Làm đẹp thêm tiếng Việt nơi xứ người

HOÀNG MAI 15/09/2022 11:16

Sau hơn 2 tuần tích cực học tập, gần 70 thầy cô đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hoàn thành xuất sắc nội dung khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài năm 2022.

Đoàn giáo viên kiều bào về thăm cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Khóa học bổ ích

Đó là nhận xét của tất cả các học viên mà chúng tôi có dịp trò chuyện trong ngày bế giảng lớp tập huấn. Học viên Nguyễn Thị Anh Thơ trở về từ Nhật Bản chia sẻ, lần này cô may mắn được quen các học viên hiện đang sống ở các đất nước khác nhau. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đã được hội tụ về thủ đô văn vật, được học trực tiếp với các thầy cô là những người có kiến thức rộng, kinh nghiệm dày, và cách truyền đạt thì vô cùng hấp dẫn. “Chúng tôi được học từ nguồn gốc, lịch sử của ngôn ngữ Việt, sự đa dạng của văn hóa Việt. Ngoài việc học ra, thì giữa các học viên với nhau, chúng tôi được tương tác và kết nối cùng nhau, mong là sau này có thể tạo ra mạng lưới các thầy cô ở nước ngoài để hỗ trợ nhau trong công cuộc truyền lại tiếng Việt cho thế hệ sau ở nước ngoài”, học viên Anh Thơ tâm sự.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu.

“Đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, giúp bà con khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc”.

THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO PHẠM QUANG HIỆU

Còn, học viên Vũ Thị Thu Hồng, kiều bào có 20 năm sống tại Malaysia, quê ở Hải Dương, lần đầu tham gia khóa tập huấn vốn làm kinh doanh nơi xứ người; kiêm thêm công việc của một trưởng ban liên lạc cộng đồng. Cô kể, tại đảo Penang nơi cô sống là một khu công nghiệp, đông dân cư. Cộng đồng Việt ở đây cũng rất gắn kết.

Tại đây, hiện đang có 1 lớp tiếng Việt, có 1 cô giáo với hơn chục cháu tham gia. Tình yêu tiếng Việt của Hồng đã giúp cô có thêm động lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” động viên các mẹ cho con cái học tiếng Việt ở vùng đảo xa xôi ấy; chỉ với một tâm niệm: Để các con sau có về thăm quê ngoại còn nói chuyện được với ông bà ngoại, với họ hàng.

Hồng bảo, cô muốn tiếp tục tham gia các khóa tập huấn những năm sau bởi, qua tập huấn, cô thấy hoạt động rất ý nghĩa với bản thân; được giao lưu nhiều và trên hết cô thấy được: Nhà nước có tâm huyết mang tiếng Việt ra phổ biến ở nước ngoài. Và, điều thú vị nhất với Hồng là cô được nghe dạy về nguồn gốc tiếng Việt; văn hóa của Việt Nam. Cô sẽ cố gắng truyền lại cho các cháu những gì đã học được qua khóa tập huấn.

Giảng viên Vũ Thị Thu Hoài (Trường Đại học Sư phạm), là một trong 8 giáo viên của khóa tập huấn 2 tuần cho biết, khóa học nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức nền tảng căn bản về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam xem đó là cơ sở quan trọng để đi sâu lý giải các vấn đề trong mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa Việt, cũng là cơ sở quan trọng để người giáo viên có thể tường minh hóa những vấn đề lý thú ẩn dưới những lớp ngôn từ đầy phong ba của tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếng Việt

Qua khóa tập huấn lần này, các học viên đã được trang bị những kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy tiếng Việt chính quy và chuyên nghiệp. Thông qua các bài giảng của các giảng viên, học viên đã được trang bị, trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hoá, lịch sử Việt Nam cũng như được tăng cường về sự giàu đẹp trong ngôn ngữ dân tộc.

