Bốc thăm không trúng tuyển: Phụ huynh chờ đợi một suất học trường công cho con
Năm học 2022 - 2023, quận Hoàng Mai có hơn 98.000 học sinh và là một trong những quận, huyện có số học sinh đông nhất TP Hà Nội. Cho con học trường công lập tưởng chừng là câu chuyện bình thường nhưng lại đang trở thành bất thường cũng như là nỗi lo của không biết bao gia đình trên địa bàn quận.
Học sinh bốc thăm không trúng tuyển giờ học ở đâu?
Việc hàng trăm phụ huynh phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) phải bốc thăm giành chỗ học cho con tại Trường Mầm non Hoàng Liệt - trường mầm non duy nhất trên địa bàn phường trước thềm năm học mới vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Theo lãnh đạo quận Hoàng Mai, những trẻ không trúng tuyển vào Trường Mầm non Hoàng Liệt năm học 2022 - 2023 đăng ký học tại 5 trường tư thục và 79 nhóm lớp độc lập trên địa bàn. Trong năm học tiếp theo, nhà trường sẽ lưu hồ sơ và bố trí tiếp nhận toàn bộ số trẻ 4 tuổi đăng ký năm nay vào học.
Bốc thăm để giành chỗ học cho con là việc làm chưa có tiền lệ. Nhiều người ủng hộ cách làm của địa phương nhưng cũng có không ít người bày tỏ quan điểm không đồng tình. Bởi lẽ, ở lứa tuổi đi học này, các con có hộ khẩu đúng tuyển thì đương nhiên được học tại trường, sao lại đặt các con vào trò chơi may rủi?
Tới thời điểm này, anh Lê Hồng Đức, cư dân tại Tòa nhà VP6 Linh Đàm, tổ 14, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, phụ huynh cháu Lê Trần Ngọc Hân, 4 tuổi đã xin cho con học tại một trường tư thục trên địa bàn. Tuy nhiên, anh Đức chia sẻ với phóng viên: “Tôi không hài lòng”.
Cũng như nhiều phụ huynh bốc phải lá phiếu “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”, anh Đức vô cùng thất vọng khi con mất quyền lợi được học trường công. Anh Đức cho hay, trong khi mọi đóng góp của người dân trên địa bàn đều như nhau thì việc học của con lại được quyết định bằng việc bốc thăm may rủi.
“Dù biết là khó khăn chung nhưng việc phải bốc thăm để quyết định chỗ học con rất vô lý. Tôi cũng như nhiều gia đình khác trên địa bàn phường vẫn đang chờ đợi 1 suất học trường công lập cho con”, anh Đức nói.
Tương tự, anh Nguyễn Xuân Cường, cư dân tại tòa nhà VP6 Linh Đàm, phương Hoàng Liệt cũng chia sẻ bức xúc khi con mất cơ hội được học trường công.
Không được học trường công lập, gia đình anh Cường không còn cách nào khác phải đăng ký cho con một tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn với mức học phí hơn 4 triệu đồng/tháng.
Anh Cường cho biết: “Dẫu biết không học trường công thì cho con học trường tư nhưng tiền học trường tư cao gấp mấy lần so với trường công. Với những gia đình có điều kiện thì không sao nhưng với gia đình đến ăn còn phải lo từng bữa thì tiền học trường tư là gánh nặng lớn. Với tình hình hiện nay, không biết con em chúng tôi sẽ phải học trường tư đến bao giờ?”.
Áp lực lớn về thiếu trường, lớp, giáo viên
Không riêng Trường Mầm non Hoàng Liệt, hầu hết các trường ở các cấp học khác đều rơi vào tình trạng quá tải. Là một trong số quận huyện có đông dân số nhất TP Hà Nội, quận Hoàng Mai đang phải đối diện với áp lực lớn về trường, lớp cho số hơn 98.000 học sinh trên địa bàn.
Ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận Hoàng Mai là quận có dân số đông nhất Hà Nội. Địa bàn quận có 227 toà nhà chung cư cao tầng, 202 nhà chung cư cũ, và sẽ tiếp tục xây dựng 5 toà nhà chung cư nữa tại phường Hoàng Liệt. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 toà chung cư và 5 toà đang xây dựng.
Theo ông Thái, quy mô mạng lưới trường lớp của quận năm học 2022 - 2023 có 89 trường học, trong đó 59 trường công lập, 30 trường ngoài công lập. Số học sinh là hơn 98 ngàn học sinh, bình quân 4 năm liên tiếp từ năm 2021 đến nay mỗi năm tăng 3.836 học sinh.
Không chỉ thiếu trường,lớp, năm học 2022 - 2023, khối trường công lập trên địa bàn quận còn thiếu nhiều giáo viên và cán bộ.
Căn cứ đội ngũ viên chức chuyên môn hiện có 3 và trên cơ sở số lớp, số học sinh trong các trường công lập, năm học 2022 - 2023 khối trường công lập còn thiếu nhiều giáo viên và cán bộ.
Cụ thể, nếu so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2022, toàn quận thiếu hơn 200 người.
Còn nếu so với quy định tại các văn bản: Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT quy định về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì còn thiếu hơn 900 người.
Chiều 12/9, trả lời câu hỏi của PV Đại Đoàn Kết Online về bài toán thiếu giáo viên, ông Thái cho biết, năm học 2022 - 2023, các trường triển khai ký hợp đồng lao động với giáo viên theo hợp đồng dưới 12 tháng.
Trước đó, tại cuộc họp báo do UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, ông Thái thông tin, UBND quận Hoàng Mai sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tài chính đầu tư, cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học.
Riêng phường Hoàng Liệt dự kiến trong thời gian tới xây dựng 2 trường tại các ô đất có diện tích (7.400 m2 và 1934 m2) cho năm học 2023 - 2024 để tăng số trường lớp mầm non để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Bên cạnh đó, khuyến khích huy động và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức cá nhân tham gia phát triển giáo dục đào tạo, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu giáo dục.
Tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh hơn tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng khiến tình trạng thiếu trường, lớp, quá tải học sinh tái diễn nhiều năm nay trên địa bàn quận Hoàng Mai mà không được giải quyết triệt để. Trước sức ép ngày một lớn, đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải có giải pháp căn cơ.