Nhạc trưởng Lê Phi Phi: ‘Cây đũa’ tài hoa

TRẦN THỊ TRƯỜNG 14/09/2022 10:36

Mỗi lần bước chân lên cầu thang gỗ cũ, nho nhỏ của ngôi nhà số 14 Hàng Thùng, Hà Nội, nơi sinh sống của gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân từ nhiều năm nay, tôi càng thêm kính trọng tài năng của cha con nhạc sĩ Hoàng Vân - Lê Phi Phi.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Hoàng Vân là một nhà soạn nhạc danh tiếng của Việt Nam, tác giả có ảnh hưởng to lớn đến thẩm mĩ âm nhạc của công chúng nhiều thập niên qua thì nhiều người đã biết, ông tên thật là Lê Huy Ngọ. Con trai ông - nhạc trưởng Lê Phi Phi lại được biết đến là người nhạy cảm, tinh tế, biên độ hiểu biết rộng nhưng luôn giữ vẻ chừng mực trong xã giao, trong phát ngôn, chỉ trong nghệ thuật anh mới thăng hoa, vượt ngưỡng. Không chỉ có tầm vóc cao lớn và điển trai như cha, Lê Phi Phi giống Hoàng Vân ở sự đĩnh đạc, giọng nói nhỏ ấm, phong thái tự tại, nho nhã, lịch lãm và chừng mực... kiểu người Hà Nội xưa cũ.

Lê Phi Phi có một bề dày cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, với hàng trăm buổi diễn tại Macedonia, nơi anh đang sinh sống và ở các nước khác như: Nga, Pháp, Đức, Ý, Hi Lạp, Nam Tư cũ, Thụy Điển, Albania, Bulgaria... chưa kể, từng làm việc với rất nhiều dàn nhạc khác trên thế giới. Anh sống cùng vợ con ở Macedonia, cách Bulgaria, một đất nước có cùng tầng văn hóa với Macedonia chỉ mấy giờ xe chạy. Thành phố này cũng như cả châu Âu luôn kính trọng các nhạc trưởng, gọi Lê Phi Phi là quý ngài.

Lê Phi Phi cũng hiểu vị thế ấy của mình, nhưng khi trò chuyện với ai đó, anh không để lộ cái vị thế quan trọng ấy như người khác, mà tỏ ra rất dễ chịu, gần gũi, khiêm nhường. Tây học, lấy vợ Tây, làm rể nhà Tây nhưng Lê Phi Phi đã biết làm hài hòa văn hóa Đông Tây trong phong cách sống của mình, đó là nhờ bản lĩnh có được trong sự giáo dục kỹ lưỡng, nghiêm ngặt, đầy tình cảm của một gia đình trí thức Việt.

Nhạc sĩ Hoàng Vân, cha anh là cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, mẹ anh là bác sĩ khoa nhi. Bà là nguyên mẫu trong những sáng tác của Hoàng Vân như: Người chiến sĩ áo trắng, "Hoa huệ trắng". Bây giờ những người ở khu vực Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Dầu vẫn còn nhớ hồi nhỏ được bà cho thuốc miễn phí, khám bệnh miễn phí.

Mỗi lần đi nghe nhạc giao hưởng, tôi không chỉ chú ý đến trình độ biểu diễn, hòa tấu của dàn nhạc mà rất thích chú ý đến nhạc trưởng, coi nhạc trưởng là linh hồn của dàn nhạc. Đêm diễn thành công hay thất bại đều gắn với tên tuổi các nhạc trưởng. Tôi luôn đổi vé để có được chỗ ngồi nhìn rõ gương mặt người cầm đũa chỉ huy. Tôi thường thấy rõ những giọt mồ hôi lấp lánh chảy trên mặt anh. Cây đũa chỉ huy vung lên loang loáng.

Trông như một thiên thần: gương mặt tỏa sáng, tươi tắn, say đắm, lo lắng, thú vị… mang dấu mọi cung bậc cảm xúc trước tác phẩm đang trình tấu. Bằng ngôn ngữ hình thể: tất cả từ trang phục, đến thân, đầu, vai, cổ, tay… mỗi cử chỉ đều tác động đến nhạc công trong dàn nhạc, ngôn ngữ hình thể đó tác động mạnh và tạo ra cảm hứng cho người được chỉ huy.

