Bảo tồn đa dạng sinh học: Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương, tổ chức, các chuyên gia đã xây dựng Dự thảo Báo cáo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, nhiều giải pháp nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học (ĐDSH) đã được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/1/2022 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; với mục tiêu tổng quát: “Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; ĐDSH được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Theo Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Dương Thanh An, Dự thảo Báo cáo Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia nhằm định hướng việc bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH trong thời gian tới; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gene nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững...
Dự thảo cũng tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả và duy trì tính ổn định của các hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang ĐDSH, cơ sở bảo tồn ĐDSH hiện có; áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái trong xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH; huy động mọi nguồn lực của cộng đồng vào công tác bảo tồn ĐDSH; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.
Đáng chú ý, sẽ tiến hành quy hoạch 258 khu bảo tồn, 100 cơ sở bảo tồn, 8 hành lang ĐDSH, 32 khu vực ĐDSH cao, 28 cảnh quan sinh thái quan trọng, 40 vùng đất ngập nước quan trọng... trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tương đương 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; duy trì và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn ĐDSH; tổng số cơ sở bảo tồn đạt 61 cơ sở với các loại hình: vườn thực vật, vườn cây thuốc, vườn động vật, trung tâm cứu hộ động vật, ngân hàng gene.
Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 củng cố và phát triển 12 hành lang ĐDSH nhằm kết nối các sinh cảnh và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái và loài sinh vật.
Việt Nam được coi là một trong những nước thuộc vùng Đông Nam Á giàu về ĐDSH, do có sự khác biệt lớn về khí hậu từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình.
Tới nay, cảnh báo hệ lụy của tình trạng mất ĐDSH trên toàn cầu đã mang tính toàn cầu. Nghiên cứu của một nhóm các trường đại học Anh công bố mới đây cho biết tình trạng mất ĐDSH có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo tiến sĩ Patrycja Klusak (Viện Bennett), tình trạng mất ĐDSH có thể tác động kinh tế theo nhiều cách và ngày càng tác động xấu hơn đến cuộc sống con người.
Còn theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Báo cáo sáng kiến toàn cầu, trong Báo cáo "Covid-19, một năm nhìn lại", thì nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, có thể gây bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. Cách tốt nhất để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai là giảm thiểu các hoạt động hủy hoại môi trường tự nhiên, như phá rừng, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã; thay vì thụ động ứng phó với các làn sóng dịch bệnh bùng phát sau khi chúng xuất hiện.
“Đại dịch Covid-19 đã cho thấy đầu tư vào sức khỏe hành tinh và thiên nhiên là cách duy nhất để tránh phải trả một cái giá quá đắt về kinh tế và xã hội” - ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế nhận định.
Bằng rất nhiều nỗ lực, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về việc giữ gìn ĐDSH; đặc biệt là việc ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắn động vật hoang dã. Tuy nhiên, giới chuyên gia môi trường vẫn cảnh báo mối đe dọa tiềm tàng khi mà nạn săn bắt động vật quý hiếm với mục đích thương mại vẫn diễn ra.
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân (Chương trình Chống buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) cho rằng để giữ gìn ĐDSH một cách hiệu quả thì cần đóng cửa tất cả các chợ buôn bán động vật hoang dã. Việc này tránh bùng phát dịch bệnh, phục hồi các quần thể động vật và duy trì ĐDSH ở cấp quốc gia và toàn cầu.