Phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân
Với vai trò tích cực của người dân trong thực hiện các hoạt động giám sát, các Ban Thanh tra nhân dân (TTND) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Giám sát bằng những việc làm cụ thể
Từ đầu năm 2022 đến nay, các Ban TTND đã tổ chức 3.026 cuộc giám sát, phát hiện 401 vụ vi phạm, kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 391 vụ việc, được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 371 vụ. Qua giám sát, các Ban TTND đã kiến nghị với chính quyền thu hồi hơn 2.205 đất; phối hợp với các cấp chính quyền tham gia giám sát 2.164 cuộc về quản lý trật tự xây dựng, 664 cuộc về quản lý đất đai, 854 cuộc về thực hiện dân chủ ở cơ sở và 264 cuộc thuộc các lĩnh vực khác.
Hiện nay, Đảng bộ phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng có hơn 300 đảng viên đang công tác. Thực hiện việc “Giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ nhân dân nơi cư trú”, Ban TTND phường Phố Huế đã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ phường, cấp ủy các chi bộ và Ban Công tác Mặt trận tổ chức sinh hoạt đối với các đảng viên hai chiều. Ban TTND cùng với các Ban Công tác Mặt trận thường xuyên vận động các đảng viên thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giám sát việc thực hiện Quy định 213/QĐ-TU của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú. “Đây là biện pháp để đảng viên gắn bó hơn với địa bàn dân cư, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống tại nơi cư trú sẽ được các thành viên Ban TTND, Ban CTMT và quần chúng nhân dân phát hiện, phản ánh, góp ý kịp thời, giúp cơ quan, chi bộ Đảng nắm bắt được tư tưởng chính trị của đảng viên” - Trưởng Ban TTND phường Phố Huế Đào Thị Vân Hạnh cho biết.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thu thuế ngoài quốc doanh trên địa bàn phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Ban TTND phường Phùng Huy Đan đã tham mưu với lãnh đạo phường thu thuế của các chủ thầu xây dựng đang thi công công trình trên địa bàn và giám sát quá trình thực hiện. Ông Đan khẳng định: “Với việc thu thuế của chủ thầu xây dựng trên địa bàn, hàng năm thu ngân sách của phường tăng từ 200-300 triệu đồng”.
Cần sự quan tâm hơn nữa
Trong quá trình hoạt động, công tác TTND vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như một số xã, phường, thị trấn, cấp ủy Đảng, chính quyền còn thiếu quan tâm; việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của Ban TTND còn chậm hoặc chưa giải quyết triệt để. Công tác phối hợp giữa MTTQ với chính quyền cơ sở và các tổ chức thành viên có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ. Một số Ban TTND còn thiếu sự chủ động trong hoạt động; các thành viên phần lớn đều kiêm nhiệm công tác ở các thôn, trình độ năng lực còn hạn chế, hoạt động chủ yếu bằng tinh thần, không có phụ cấp.
Để giải quyết những vướng mắc trên, ông Hà Văn Dân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban TTND xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ kiến nghị: “Các trưởng ban và các thành viên Ban TTND cần có phụ cấp, Nhà nước cần có chính sách về vấn đề này. Bên cạnh đó, hàng năm Ủy ban MTTQ thành phố tiếp tục mở lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ làm công tác TTND ở các xã, thị trấn”.
Ở góc độ khác, ông Hoàng Văn Chương - Trưởng Ban TTND phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm đề xuất: “Ủy ban MTTQ phường cần bám sát nhiệm vụ chính trị ở địa phương để có kế hoạch hướng dẫn chỉ đạo Ban TTND xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm nhằm đạt kết quả cao hơn. Việc bầu Ban TTND nên kết hợp với bầu trưởng thôn nhằm tiết kiệm kinh phí và nâng cao vị thế của thành viên TTND”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đàm Văn Huân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội khẳng định, để Ban TTND hoạt động hiệu quả, thời gian tới từng địa phương, cơ sở chủ động xây dựng chương trình hoạt động, tập trung lựa chọn và cụ thể hóa bằng những nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả, gắn với trách nhiệm của từng thành viên. Tập trung tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát các công trình, dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt tình hình và phản ánh kiến nghị của nhân dân đối với các cơ quan, cấp có thẩm quyền; đề xuất biện pháp giải quyết; chủ động cập nhật văn bản mới, chủ trương mới...
Triển khai Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022
Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022. Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội yêu cầu Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022; tổ chức phát động gắn với tuyên dương, khen thưởng các đối tượng ủng hộ Quỹ, các gia đình vươn lên thoát nghèo đảm bảo công tác thi đua, khen thưởng, tôn vinh, lan tỏa các việc làm tốt có ý nghĩa trong cộng đồng. Đặc biệt, trong rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, phải đánh giá đúng tình hình, tránh chạy theo thành tích, lựa chọn đối tượng phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Dự kiến, ngày 17/10 tới, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” thành phố sẽ tổ chức lễ phát động Quỹ “Vì người nghèo” cấp thành phố.