Phát huy vai trò nêu gương của đảng viên - Bài 1: Hành trình vào Đảng của một nông dân
Tháng 8, dưới nắng sớm, cây bưởi đầu hồi nhà bà Cao Thị Đào như xanh mát hơn. Đó là món quà của Anh hùng lao động Nguyễn Văn Cường dành tặng người phụ nữ có nghị lực phi thường - người mà mười mấy năm phấn đấu không ngừng để thực hiện khát khao: Được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
“Tôi đã tìm ra lý tưởng cho mình”
Nằm trong thôn An Thịnh, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), căn nhà ngói 3 gian còn tuềnh toàng nhưng xanh mát với vườn rau lang và cỏ voi mơn mởn sau mưa. Nhà vắng hoe, bà Đào bảo, chồng đi làm thợ xây dựng. 3 cô con gái, hai người đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định, chỉ có cô út đang học đại học ở Hà Nội.
“Cuộc sống của tôi khá lên nhiều rồi, giờ chỉ thấy thiếu thời gian để làm việc tốt cho xã hội thôi” - Kể đến đây, gương mặt người phụ nữ cả một đời tảo tần, lam lũ bỗng sáng bừng lên, bà bảo, “tôi được như hôm nay là nhờ được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.
Cuộc đời người phụ nữ ấy bắt đầu rẽ ngang từ một chuyến đi buôn chè, bị lừa mà trắng tay. Đó là năm 1998. Một nách 3 đứa con đang tuổi ăn học, nhà trống hoác, vườn toàn cỏ dại, chồng thì say tối ngày. “Cứ tưởng mình sẽ gục ngã khi trở về, thế nhưng với bản năng của một người mẹ, tôi nhìn vào mắt bọn trẻ để đứng dậy” – bà Đào nhớ lại.
Một ngày đầu năm 1998, được người quen giới thiệu, đến làm giúp việc tại nhà của Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Cường ở Sóc Sơn, bước ngoặt cuộc đời bà cũng bắt đầu thay đổi từ đây. “Nhà ông Cường rất nhiều sách báo, mỗi lúc xong việc tôi lại rón rén cầm một vài tờ đọc. Ông rất để ý việc này. Và cũng sau hôm đó, tôi nhận thêm công việc mới, đó là đọc báo cùng vợ ông Cường” – bà Đào nhớ cái ngày bắt đầu bén duyên với chữ nghĩa.
Quãng thời gian ấy, một số vị lãnh đạo ngoài thành phố thường về nhà ông Cường trò chuyện, cả tổ chức hội thảo. Vì biết người giúp việc của mình ham đọc sách báo, thích tìm hiểu các vấn đề xã hội nên ông Cường cũng tạo điều kiện cho nghe một số buổi nói chuyện. Bà Đào nhớ, ấn tượng nhất là nghe họ nói về thi đua yêu nước, về tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhất là sau 3 lần đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bà mới vỡ dần ra. Khi nước mắt tràn thấm gối cũng là lúc người phụ nữ ấy tìm ra một lý tưởng riêng cho mình.
“Thấm nhuần tư tưởng của Bác, tôi ngày đêm khát khao, mong muốn được trở thành đảng viên, đứng trong hàng ngũ của Đảng để cống hiến, sống tốt hơn, gương mẫu hơn. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, khó mấy, khổ mấy, tôi cũng cam lòng” – ánh mắt bà lấp lánh niềm tin.
Và người phụ nữ ấy đã quyết tâm biến khát khao của mình thành hiện thực. Lá đơn xin vào Đảng đầu tiên không được chấp nhận. Bà nhớ, lúc đó, ông Bí thư chi bộ thôn bảo, cô có 3 đứa con thì làm sao vào Đảng được. 34 tuổi, bà tự nhủ, 3 đứa con thì mình không thể thay đổi được nhưng bằng cấp 3 chưa có thì phải cố gắng học.
