐT chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu cho phát triển” - ông Dũng nói.
Theo các chuyên gia trong ngành, để cải thiện cả về chất và lượng nhân lực TMĐT, thời gian tới, cần tăng cường phối hợp đào tạo giữa DN và nhà trường. TMĐT là ngành phát triển và thay đổi nhanh chóng, nên chương trình học cần được cập nhật bằng việc đẩy mạnh liên kết với DN tham gia đào tạo thực tế cho sinh viên.
Đại diện nhiều trường Đại học cũng cho biết, vẫn còn sự chênh lệch giữa đào tạo TMĐT và nhu cầu ứng dụng thực tiễn tại DN, khiến nhiều khi cả người được tuyển dụng và DN tốn thêm thời gian, công sức, tiền bạc để đào tạo lại. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các DN và trường Đại học để có hướng tiếp cận gần với thực tế.
Vì thế, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN là cách tốt nhất, là chìa khóa để nâng cao chất lượng nhân lực TMĐT. Bên cạnh đó, việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm đào tạo giữa các trường cũng được cho là cách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.