Tiếp sức cho đồ chơi truyền thống

NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG 11/09/2022 07:55

Trong nhiều năm trở lại đây, trước sự chiếm lĩnh của những món đồ chơi ngoại nhập với nhiều mẫu mã, kích thước, kiểu dáng và màu sắc trên thị trường, cùng với đó là xu hướng các nghệ nhân chuyển sang làm ngành nghề khác để kiếm thêm thu nhập, không ít món đồ chơi truyền thống đã mất đi thợ lành nghề, từ đó chúng chỉ còn xuất hiện trong những tư liệu ảnh chụp từ thế kỉ trước. Không để những giá trị truyền thống chỉ còn tồn tại trong tư liệu, trong kí ức, có 2 nghệ nhân ở Hà Nội và TPHCM đã dành nhiều năm quyết tâm khôi phục lại những nét đẹp truyền thống ấy.

Phố Hàng Mã bày bán nhiều đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Đức Quang.

Thổi hồn vào con giống bột

Lên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào dịp tết Trung thu, tôi may mắn gặp được một trong số ít nghệ nhân trẻ của làng Phú Xuyên - làng nghề làm đồ chơi con giống bột duy nhất còn tồn tại cho tới nay, và cũng có thể nói là nghệ nhân trẻ thành công nhất trong làng khi anh được phong tặng danh hiệu nghệ nhân tò he khi mới 29 tuổi (vào năm 2014). Đó là nghệ nhân Đặng Văn Hậu. Anh chia sẻ, vì sinh ra và lớn lên tại làng nghề giàu truyền thống làm loại đồ chơi từ bột gạo này, nên ngay khi còn bé, anh sớm đã được tiếp xúc với nghề truyền thống của địa phương mình. Khi đó anh được các ông, các bác trong làng chỉ dạy và dẫn dắt anh vào nghề. Cho đến năm 18 tuổi chính thức làm nghề.

Vì lí do kinh tế, làng Xuân La ngày nay không còn nhiều người theo đuổi nghề làm đồ chơi truyền thống như xưa. Hiện trong làng có khoảng 50 nghệ nhân còn mưu sinh bằng nghề làm đồ chơi con giống bột này, nhưng đa phần là các bác cũng đã có tuổi. Cùng lứa tuổi của anh có khoảng hơn 10 người, lớp trẻ tuổi hơn thì ngày càng ít hơn, bởi các bạn ấy không còn mấy mặn mà với nghề của cha ông nữa. Có thể thấy, hiện nay còn rất ít người theo đuổi với nghề làm đồ chơi truyền thống này của làng Xuân La.

Vì chỗ anh sống cách xa trung tâm thành phố Hà Nội, nên cứ mỗi dịp Trung thu hàng năm, anh đều lên số 75 phố Hàng Mã để bày bán các sản phẩm do chính tay mình làm ra, để phục vụ nhu cầu ưa cái đẹp của người dân Thủ đô.

Con giống bột tại miền Bắc về cơ bản có 3 phong cách khác nhau, bao gồm phong cách của làng Xuân La, Đồng Xuân và phố Khách. Trải qua sự biến thiên của thời gian, dòng con giống bột của Đồng Xuân và phố Khách đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn lại duy nhất cho đến ngày nay là một làng nghề nổi tiếng với nghề nặn con giống bột từ rất lâu đời nằm ở ngoại thành Hà Nội - làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu với những con giống bột màu.

Con giống bột ta biết tới nhiều nhất ngày nay đến từ làng Xuân La, xưa còn gọi là con giống “chim cò”, vì chúng có hình dáng tựa như những con chim với đủ màu sắc bắt mắt. Nguyên liệu chính là từ bột gạo và pha thêm các màu có thành phần tự nhiên. Sau khi nặn hoàn thiện sản phẩm, nghệ nhân sẽ đem đi hấp để có thể bảo quản được lâu. Trẻ con khi chơi xong có thể ăn được. Cho đến những năm 60 của thế kỉ trước, các nghệ nhân mới phát triển thêm cho món đồ chơi, gắn chúng trên những chiếc que tre và cải tiến bột làm con giống, để đem đi nặn ở các lễ hội, bán trực tiếp cho khách.

Đi từ nông thôn lên thị thành. Trên các phố Đồng Xuân, Hàng Lược, Hàng Đường, Hàng Mã ngày xưa bày bán rất nhiều con giống có bề mặt láng mịn nhưng nặn ra được chúng đòi hỏi tay nghề rất khéo léo. Đấy được gọi là con giống Đồng Xuân hay con giống trơn. Nguyên liệu của con giống Đồng Xuân từ bột hoành tinh. Dần dần, bột hoành tinh ngày càng khan hiếm, người ta mới sử dụng bột năng để thay thế.

