Hà Nội tập trung khắc phục tình trạng ngập lụt ở ngoại thành
Ngày 11/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã đề nghị tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt là tình trạng ngập lụt ở khu vực ngoại thành.
Theo đó, lượng mưa lớn ở khu vực tỉnh Hòa Bình (phần diện tích thuộc lưu vực sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà) trong thời gian ngắn đã dồn về các sông trên địa bàn Hà Nội khiến mực nước sông lên rất nhanh, gây ngập lụt nhiều vùng dân cư ven sông ở ngoại thành. Đến nay, nhiều khu vực thuộc huyện Chương Mỹ vẫn bị ngập.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 803/CĐ-TTg ngày 9/9/2022 về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa úng; để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn Hà Nội kịp thời, hiệu quả, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đề nghị các địa phương trên địa bàn Hà Nội tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn; tổ chức thường trực 24/24 giờ để chủ động chỉ đạo ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, không để xảy ra tình trạng đuối nước, mất an toàn về điện.
Trước diễn biến mưa lớn gây ngập lụt tại khu vực ngoại thành những ngày qua, Hà Nội đề nghị chính quyền các cấp tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn. Triển khai phương án, cung cấp hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo đời sống nhân dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.
Các huyện chịu ảnh hưởng của lũ (Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ. Rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; kịp thời bảo vệ, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau mưa, lũ.
Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân qua khu vực ngầm tràn, đường ngập sâu nước; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người ứng phó mưa lũ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn đề điều, công trình thủy lợi, bảo vệ sản xuất và kịp thời khắc phục nhanh các sự cố do mưa, lũ gây ra.