Ngoài ra, tại khóa học, các học viên cũng được cung cấp, chia sẻ các tài liệu hướng dẫn giảng dạy có giá trị, do các giảng viên là các chuyên gia ngôn ngữ có nhiều kinh nghiệm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn biên soạn, nhằm hỗ trợ nâng cao kỹ năng giảng dạy tiếng Việt. Theo đánh giá của đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, càng ngày, chất lượng đào tạo của khóa tập huấn ngày càng được nâng cao.

Ngoài những giờ học trên lớp, các học viên đã đến dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, tham gia Tọa đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài” của NXB Giáo dục Việt Nam, tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội (như Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám), ở Ninh Bình (khu di tích Tràng An, Bái Đính, cố đô Hoa Lư). Thông qua các hoạt động ngoại khóa, nhiều hoạt động tuyên truyền về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam, công cuộc đổi mới toàn diện ở trong nước, gắn với sự phát triển tiếng Việt và quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ khóa tập huấn với chủ đề “Áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho người Việt Nam ở nước ngoài”, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận nhiều ý kiến của các thầy cô về những khó khăn trong việc áp dụng công nghệ thông tin, cũng như những kiến nghị hỗ trợ về cơ sở vật chất, giáo trình và giáo viên. Với chức năng của mình, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng để đáp ứng phần nào những mong mỏi của các thầy cô.

Khóa tập huấn năm nay là khoá thứ 8 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. Tính từ năm 2013 đến nay, hơn 600 lượt giáo viên kiều bào đã tham gia các khóa tập huấn với sự hỗ trợ của các giảng viên là những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu.

Hoạt động này được xem là một đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức và hoạt động về tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia của các cơ quan đại diện của Việt Nam, các tổ chức và cá nhân kiều bào; sự hợp tác và hỗ trợ của sở tại.

Thêm yêu “tiếng nước tôi”

Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới khi đề cập đến việc đưa tiếng Việt và văn hóa Việt ra nước ngoài có nêu rõ: “Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; tập trung thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hoá của người Việt tại các địa bàn này. Nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt.”

Học viên Anh Thơ chia sẻ thêm: Chứng chỉ này đáng quý ở chỗ, nó là chứng nhận cho những gì tôi, cũng như các anh chị học viên khác đã thu nhận được qua đợt tập huấn này, có thể gói gọn trong 4K: Kiến thức - Kỹ năng - Kinh nghiệm - Kết nối.

Còn giảng viên Vũ Thị Thu Hoài thì cho biết: Khóa tập huấn dành nhiều thời gian tăng hơn cho các modul về phương pháp dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài với mong muốn tiếng Việt dễ tiếp cận hơn và mỗi giờ học tiếng Việt đối với giáo viên và học viên trở nên sinh động hơn và thu hút, lôi cuốn trong bối cảnh học liệu chưa thật phong phú.

Hai tuần thậm chí là ngắn so với 1 khóa tập huấn nhưng chúng ta đã làm được rất nhiều. Qua những khảo sát của ban tổ chức lớp học không chủ quan khi nói rằng, đội ngũ giảng viên đã đáp ứng tốt mong mỏi của người tham gia tập huấn.

Kết quả khảo sát cho thấy học viên có một số đề xuất và khẳng định về những điểm mạnh, điểm cần khắc sâu, bổ sung. Chúng tôi xin ghi nhận và tham khảo cho những khóa tập huấn sau để công việc ý nghĩa này ngày một tốt hơn lên, đáp ứng được tốt nhất mong muốn của người học.

Với những giảng viên người Việt Nam ở nước ngoài mang sứ mệnh lan tỏa ngôn ngữ, văn hóa Việt thì khóa tập huấn là rất đặc biệt. Anh Lê Mai Trí Dũng, kiều bào Thụy Điển bộc bạch: Khóa học là dịp để những đứa con phương xa trở về, được gặp nhau, được gắn kết, được cùng nhau tưới tắm lại tình yêu tiếng Việt. Lời bộc bạch ấy đã cho ta thấy niềm yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của những người con xa xứ và khát khao được truyền đi tình yêu ấy tới những thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài trẻ tuổi.

HOÀNG MAI