Không chỉ làm tăng cảm xúc nghệ sĩ, mà còn "nâng đỡ" những thiếu hụt nếu có của solist, "dìm bớt" những thái quá của các bè, chủ động co giãn nhanh - chậm để tạo ra cá tính và sức cuốn hút... Nhạc công có thể buông bỏ một nhịp, còn nhạc trưởng, bên trong phải căng hết mọi giác quan, nhưng bên ngoài phải điệu đàng...

Để đạt được điều đó, người chỉ huy dàn nhạc phải giống như tất cả những ai được gọi là thiên tài, phải là người chăm chỉ, khổ luyện, giàu đam mê và sự thiên bẩm có sẵn. Nhưng với nghệ thuật thì còn có thêm yếu tố huyền bí. Nhất là với âm nhạc, phải là duyên trời định. Nghề chọn người. Người ấy có đủ những kỹ năng: phản xạ nhanh, truyền tải cảm xúc tốt, nhạc cảm tốt, trường văn hóa rộng, đẹp về ngoại hình... mà còn là "được ơn soi sáng của thánh thần", như những người mộ đạo và yêu nhạc châu Âu thường nói.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy trong Chương trình "Điều còn mãi 2022".

Kể từ năm 2009 đến nay Lê Phi Phi là người chỉ huy trong chương trình “Điều còn mãi”, chương trình hòa nhạc quốc gia thường được tổ chức vào đúng ngày 2/9. Nhưng không chỉ có thế, năm nào Lê Phi Phi cũng được mời biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Ở Việt Nam, những người sành nhạc cũng đã dành nhiều thiện cảm với các nhạc trưởng như: Colin Metters, Y.Fukumura, G. Sutculiffe, Tetsuji Honna... cùng một số nhạc trưởng người Việt như: Trọng Bằng, Cao Việt Bách, Trần Vương Thạch, Trần Mạnh Hùng, Trần Nhật Minh… nhưng tôi hay xem nhất là các chương trình có nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Tôi còn nhớ câu chuyện vào năm 2016 Lê Phi Phi kể về thời đi học sơ trung ở Việt Nam, thời sang Nga học đại học. "Con nhà nòi, chỉ có ý nghĩa là được sống trong cái nôi văn hóa nghệ thuật, còn việc trưởng thành từ cái nôi ấy như thế nào cũng là một vấn đề. Tôi yêu âm nhạc, ban đầu tôi học khoa lý luận phê bình, sau mới học chỉ huy.

Nhưng chả có gì mất đi cả, việc nghiên cứu tác phẩm luôn cần thiết cho sau này, khi tôi chuyển sang học chỉ huy và làm nghề chỉ huy. Muốn làm nên sự khác biệt của một chỉ huy, để lại dấu ấn của mình lên dàn nhạc, làm cho đêm diễn thành công cần nhiều yếu tố lắm. Tôi nghĩ mình có thêm yếu tố may mắn nữa, trời thương, trời cho, ngoài sự nỗ lực của mình..."

Nhạc viện Tchaikovsky nơi Lê Phi Phi tu nghiệp là một địa chỉ danh giá, sức ảnh hưởng của nhạc viện rộng khắp thế giới. Dĩ nhiên, không phải tất cả những người được đào tạo ở đấy ra đời đều lớn lao, nhưng với những ai có tiềm năng

Làm việc tại Macedonia, trình diễn nhiều nơi trên thế giới, nhưng từ năm 1995 Lê Phi Phi thường xuyên về Việt Nam làm nhiều chương trình hòa nhạc, cộng tác chặt chẽ với các dàn nhạc trong nước, đồng thời anh cũng là chiếc cầu nối chặt chẽ giữa các nghệ sĩ Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài với các đơn vị biểu diễn ở Việt Nam.