Con giống phố Khách cũng được nặn từ nguyên liệu bột giống với con giống Đồng Xuân, nhưng cách làm lại khác nhau. Con giống phố Khách được người nghệ nhân dùng bộ dụng cụ bằng đồng tỉa tót thêm nhiều vảy ở trên mình cho thêm phần tinh xảo.

Chủ đề của các con giống theo các phong cách khác nhau cũng sẽ có đôi chút sự khác nhau. Con giống Đồng Xuân thiên về những con vật gần gũi với đời sống của người nông dân, như bộ sáu con vật trâu, chó, ngựa, dê, lợn và gà trong truyện Nôm “Lục súc tranh công”, hay những đôi hài, mâm ngũ quả, hay cả những nhân vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam như Tứ phủ Thánh Cô hay Tứ phủ Thánh Cậu. Còn chủ đề của con giống phố Khách vì được sáng tạo bởi những người Hoa Kiều nên thường thiên về những nhân vật thần thoại Trung Hoa nhiều hơn, như: bộ tam sư, tứ linh (long, ly, quy, phụng), thiền thừ (cóc ba chân)…

Không chỉ dừng lại với việc bảo tồn và quảng bá những mẫu con giống bột của quê hương mình, nghệ nhân Đặng Văn Hậu không ngừng tìm tòi, học hỏi, trao dồi kinh nghiệm bản thân, để có thể khôi phục những mẫu con giống bột Đồng Xuân hay phố Khách đã bị thất truyền từ lâu. Anh chia sẻ thêm, đối với nhiều bạn trẻ, có một số mẫu con giống bột do anh làm ra có thể là khá mới mẻ, nhưng trên thực tế, chúng là những mẫu mã phổ biến vào những năm 50 của thế kỉ trước, được bày bán nhiều ở phố Đồng Xuân, Hàng Lược, Hàng Đường Hàng Mã, Hàng Buồm, Mã Mây, sau đấy bị mai một theo thời gian.

Trong những năm qua, anh đã cùng các nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Nguyệt Ánh đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và chất xám. Hành trình khôi phục được ấp ủ từ năm 2014, trải qua rất nhiều gian nan vì không có tư liệu có sẵn để tham khảo, nên chỉ có thể khảo cứu dựa trên nguồn tư liệu ảnh cũ và hiện vật của bảo tàng nước ngoài. Sau 3 năm miệt mài với biết bao giọt mồ hôi, cuối cùng đã thu được quả ngọt. Vào năm 2017, anh và các nhà nghiên cứu đã phục chế thành công những mẫu mã con giống tưởng chừng như đã bị lãng quên.

Đa số các nhân vật do anh làm nên đều lấy cảm hứng từ những câu chuyện dân gian gắn liền với văn hóa truyền thống của người Việt, và đi cùng những năm tháng tuổi thơ của mỗi bạn nhỏ. Chính vì như vậy, mỗi món đồ chơi anh làm nên đều có sự gần gũi với khách hàng, và được đón nhận rất nhiệt tình.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nghệ nhân Đặng Văn Hậu bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nghề do cha ông truyền lại đã tiếp tục sáng tạo nên những mẫu mới dựa trên kĩ thuật xưa cũ ấy, để các sản phẩm anh làm ra ngày một đa dạng và phong phú hơn, như bộ chị Hằng - chú Cuội, ông tiến sĩ, hay những con thú lấy cảm hứng những dòng tranh dân gian của Việt Nam, như bộ ngũ hổ trong tranh Hàng Trống…

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình (bên trái) và nhà nghiên cứu Trịnh Bách.

Thắp sáng những chiếc đèn lồng xưa

Có dịp ghé thăm một xóm có truyền thống làm lồng đèn cách đây từ hơn nửa thế kỉ tại phường 5, quận 11, TPHCM. Được biết, xóm lồng đèn Phú Bình là khu vực làm lồng đèn lâu đời nhất và cũng là duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay trong thành phố. Xóm được thành lập vào khoảng năm 1954 bởi những người di cư từ Báo Đáp (huyện Nam Trực, Nam Định) vào đây sinh sống đã mang theo nghề vào để kiếm kế sinh nhai.

Trải qua hơn 60 năm, đến nay trong xóm chỉ còn 4-5 hộ gia đình còn tiếp tục giữ nghề thắp sáng mỗi đêm Trung thu. Bởi trước sức cạnh tranh gay gắt của những chiếc đèn nhựa chạy bằng pin, đèn lồng bằng giấy truyền thống dần mất đi chỗ đứng, và cũng vì lí do kinh tế khiến nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang nghề khác.