Và thế là một hành trình mới bắt đầu. Để có tiền đi học bổ túc ban đêm và nuôi con, ban ngày một tay bà lo ruộng vườn, đi gánh gạch thuê cho một lò gạch thủ công. Gánh gạch tuột cả vai, người ta làm một thì bà làm gấp hai, gấp ba, cứ có việc là nhận miễn sao có tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học, cũng là để đạt mục tiêu duy nhất – sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
“Năm 2006, cầm trong tay bằng tốt nghiệp cấp III, tôi đến nhà ông Bí thư Chi bộ thôn, tiếp tục đề xuất nguyện vọng, thế nhưng, một lần nữa lại bị từ chối vẫn lý do sinh con thứ ba” - Đó là lần thứ hai bà viết đơn.
2 lần nộp đơn, cả hai lần bị từ chối, thế nhưng bà Đào không nản, tự nhủ, những gì đã có không thể thay đổi cuộc đời mình thì mình sẽ làm để thay đổi cuộc đời người khác. Và bà bắt đầu làm từ thiện- làm tất cả những việc gì có thể để góp phần giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, xoa dịu những mảnh đời cơ cực xung quanh mình.
Thế nhưng, khi bắt đầu làm từ thiện bà lại bị người ta đổ cho tiếng oan là nhà đã nghèo, không có tiền mà ăn còn đi làm từ thiện, chắc khùng. Cả người nhà cũng mắng, nghèo rớt còn bày đặt…
Người đời, người nhà, ai cũng đàm tiếu, bà bỏ mặc ngoài tai, chỉ khát khao phải làm thật nhiều việc tốt, phải giúp được nhiều người, sống gương mẫu như một người đảng viên chân chính. Tiền công gánh gạch mỗi tháng bà bỏ ra 100 ngàn đi mua vỏ chăn và màn, lương thực để tặng cho những người bị liệt. Rồi thấy ai khó, ai khổ, làm không đủ lực bà lại đôn đáo đi kết nối để các mạnh thường quân tìm đến giúp họ.
Ông Hoàng Công Lộc – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên):
Tôi mong những tấm gương sáng cứ lan tỏa mãi
Ở địa phương, bà Cao Thị Đào được nhiều người biết đến không chỉ bởi là người miệt mài trong công tác từ thiện mà bởi sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để sớm được phát huy vai trò gương mẫu của một người đảng viên. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, trong công tác từ thiện yếu tố buộc phải có chính là sự minh bạch. Bà Đào đã làm được việc đó, kinh phí vận động, những địa chỉ cần được giúp đỡ đều công khai rõ ràng, tạo được niềm tin trong cộng đồng. Ngoài ra, bà cũng là người có năng khiếu văn chương, rất tích cực viết sách, số tiền thu được từ bán sách phần lớn dành làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời cơ cực, khó khăn...
Tôi mong những tấm gương sáng cứ lan tỏa mãi, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ:
Cương vị càng cao càng cần phải nêu gương
Đã là đảng viên, đứng trong hàng ngũ của Đảng thì dù ở trong bất cứ cương vị nào cũng cần phát huy vai trò nêu gương. Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng cần phải nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, học tập, sinh hoạt. Có quyền, có chức càng phải sống khiêm tốn, chứ có quyền, có chức mà tha hóa thì thiệt hại cho dân, cho nước gấp bội so với người bình thường, bởi khi người ta nắm trong tay quyền chức thì sự ảnh hưởng rộng rãi lắm. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự tha hóa hay thường trực ở tầng lớp này, vì tiêu cực phải hối lộ, phải giăng bẫy, anh nắm trong tay quyền chức mà không tỉnh táo thì sẽ dễ vướng vào tiêu cực, tham nhũng.
Đảng viên phải khác quần chúng, nhất là vai trò nêu gương, bởi lối sống đẹp của người đảng viên có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động lớn tới xây dựng lối sống của nhân dân.
