Nâng tầm di sản Hoàng thành Thăng Long
Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản thế giới và 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002-2022), trong 2 ngày 8 và 9/9, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.
Hội thảo do UBND thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhìn nhận, trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo đến nay, về cơ bản các khuyến nghị của UNESCO đã và đang tiếp tục được các cơ quan quản lý di sản của thành phố Hà Nội thực hiện đầy đủ; đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản; ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tới di sản, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học...
Tuy nhiên, ông Cương cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau.
Báo cáo về kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên.
Ông Tín khẳng định, các cuộc thám sát và khai quật khu vực Chính điện Kính Thiên đã xác định được tầng văn hóa khá đầy đủ có niên đại kéo dài từ thế kỷ VII-IX đến thế kỷ XIX-XX cùng các dấu tích kiến trúc qua các thời kỳ tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê sơ… Việc này đem lại nguồn tư liệu xác thực góp phần tích cực vào việc xây dựng khu bảo tồn các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, nghiên cứu khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên, bảo tàng Hoàng cung Thăng Long… cũng như các phương án phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của kinh đô Thăng Long.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã góp ý kinh nghiệm diễn giải, trưng bày và bảo tàng nhằm làm rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của các Khu Di sản thế giới; cũng như, nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hà Nội).
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Sơn - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, tư liệu để phục dựng không gian và chính điện Kính Thiên còn chưa đầy đủ, là thách thức trong việc phục dựng. Để có cứ liệu phục dựng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật... Trước hết, theo ông Sơn, các nhà nghiên cứu cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản.
“Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều kích nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của Chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3-5 năm thì trong vòng 10 năm tới chúng ta có hy vọng để phục dựng điện Kính Thiên”- ông Sơn kỳ vọng.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội cho rằng, những kết quả ghi nhận trong những năm qua chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân Thủ đô về một di sản tầm cỡ như Hoàng thành Thăng Long. Ông Chức nêu vấn đề cần xác định rõ những khó khăn nào đang đặt ra trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Cùng đó, việc phục dựng các di sản trong Hoàng thành phải chấp nhận phương án tối ưu, nghĩa là giữ được cái này có thể phải hy sinh cái kia. Vấn đề này đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng và có ý kiến của các nhà khoa học và các cơ quan có thẩm quyền.
Trước những khó khăn, ông Chức cho rằng việc phục dựng điện Kính Thiên cần có kế hoạch dài hạn và ngắn hạn, song song với kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ. Triển khai nghiên cứu giá trị di sản phi vật thể. Triển khai ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành và cần học tập kinh nghiệm các nước trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng cung.
Theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài, đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Đồng thời, các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng” - ông Manhart nói và khẳng định, việc ghi tên Khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO là một vinh dự, tạo ra những cam kết và trách nhiệm mới cho tất cả mọi người. “Hoàng thành Thăng Long là khu di sản duy nhất ở Việt Nam có Hội đồng tư vấn khoa học cụ thể. Cá nhân tôi ngưỡng mộ sự cống hiến của các thành viên Hội đồng. Tôi xin chúc mừng Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã nỗ lực không mệt mỏi trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích”.