Sân khấu đang cần “hơi thở cuộc sống”
Thời gian gần đây, phim truyền hình lôi cuốn khán giả với những đề tài khá thời sự. Trong khi đó sân khấu vẫn kém hấp dẫn. Nguyên nhân được cho là do những chủ đề sân khấu tập trung khai thác thiên nhiều về lịch sử; trong khi vắng bóng các vở diễn có đề tài hiện đại.
Mải miết trong lối mòn
Đề tài hiện đại ở sân khấu kịch đang chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được về nội dung và cách thức thể hiện. Đây là vấn đề khiến đạo diễn, nghệ sĩ, nhà lý luận, phê bình, nhà quản lý phải tìm cách thay đổi.
So với đề tài lịch sử, dân gian, cận đại, số lượng vở diễn về đề tài hiện đại khiêm tốn hơn nhiều. Không chỉ ở sân khấu Thủ đô, đời sống sân khấu cả nước cũng lâm vào tình cảnh này. Tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, trong số 26 vở diễn tham dự, chỉ có 8 vở mang chủ đề hiện đại, chiếm 1/3. Tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, trong 18 vở diễn tham dự, chỉ có 5 vở đề cập những câu chuyện của ngày hôm nay.
Có thể thấy, hiện nay những tác phẩm đề tài hiện đại được dàn dựng trên các sân khấu đang rất ít. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc phải chăng các nhà hát né tránh dựng vở về đề tài hiện đại? Việc dàn dựng những vở kịch có đề tài hiện đại còn đang bị hạn chế?…
Đề tài lịch sử là vô cùng quan trọng và các nghệ sĩ đều lồng vào chuyện xưa những vấn đề đương đại để phục vụ khán giả. Tuy nhiên, khán giả vẫn cần những vở diễn phản ánh trực tiếp cuộc sống của chính họ trên sân khấu và việc đi vào đề tài hiện đại cũng là cách để làm mới sân khấu kịch hát, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với nghệ thuật của cha ông.
Theo các nhà nghiên cứu, phê bình, nguyên nhân dẫn đến việc sân khấu đang ngày càng không có đề tài hiện đại, kém sức hút với khán giả hiện nay được cho là do số lượng và chất lượng kịch bản. Hơn thế, sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến một bộ phận không nhỏ thế hệ người Việt mất đi văn hóa đọc, điều đó tác động rất lớn đến chất lượng và chiều sâu của các kịch bản hiện nay. Bên cạnh đó, những người làm sân khấu kịch hát còn lúng túng trong việc sáng tạo các vở diễn đề tài hiện đại.
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, trong những năm gần đây, lựa chọn kịch bản dường như đã trở thành việc khó, một trở ngại lớn đối với nhiều đơn vị nghệ thuật.
“Đã có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà viết kịch trẻ gửi đến Nhà hát Kịch Hà Nội, họ có cách tiếp cận rất trực diện, cái nhìn trẻ trung, mới mẻ, hiện đại, cách đạt vấn đề rất thú vị và đặc biệt. Thế nhưng, những kịch bản ấy vẫn có nhiều điểm cần khắc phục như: Tính cách nhân vật xây dựng chưa nhất quán, tình huống kịch còn sơ lược, nội dung kịch chưa đủ chiều sâu, thông điệp chưa rõ ràng” - ông Hiếu cho biết.
Còn theo lý giải của PGS.TS Trần Trí Trắc, nhiều nghệ sĩ còn chưa hiểu thấu đáo về sự chuyển mình lớn của đất nước khi đi từ chiến tranh sang hòa bình, từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế... Có nghĩa là, văn nghệ sĩ chưa có vốn sống thực tế về đề tài hiện đại, chưa nhận thức được đầy đủ về những giá trị cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam hôm nay trên trường quốc tế.
Đổi mới tư duy
Phải thừa nhận một điều, đề tài thời sự luôn lôi cuốn khán giả, nó có một sức hút đặc biệt. Đó là hơi thở của cuộc sống, nhịp của thời đại. Soi chiếu sang phim truyền hình, những năm gần đây, khán giả quan tâm đến những bộ phim Việt là vì đã phản ánh được những vấn đề mà dư luận quan tâm, thực tế với người dân, đó là cuộc sống gia đình, nông thôn cho đến những đề tài nóng của xã hội như tham nhũng, môi trường, đất đai…
Để giải quyết việc thiếu vắng đề tài hiện đại trong nghệ thuật sân khấu, theo các chuyên gia, nên định hướng và đào tạo một thế hệ người Việt trẻ có văn hóa đọc. Tạo điều kiện cho những cây bút trẻ phát huy sáng tạo và sức trẻ. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa sự quan tâm, trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa.
Về phía đơn vị nghệ thuật, dưới góc độ nhà quản lý, theo Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, khi tiếp cận và dàn dựng những kịch bản có đề tài hiện đại, ban lãnh đạo của các đơn vị nghệ thuật cần có một cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng và xử lý một cách tinh tế và linh hoạt trên sân khấu biểu diễn.
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp phải tăng cường tổ chức cho các tác giả đi thực tế cơ sở, bám sát đời sống thực tiễn, tạo cảm hứng sáng tác. Các đơn vị nghệ thuật cũng cần mạnh dạn dàn dựng những tác phẩm đương đại, có góc nhìn mới.
“ Cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu. Trước hết tư duy về những vấn đề liên quan đến kịch bản sân khấu. Phải biết chọn lọc và thẩm định được những người viết trẻ có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng, nếu có điều kiện thì gửi đi học nước ngoài để họ trở thành những nhà viết kịch tài năng” - ông Chiêm nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Trần Trí Trắc, để có chất liệu sống trong sáng tác kịch bản hiện đại thì văn nghệ sĩ phải có vốn sống của cuộc sống hôm nay để có cảm hứng bất tận và thôi thúc cầm bút, sáng tác về cuộc sống hôm nay, như thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây ông cha ta đã làm.