V. Hà (ghi)
Khối tài sản “khổng lồ” và những niềm vui lớn
Đi làm từ thiện, gặp nhiều mảnh đời cơ cực, trái ngang bà Đào bắt đầu đưa lên trang viết, đêm nào cũng ngồi viết đến 2, 3 giờ sáng mới ngủ. Những cuộc đời, những câu chuyện buồn nhưng lấp lánh sự nhân văn, lấp lánh những cái kết đẹp, cứ thế lan tỏa trong từng trang sách. Bà “mở hàng” cho sự nghiệp văn chương bằng cuốn sách có tựa đề “Nỗi buồn xin hãy tan đi” với 11 truyện ngắn. Sau tác phẩm đầu tay năm 2014, đến năm 2016 tiếp tục xuất bản cuốn truyện ngắn có tựa đề: “Giọt buồn như vẫn còn vương” và đến năm 2017 là tác phẩm thứ ba mang tên: “Đợi đến mùa xuân”…
Những đầu sách cứ nối tiếp nhau. Toàn bộ tiền bán sách, bà đem đi làm từ thiện, nhưng càng làm càng thấy thiếu. Mười mấy năm giúp đời, giúp người không nhớ mình đã trao được bao nhiêu suất quà, bao nhiêu triệu đồng, bà bảo chỉ thấy lòng mình ấm áp và hạnh phúc.
Cùng với truyện ngắn là những bài báo chống tiêu cực. “Tôi nói thật, khi bắt đầu viết báo thì trong lòng mình rực rỡ về đấu tranh chống tham nhũng, với tệ nạn xã hội. Một số cán bộ ăn công khai của dân, dân biết nhưng không dám nói. Và tôi tố cáo họ bằng chính những bài báo chống tiêu cực. Thế là bị họ ghét, can thiệp tới một số tòa soạn bảo các bài của cô Đào viết không được in. Nhưng tôi không nản, cánh cửa này đóng, thì cánh cửa khác sẽ mở ra” – bà nói đầy niềm tin.
Tôi thắc mắc, một nông dân mà viết sách, viết báo như nhà văn chuyên nghiệp vậy? Bà cười bảo, chữ nghĩa một phần là năng khiếu còn phần lớn là nhờ ơn GS Hoàng Chí Bảo – “ân nhân của cuộc đời tôi”.
Năm 2017, cũng lại là duyên, bà gặp được GS Hoàng Chí Bảo khi ông về Thư viện tỉnh Thái Nguyên nói chuyện. “Một lần gặp được ông ở Hà Nội, tôi biếu mấy cuốn sách. Ông nhận, đọc qua rồi hỏi: - Giờ cháu làm gì? Tôi bảo, con làm ruộng, viết sách. Ông lại hỏi: - Cháu có muốn học gì không? Tôi trả lời ngay: - Con muốn đi học lớp viết văn Nguyễn Du ở trường Đại học Văn hóa. Thế là ông giúp. GS cũng rất cẩn thận khi tìm về tận quê tôi để hỏi ý kiến gia đình” – bà Đào kể.
Ngày cầm chứng chỉ lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du cũng là lúc bà được GS Hoàng Chí Bảo tiếp tục giúp đỡ cho đi học tại chức tại trường ĐH Luật. “Tôi học 4 năm, hết khoảng 60 triệu đồng. GS Hoàng Chí Bảo tài trợ toàn bộ. Đến giờ tôi vẫn nói với các con, mẹ chưa trả ơn được ông bà thì sau này các con phải có trách nhiệm thay mẹ” – bà Đào nói.
Sau những nỗ lực hết mình và được sự ghi nhận của xã hội; sau lá đơn thứ 5 – năm 2020 bà Cao Thị Đào chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngay sau ngày được kết nạp vào Đảng, trong 500 đảng viên của xã, bà vinh dự được nhận Giấy khen: Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và cũng từ năm 2016 đến 2021 bà nhận được rất nhiều Giấy khen về các thành tích, sự cống hiến không mệt mỏi cho công tác từ thiện.
“Từ khi vào Đảng cuộc sống tôi khác hoàn toàn” – giọng bà Đào trở nên sôi nổi. Bà bảo, các con rất tự hào về mẹ. Còn chồng bà, trước đây thấy vợ sinh toàn con gái nên buồn, say tối ngày, ông nát rượu đến 20 năm, thế mà giờ tu tỉnh, chịu khó làm ăn, thương vợ, thương con. Cái sổ đỏ ông bà cắm trong ngân hàng 15 năm để lo cho 3 đứa con ăn học giờ cũng đã rút được về rồi.
“Tôi vào Đảng không vì bất cứ mục đích gì ngoài mong muốn được sống, cống hiến và trở thành người có ích cho xã hội” – bà Cao Thị Đào siết chặt tay tôi, ánh mắt lấp lánh những niềm vui.
(Còn nữa)