Trong số những hộ gia đình còn làm nghề, tôi gặp được anh Nguyễn Trọng Bình – một nghệ nhân đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Anh cũng là người tiên phong trong việc phục chế lại những mẫu đèn lồng xưa cũ. Anh Bình chia sẻ, gia đình anh làm nghề này tính đến đời của anh đã là đời thứ ba, từ bố truyền lại cho anh trai, sau đó các anh trai của anh truyền lại cho anh. Năm anh 8 - 9 tuổi đã bắt đầu bước những bước chân đầu tiên vào nghề. Khi ấy, trong lúc phụ việc cho bố và anh trai, anh đã chú ý quan sát và học hỏi các bước làm đèn lồng. Đến khi 15 tuổi, anh chính thức làm ra những sản phẩm đầu tiên để đem đi bán.

Bắt đầu từ những năm 1990, khi đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, nhất là những chiếc đèn lồng nhựa được thắp sáng nhờ pin dần chiếm lĩnh thị trường đồ chơi nội địa, khách hàng cũng xu hướng chuộng những sản phẩm ngoại nhập hơn, dẫn đến đèn lồng truyền thống dần mất chỗ đứng. Nhiều nghệ nhân bỏ nghề, chuyển hướng sang lĩnh vực khác. Từ đó, thiếu đi đội ngũ có tay nghề cao, khiến cho nhiều mẫu lồng đèn kích thước lớn, đòi hỏi kĩ thuật tỉ mỉ bị thất truyền.

Không thể đứng nhìn những giá trị quý báu của cha ông chìm vào quên lãng, nên bắt đầu từ 7-8 năm trước, anh cùng với nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã lên những ý tưởng đầu tiên cho việc khôi phục lại những mẫu lồng đèn cầu kì từng bị thất truyền, như đèn con cá, con cua… Anh chia sẻ thêm, để đạt được thành quả ấy, cả anh và nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã gặp không ít trở ngại. Cũng giống như phục chế lại con giống bột xưa, khó khăn trước tiên phải kể đến chính là việc thiếu đi những những mẫu vật cụ thể. Nhưng với những nỗ lực ngày đêm không ngừng nghỉ, dựa trên những bức ảnh chụp lâu năm, thì đến năm 2020, anh đã khôi phục thành công những mẫu đèn ấy và công bố rộng rãi trên thị trường.

Anh Bình luôn tâm niệm, bằng tình yêu với nghề, anh luôn cố gắng hết mình để có thể làm ra những chiếc đèn đẹp nhất, bắt mắt nhất, chứa đựng nhiều tâm huyết nhất, để mỗi mùa Tết Trung thu đều có ý nghĩa. Và anh tin rằng, chiếc đèn đẹp nhất nhất định sẽ có sức lôi cuốn các em nhỏ, thậm chí cả các phụ huynh chọn mua đèn lồng truyền thống.

Anh và nhà nghiên cứu Trịnh Bách chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở đây, mà còn tiếp tục tìm kiếm thêm tư liệu để phục chế thêm những mẫu đèn lồng khác, và sáng tạo thêm những mẫu mới, để sự lựa chọn của khách hàng thêm phong phú, đa dạng hơn.

Để có thể hoàn thiện một chiếc đèn tốn nhiều thời gian và công sức hơn các loại đồ chơi truyền thống khác, phải mất đến gần 2 tuần mới có thể làm xong được một món đồ. Có những hôm anh phải thức đêm để làm cho xong một công đoạn, chứ không thể bỏ dở giữa chừng. Từng công đoạn đều phải thực hiện tỉ mỉ từng chút một, vì nếu để sai sót một chi tiết nhỏ thôi, thì coi như phải thực hiện lại từ đầu cả công đoạn đó.

Chiếc lồng đèn được hoàn thiện đến độ hoàn mĩ, bên cạnh những công sức và thời gian mà người nghệ nhân bỏ ra, thì điều kiện quan trọng chính là nguyên liệu. Giống như nhiều món đồ chơi truyền thống, tre là thứ không thể thiếu để định hình nên khung sườn của món đồ chơi ấy, vào giúp cho nó có sự vững chắc. Tre được đẽo gọt thành từng que với kích thước vừa đủ. Sau đó, anh Bình sử dụng dây kẽm để nối những đầu của thanh tre lại với nhau. Cuối cùng là dùng giấy nhiễu để phủ lên trên khung tre của món đồ chơi. Có một số loại đèn anh thay thế bằng giấy nhiễu để phủ lên bề mặt, như đèn con thỏ, con lợn… Điểm xuyết thêm là những nét mực màu để mỗi con vật thêm phần sinh động.

NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG