Phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh: Vẫn nhiều “điểm nghẽn”

THÀNH LUÂN (thực hiện) 12/09/2022 07:43

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM trong 8 tháng qua, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM cho rằng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” dẫn đến đà phục hồi chậm so với kỳ vọng.

TS Trương Thị Minh Sâm.

PV: Là Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM, bà đánh giá thế nào về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM từ đầu năm đến nay?

TS TRƯƠNG THỊ MINH SÂM: Tại phiên họp quý 3 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thu ngân sách 8 tháng đầu năm của thành phố đạt gần 312.000 tỷ đồng, tức là đã đạt khoảng hơn 80% dự toán. Nếu so với cùng kỳ 2021 thì tăng 21,34%. Nhưng chúng ta cũng đã thấy năm qua ảnh hưởng của Covid-19 còn nặng nề và có thời điểm TPHCM lần đầu tăng trưởng âm kể từ sau đổi mới (1986). Điều chúng ta quan tâm là dù kinh tế thành phố có phục hồi khá mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều dấu hiệu cản trở tăng trưởng, có thể gọi là “điểm nghẽn”. Một số “điểm nghẽn” đã được Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra là giải ngân vốn đầu tư công chậm mặc dù có chuyển biến; Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chưa đạt yêu cầu; Hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có xu hướng giảm; phối hợp công tác giữa các sở, ban, ngành lỏng lẻo, thiếu hiệu quả...

Với những tồn tại như vậy, theo bà sẽ ảnh hưởng thế nào tới giai đoạn nước rút đối với mục tiêu cả năm 2022 của thành phố?

- Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia phân tích kinh tế của Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM đã tọa đàm nhiều lần về vấn đề này kể từ khi thành phố thực hiện “bình thường mới” cùng các biện pháp nới lỏng đi lại và hoạt động công nghiệp, dịch vụ. Đương nhiên, chúng ta biết rằng trạng thái hoạt động kinh tế - xã hội sau hai năm liên tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khó tránh khỏi các ảnh hưởng, nhất là tình trạng mất sự liên tục, bị gián đoạn và đứt gãy trong các chuỗi hoạt động kinh tế. Chúng tôi cũng chỉ ra những sụt giảm đáng kể đối với giai đoạn này của kinh tế TPHCM, đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm (ảnh hưởng trực tiếp từ thương mại toàn cầu sụt giảm). Điều này tác động đến những “điểm nghẽn” về việc làm và thu nhập của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… Hệ lụy dễ nhận thấy là thất nghiệp tăng và đối tượng trong diện phải trợ cấp xã hội cũng tăng, tạo ra gánh nặng lớn đối với ngân sách nói chung. Kế đó, các sụt giảm trong tăng trưởng công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, nông lâm, thủy sản,…cũng bộc lộ rõ trong những tháng đầu năm. Một số ngành ghi nhận tăng trưởng nhưng còn thấp như vận tải kho bãi, dịch vụ ăn uống, du lịch,…

Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP Hồ Chí Minh).

Khi đà phục hồi còn chậm cùng với những “điểm nghẽn” tiềm tàng kể trên, bà có dự báo gì đối với kinh tế TPHCM giai đoạn từ nay đến cuối năm 2022?

- Chủ tịch UBND TPHCM đã nêu một số giải pháp trong những tháng cuối năm nay, chúng tôi thấy xác đáng và đúng trọng tâm. Chẳng hạn, cần thiết phải xốc lại tinh thần và tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” từ đó triển khai đồng bộ, quyết liệt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm. Một số giải pháp đáng chú ý như tăng cường cải cách hành chính; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp…Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo việc phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh…Vấn đề là các sở, ban, ngành, 22 quận huyện và TP Thủ Đức cần rốt ráo, tập trung cao nhất để đảm bảo mục tiêu chung đã đặt ra từ đầu năm.

Bà có đánh giá thế nào về cải cách hành chính, công tác tiếp dân liên quan đến một số lĩnh vực kinh tế được người dân đặc biệt quan tâm và thường xuyên có khiếu nại, tố cáo thời gian qua như lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm y tế?

- Vấn đề này báo chí cũng đã thông tin khá nhiều, tôi chỉ xin tóm lược vài ý thế này. Thứ nhất, bất cứ một đô thị nào trong quá trình vận hành và phát triển cũng đều phát sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết liên quan đến quyền và lợi ích của cư dân đô thị. Là một đô thị đặc biệt của cả nước, đồng thời là “đầu tàu” kinh tế phía Nam và cả nước thì chính quyền TPHCM cũng không tránh khỏi các vấn đề tương tự. Tôi cho rằng chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi kinh tế số, chuyển đổi số sẽ tỷ lệ thuận với sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Do đó, khi thực hiện, chuyển đổi số nhanh và hiệu quả thì việc khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế, hải quan… cũng sẽ giảm đi. Điều cần thiết là chính quyền đô thị phải vận hành hiệu quả cả công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô; bên cạnh việc phải tạo cơ chế cho các cơ quan giám sát, phản biện, như MTTQ, HĐND… tham gia giám sát hoạt động của chính quyền. Đây là cơ sở để hướng nền kinh tế lớn nhất cả nước đi vào giai đoạn phát triển bền vững và đảm bảo vị thế “đầu tàu” của mình.

Bà có nói đến vai trò của giám sát, phản biện xã hội, vậy theo bà chúng ta cần tập trung giám sát vào lĩnh vực/vấn đề gì để đạt hiệu quả cao nhất của công tác này?

- Tôi cho rằng giám sát, phản biện cứ tập trung vào những vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc bởi gắn chặt với quyền và lợi ích thiết thân của họ. Chẳng hạn, hiện nay MTTQ các cấp chủ trì, duy trì thường xuyên việc khảo sát sự hài lòng của dân về thủ tục hành chính của chính quyền các cấp, đây là mô hình đáng quan tâm. Nhờ kênh này, chính quyền sẽ biết mình cần phải cải thiện, tháo gỡ những bất cập, chồng chéo ở đâu. Hoặc tôi thấy MTTQ thành phố cũng làm khá hiệu quả cuộc vận động cộng đồng xã hội chung tay hỗ trợ người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hay hỗ trợ các địa phương gặp thiên tai,…cũng thường xuyên đứng trong tốp đầu các địa phương thời gian qua.

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Cục Thống kê TPHCM, thu ngân sách của thành phố đạt khoảng 80% trong 8 tháng đầu năm nay, nguồn thu chủ yếu là từ nhà đất và dầu thô. Trong khi đó, thu từ thuế sản phẩm để tính vào tăng trưởng chỉ ở mức 3%. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng còn rất thấp, riêng trong tháng 8 chỉ giải ngân được gần 600 tỷ đồng vốn đầu tư công.

THÀNH LUÂN (thực hiện)