Nỗ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Mặc dù, chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên tục làm cầu nối cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận và cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp. Rất ít doanh nghiệp nội địa trở thành đầu mối cung ứng sản phẩm, linh kiện quan trọng của các doanh nghiệp FDI.
Tỷ lệ nội địa hóa quá khiêm tốn
Hiện tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 – 35%; điện tử phục vụ các ngành ô tô, xe máy khoảng 40%. Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa khá cao, song vẫn chưa như kỳ vọng.
Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam Hiroyuki Ueda từng chia sẻ, 2 năm qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng hãng vẫn tuyển dụng được 12 nhà cung cấp mới. Với số lượng này đã nâng tổng số nhà cung cấp cho đơn vị là 46, nhưng chỉ có 6 đơn vị là DN Việt. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), một chiếc ô tô có đến 30.000 linh kiện, song 80% số này đến từ nguồn nhập khẩu. Số còn lại do DN trong nước sản xuất với những chi tiết đơn giản.
Bộ Công thương cũng thừa nhận, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động, động cơ,...
Giới chuyên gia cho rằng, tỷ lệ linh phụ kiện có hàm lượng công nghệ thấp còn cao so với các nước. Do đó, các nhà cung cấp Việt Nam đối mặt với nguy cơ có khả năng bị các công ty đa quốc gia dễ dàng thay thế.
Do là một ngành công nghiệp khá lớn và phức tạp nên ô tô Việt Nam vẫn gian nan với giấc mơ nội địa hóa. Trong khi đó, một số ngành có vẻ bắt nhịp và cung ứng nhanh hơn. Ông Trần Bá Linh – Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang chia sẻ, giữa năm 2022 Công ty đã ký kết hợp tác chiến lược cùng Xelex- DN có đội ngũ chuyên gia giỏi. Trong việc hợp tác này, công ty Điện Quang đảm nhận vai trò sản xuất các thiết bị điện tử có độ khó cao như: Máy tính bảng, laptop, máy tính... để cho ra đời sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao “Make in Viet Nam”.
Đặc biệt, với hoạt động đầu tư hợp tác trong và ngoài nước, đơn vị đã và đang đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác để cho ra đời các giải pháp thông minh, không chỉ mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty cũng định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thành công Trung tâm nghiên cứu phát triển với hơn 100 kỹ sư trẻ, hoạt động từ khâu thiết kế, tạo mẫu sản phẩm đến xây dựng giải pháp.
Tăng kết nối, thúc đẩy phát triển
Theo giới phân tích, công nghiệp hỗ trợ đối với thế giới đã trở thành ngành khá quen thuộc, nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn mới mẻ. Do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển thành một ngành mạnh mẽ, nên việc cung – cầu còn khoảng cách.
Để giúp DN trong nước nhanh chóng tiếp cận và cung ứng thiết bị, linh kiện cho DN FDI, mới đây sở Công thương TPHCM phối hợp tổ chức chương trình “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2022”. 20 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tham gia chương trình với tư cách là nhà mua hàng. Tại đây các DN có nhu cầu đã tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục hơn 500 chi tiết linh kiện.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhìn nhận, thành phố đã tìm được 96 DN FDI và DN sản xuất công nghiệp đầu cuối là nhà sản xuất cần tìm nguồn cung ứng sản phẩm, linh kiện. Sở cũng cam kết tạo điều kiện cho các DN hỗ trợ có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các đối tác trong và ngoài nước, từ đó mở rộng quy mô nhà xưởng, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Muốn DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, một số ý kiến cũng cho rằng, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ DN cung cấp trong nước; Tăng cường kết nối các công ty đa quốc gia với nhà cung cấp Việt.
Nói về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, cần nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo ông Hoan, mục đích không dừng lại ở việc cung - cầu mà phải xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. “Chúng ta thấy rằng một sản phẩm công nghiệp không bao giờ chỉ là một chi tiết, mà phải nhiều chi tiết tập hợp lại do nhiều nhà cung cấp khác nhau. Cho nên, khi DN đáp ứng được những tiêu chuẩn, tiêu chí của nhà sản xuất yêu cầu chắc chắn DN có thị phần, có thị trường và phát triển”- ông Hoan nói và cho biết thêm, thế giới bước vào công nghiệp 4.0, tạo ra sản phẩm có chất lượng công nghệ cao, sản phẩm xanh,... nên thiết phải có những nhà cung cấp chất lượng.
Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế mở, nhất khi là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA)… Đây là những yếu tố thúc đẩy bổ sung cho các doanh nghiệp toàn cầu tìm cách chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam. Mặc dù cơ hội đang mở ra rất lớn cho các doanh nghiệp nội, song, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn rất thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á.