Không đùa với 'giặc lửa'
Khi mà vụ cháy khủng khiếp tại một quán karaoke tại thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương), ngày 6/9, khiến 32 người thiệt mạng vẫn đang rất nóng thì lại xảy ra 3 vụ cháy. Một vụ cháy tại quán karaoke ở Đồng Nai (11/9). Một vụ cháy kho chăn ga, gối, đệm ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội), ngày 10/9. Và một vụ nữa cũng trong ngày 10/9, căn hộ ở tầng 20 chung cư Diamond Riverside (TP Hồ Chí Minh) bị cháy. “Bà hỏa” rình rập có thể “ghé thăm” bất cứ lúc nào. Trong khi công tác phòng cháy, chữa cháy lại bị coi là còn nhiều lỗ hổng.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh (quán bar, karaoke, khách sạn, massage, vũ trường,…) chỉ có duy nhất một lối để thoát nạn là cửa ra vào. Nguy cơ cháy nổ và thiệt hại nặng nề do cháy nổ là rất lớn.
Tại TP Hồ Chí Minh, mới đây nhất, ngày 8/9, phiên xét xử vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina cách đây 4 năm làm 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương đã tạm hoãn để điều tra bổ sung. Trước đó, vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở chung cư Carina vào ngày 22/3/2018, nguyên nhân cháy được xác định phát ra từ một chiếc xe mô tô được đặt ở dưới khu tầng hầm. Lửa lan ra diện rộng nhưng hệ thống cảnh báo cháy gần như bị vô hiệu. Luồng khí nóng, độc hại theo buồng thang thoát hiểm nhanh chóng dẫn lên các tầng cao của chung cư khiến nhiều người không kịp thoát chạy. Hậu quả về người và tài sản là rất lớn nhưng nỗi đau cho gia đình người ở lại còn nặng nề và đau đớn hơn.
Nhân đây, cũng thấy cần thiết nêu ra một vài con số. Tổng kết năm 2020, theo số liệu của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/11/2020, trên toàn quốc đã xảy ra 5.354 vụ cháy; trong đó: 2.764 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, cháy rừng và 2.590 vụ sự cố cháy và sự cố tại cột điện. Năm 2021, cả nước xảy ra 2.245 vụ cháy. 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 848 vụ cháy; chưa bao gồm những vụ cháy kinh hoàng gần đây, trong đó có vụ cháy ở quán karaoke tại phường Quan Hoa (Hà Nội) và vụ cháy quán karaoke ở thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương).
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân cháy trước tiên là do ý thức phòng cháy của người dân chưa cao. Tiếp đó là ý thức an toàn cháy nổ của chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất thấp. Việc kết hợp nhà ở với khu vực chứa hàng, nơi sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn dến hỏa hoạn...
Tất cả những nguyên nhân đó đều có, nhưng không ít ý kiến cho rằng để phòng cháy thì vai trò của cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương là rất lớn. Cho dù công tác tuyên truyền có làm mạnh đến đâu chăng nữa nhưng nếu vẫn còn “lỗ hổng”, dễ dãi trong việc cấp giấy phép hoạt động cho những cơ sở kinh doanh đòi hỏi phải đạt độ an toàn cao trong phòng, chống cháy nổ; và không thực sự kiểm tra, hay là chỉ xử lý lấy lệ đối với những vi phạm thì vẫn không thể ngăn chặn các vụ cháy.
Đã đến lúc cần thẳng thắn nhìn nhận lại trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền cấp cơ sở đối với công tác PCCC.
Thật sự đáng lo ngại khi mới đây Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong tổng số 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn có đến 58% số cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn PCCC. Thử hỏi, nếu không có Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu siết chặt dịch vụ karaoke và chỉ đạo của Bộ Công an về tổng kiểm tra rà soát PCCC trên trên cả nước thì những cơ sở ấy có bị phát hiện hay không.
Đó chỉ là một địa phương, còn lại 62 địa phương khác trong cả nước thì sao? Và đó cũng chỉ là với hoạt động karaoke, trong khi còn rất nhiều hoạt động khác ẩn chứa khả năng cháy nổ nếu không được phòng cháy tốt.
Không để “mất bò mới lo làm chuồng” mà phải nghiêm túc đề phòng “giặc lửa” từ sớm, từ xa. Điều đó đòi hỏi ý thức của người dân phải được nâng lên nhưng rất quan trọng vẫn phải là việc nêu cao trách nhiệm, quy trách nhiệm cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, khi vẫn để những cơ sở trên địa bàn không đáp ứng điều kiện quy định về PCCC hoạt động. Nếu thế, thảm họa đau lòng từ những vụ cháy lớn kinh hoàng vẫn có thể sẽ không chấm dứt.