Sức bật Ấn Độ
Ấn Độ, quốc gia 1,4 tỷ dân đã chính thức vượt qua Anh (68,5 triệu dân) để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Cựu cố vấn kinh tế trưởng của Chính phủ Ấn Độ, tiến sĩ Arvind Virmani, dự đoán quốc gia này sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, trước năm 2030.
Tiến sĩ Virmani cho rằng, việc Ấn Độ trở thành nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới vào năm 2022 đã được dự đoán trước. Tuy nhiên, dân số của Ấn Độ gấp 20 lần dân số Anh, nên thu nhập bình quân của người Ấn vẫn thấp hơn nhiều so với người Anh, dù thứ bậc nền kinh tế đã cao hơn. Hiện tại, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ấn Độ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức về quy mô của nền kinh tế, khoảng 3,5 nghìn tỷ USD. Nước Anh đứng sau với 3,2 nghìn tỷ USD. Cần biết rằng, một thập kỷ trước, Ấn Độ đứng thứ 11 và Anh đứng thứ 5.
Ngày 12/9, nhân sự kiện “đổi ngôi” này, Bloomberg nhắc lại rằng, Ấn Độ từng vươn lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, quốc gia này lại tụt xuống vị trí thứ 6 sau Anh. Vì vậy, việc trở lại vị thế “cửa trên” so với Anh của Ấn Độ được coi là ngoạn mục và lần này có thể sẽ vững chắc vì nước Anh đang phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng và thực phẩm leo thang, khiến GDP bình quân đầu người giảm sút. GDP của Anh chỉ tăng 1% trong quý 1/2022 và nếu tính cả lạm phát thì chỉ số này còn giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái chứ không hề tăng. Đồng bảng Anh cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi nền kinh tế và đã giảm khoảng 8% so với đồng rupee của Ấn Độ.
Phát biểu dịp Quốc khánh mới đây, Thủ tướng Narendra Modi khuyến khích giới trẻ “đặt mục tiêu lớn lao” và cống hiến thời gian tốt nhất của họ cho đất nước. “Chúng ta phải biến Ấn Độ thành nước phát triển trong 25 năm tới, ngay trong cuộc đời của chúng ta. Đó là một quyết tâm lớn và chúng ta nên hướng đến bằng tất cả sức lực”.
Hiện Ngân hàng Thế giới (World Bank) xếp Ấn Độ vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, tức là các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 1.086 đến 4.255 USD/năm; trong khi các nước thu nhập cao có thu nhập bình quân đầu người từ 13.205 USD/năm trở lên.
Cho dù còn phải nỗ lực rất nhiều để đạt được tầm ảnh hưởng thế giới, tuy nhiên giới quan sát quốc tế đã gọi Ấn Độ là “Hổ Bengal” khi đang dần trở thành một thế lực mới nắm giữ “chìa khóa” để tạo ra cân bằng quyền lực tại khu vực và trên thế giới. Đó phải được coi là thế lực mới đang trỗi dậy. Từ bỏ vị thế là quốc gia không liên kết, Ấn Độ đang thúc đẩy đa liên kết, duy trì quan hệ với tất cả các cường quốc chủ chốt; tận dụng mọi cơ hội để phát triển đất nước.
Theo tiến sĩ Ian Hall (Viện Griffith Asia, Austraila) thì chiến lược “đa liên kết” được giới tinh hoa Ấn Độ cho là phương tiện tốt nhất để đạt được những gì Ấn Độ coi là lợi ích và lý tưởng cốt lõi trong bối cảnh toàn cầu. “Hổ Bengal” có lợi thế lớn khi nằm ở vị trí trung tâm khu vực Ấn Độ Dương, án ngữ tuyến vận tải biển huyết mạch từ Trung Đông sang Đông Á.
Tuy nhiên, tiến sĩ Ian Hall cho rằng, sự trỗi dậy của mỗi quốc gia không bao giờ dễ dàng mà luôn có nhiều trở lực. Nhưng điều rất quan trọng là Ấn Độ ngày nay đang có một chính phủ mạnh, khát vọng và đầy quyết tâm. Còn người dân tin rằng họ sẽ vươn lên như ngày xưa tổ tiên của họ đã chứng tỏ với thế giới về nền văn minh sông Hằng vĩ đại.
Cho tới thời điểm tháng 9/2022, Ấn Độ có 166 tỷ phú, tăng so với con số 140 của năm ngoái. Theo xếp hạng của Forbes, thì Ấn Độ có nhiều tỷ phú thứ 3 thế giới (sau Mỹ 735 tỷ phú và Trung Quốc 539 tỷ phú). Cũng thật đáng nể khi tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani (59 tuổi) cũng chính là người giàu nhất châu Á và là người giàu thứ 10 trên thế giới với tổng tài sản trị giá 88,5 tỷ USD.
Đáng chú ý khi biết rằng trong số 10 tỷ phú hàng đầu Ấn Độ thì có đến 9 người cư trú trong nước, quê hương của họ. Họ chính là những đầu tàu công suất lớn có khả năng đưa nền kinh tế vốn vô cùng cồng kềnh tiến lên phía trước. Người ta cũng nhận thấy, hầu hết các tỷ phú Ấn Độ đều cư trú trong nước.
“Điều đó cho thấy ý thức về đất nước của giới tỷ phú Ấn Độ rất mạnh mẽ, có thể là nguyên nhân sâu xa giúp họ thành công. Ý thức ấy được hình thành từ cốt lõi văn hóa thẳm sâu và vĩ đại, cũng như tư duy sắc bén của những con người tiên phong ngày nay” - tiến sĩ Ian Hall nhận xét.
Nhiều năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã đặt mục tiêu giám sát chặt diễn biến lạm phát trong nước, với quan điểm rằng lạm phát tác động tới người nghèo nhiều nhất. Chính nhờ giám sát mà Ấn Độ đã có các biện pháp can thiệp hợp lý nhằm kéo giảm lạm phát xuống dưới mốc 6%. Ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19 (2020-2021), khi kinh tế lâm vào khủng hoảng vì các biện pháp chống dịch quyết liệt, chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu bị đứt gãy mạnh, thì New Delhi vẫn áp dụng các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng tăng trưởng, hướng nền kinh tế Ấn Độ đi theo hướng phát triển giảm sự phụ thuộc bên ngoài. Điển hình của chiến lược này là "Sáng kiến Ấn Độ tự cường" nhằm xây dựng các ngành công nghiệp đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân.