Không thể vô can

Diệu Ngọc 12/09/2022 07:57

Năm học mới chính thức bắt đầu chưa lâu thì thông tin về một vụ việc làm nhục bạn giữa đường bị khởi tố, lại khiến dư luận lo lắng về hành vi bạo lực trong thiếu niên. Và càng lo ngại hơn hành vi đó lại đến từ một em gái. Công an huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với C.T.T.H. (16 tuổi, học sinh lớp 11, ngụ tại xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn) để điều tra về hành vi "làm nhục người khác". Quyết định khởi tố bị can H. đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Sơn phê chuẩn.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 39 giây ghi lại cảnh một nữ sinh trong tình trạng không mặc quần áo, ngồi bên vệ đường, trên tay cầm vật giống áo để che cơ thể. Một nữ sinh khác đeo khẩu trang, mặc áo khoác đồng phục của trường học đến giật lấy chiếc áo ném đi chỗ khác. Sau đó, nữ sinh này nắm tóc nạn nhân kéo ra giữa đường, hành hung.

Trong đoạn clip còn xuất hiện một số em khác mặc áo khoác đồng phục học sinh đứng xem nhưng không can ngăn.

Sự việc đau lòng này diễn ra vào chiều ngày 8/8. Nạn nhân là một em gái 15 tuổi.

Vụ việc kể trên không xảy ra trong nhà trường nhưng cũng vẫn là một biểu hiện của bạo lực học đường vì hành vi do học sinh gây ra với học sinh, trước sự chứng kiến vô cảm của nhiều học sinh khác. Thật đau lòng khi đây không phải là hiện tượng cá biệt, mà lâu nay cũng đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây nhức nhối xã hội.

Hành vi bạo lực trong lứa tuổi thiếu niên đã được pháp luật quy định rõ hình thức, mức độ xử lý với từng mức độ: xử phạt hành chính, xử lý dân sự và xử lý hình sự.

Về biện pháp xử phạt hành chính, Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; với hình thức “cảnh cáo” được quy định tại Điều 22 Luật này.

Về xử lý dân sự, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 593 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Đáng chú ý luật quy định người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình (Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015).

Về xử lý hình sự, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự thì “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Đối với những người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Theo đó, nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

-Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

-Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

-Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, cũng có thể phạm tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 2015: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Bạo lực học đường, bạo lực xảy ra giữa học sinh với học sinh ảnh hưởng rất xấu đến thể xác cũng như tinh thần của học sinh là nạn nhân. Đây là một hành động cần phải được lên án và chặn đứng. Xã hội cũng có thể thông cảm với tâm lý lứa tuổi khi các em “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng cũng không thể chấp nhận hành vi tiêu cực đó. Một lần nữa, cần tiếp tục gióng lên hồi chuông bạo lực học đường, bạo lực trong học sinh, trong thiếu niên. Chúng ta đã nói nhiều về việc phải bảo đảm tốt sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục trẻ em. Điều đó được coi là nguyên lý. Tuy nhiên, nhìn vào những vụ việc bạo lực do học sinh gây ra, có thể thấy sự phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục chưa tốt. Hành vi sai phạm của các em có lỗi không nhỏ từ người lớn khi đã không quan tâm đầy đủ việc giáo dục con em, giáo dục học sinh. Vì thế, khi xảy ra hành vi bạo lực của trẻ em thì người lớn cũng không thể vô can.

Diệu Ngọc