Năm 2005, Lê Phi Phi được vinh dự bầu chọn là một trong những Việt kiều "Vinh danh nước Việt", là chỉ huy thường trực cho các chương trình từ thiện do quỹ học bổng "Thắp sáng niềm tin" tổ chức hằng năm. Anh cũng là chỉ huy khách mời thường xuyên cho trương trình mang âm nhạc cổ điển tới thanh niên, học sinh, sinh viên "Giai điệu trẻ" do Nhà hát Nhạc vũ kịch TP HCM tổ chức.

Sống ở nơi có đời sống tiên tiến, văn minh Lê Phi Phi có khát vọng đưa quê hương mình vươn đến tầm quốc tế, ít nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. Anh bảo với tôi: “Trong sự nghiệp riêng, có thể tự hào rằng, mình, người Việt, đã từng đứng ở bục chỉ huy, nhạc trưởng của những dàn nhạc có tên tuổi trên thế giới, cũng là góp phần làm cho hai chữ Việt Nam có thêm lấp lánh".

Những năm gần đây Lê Phi Phi về nước nhiều lần hơn mỗi năm. Hồi nhạc sĩ Hoàng Vân ốm nặng, rồi mất, hầu như anh ở bên cha hằng ngày, hàng giờ trong bệnh viện. Rồi bây giờ là mẹ. Bố mẹ anh có 2 người con, chị gái anh cũng sống ở nước ngoài. Mẹ anh đã ở tuổi 90. Bà cảm thông với công việc hiện tại của các con, bên cạnh bà vẫn luôn có người trông nom săn sóc.

Nhưng người chị gái và Lê Phi Phi đều ý thức về nỗi mong chờ ruột thịt. Cả hai chị em thường xuyên về nước. Tháng 8 vừa rồi Lê Phi Phi về với mẹ, rồi tập cho ca sĩ và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam để trình diễn trong chương trình "Điều còn mãi" vào Ngày Quốc khánh 2/9 (sau 2 năm vì Covid-19, “Điều còn mãi” bị gián đoạn).

Không chỉ là nhạc trưởng, chỉ huy suốt 2 giờ trong buổi trình diễn ấy, Lê Phi Phi còn tham gia vào Ban cố vấn: Lựa chọn tác phẩm, chọn nghệ sĩ tham gia chương trình, cách làm mới và thêm mục tiêu đưa âm nhạc giao hưởng đến gần với công chúng, nâng cao trình độ cảm thụ âm nhạc đỉnh cao của người Việt...

Lê Phi Phi không chỉ là một nhạc sĩ có đẳng cấp với chiếc đũa trên bục chỉ huy mà còn là người yêu văn học, nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Anh bổ sung vào gia tài tác phẩm tạo hình mà cha anh nhạc sĩ Hoàng Vân đã sưu tập từ trước bằng những cổ vật, đồ gốm, và các bức tranh.

Đời sống của người nhạc trưởng này thật phong phú, trải dài từ sở hữu cái đẹp vật thể đến phi vật thể. Những chuyến du lịch cùng vợ con, bè bạn tới các vùng đất khác nhau làm phong phú thêm vốn sống, vốn văn hóa của anh luôn song hành với những lần anh đứng dưới ánh đèn sân khấu. Không ít người cho rằng trong tay chỉ huy của nhạc trường Lê Phi Phi có một chiếc đũa thần.

"Con nhà nòi, chỉ có ý nghĩa là được sống trong cái nôi văn hóa nghệ thuật, còn việc trưởng thành từ cái nôi ấy như thế nào cũng là một vấn đề. Tôi yêu âm nhạc, ban đầu tôi học khoa lý luận phê bình, sau mới học chỉ huy. Nhưng chả có gì mất đi cả, việc nghiên cứu tác phẩm luôn cần thiết cho sau này, khi tôi chuyển sang học chỉ huy và làm nghề chỉ huy. Muốn làm nên sự khác biệt của một chỉ huy, để lại dấu ấn của mình lên dàn nhạc, làm cho đêm diễn thành công cần nhiều yếu tố lắm. Tôi nghĩ mình có thêm yếu tố may mắn nữa, trời thương, trời cho, ngoài sự nỗ lực của mình...", nhạc trưởng Lê Phi Phi chia sẻ.

TRẦN THỊ TRƯỜNG