Bỏ hay giữ quỹ bình ổn xăng dầu?
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng còn duy trì quỹ bình ổn xăng dầu thì giá xăng dầu sẽ méo mó, trong khi đó Bộ Công thương cho rằng, thời điểm này chưa thích hợp để bỏ quỹ bình ổn xăng dầu.
Trợ giá năng lượng thay vì duy trì quỹ
Bộ Tài chính cho hay, gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) với 7 chương 76 điều có một nội dung quan trọng liên quan đến quỹ bình ổn. Theo đó, dự thảo bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Cũng theo quy định quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp đã được Bộ Công thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 103/2021/TT-BTC).
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có “tuổi đời” 13 năm, đến thời điểm này, câu chuyện giữ hay bỏ quỹ lại tiếp tục được đưa ra bàn luận trong bối cảnh giá nhiên liệu trên toàn thế giới biến động khôn lường do xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá xăng dầu trong nước cũng bị tác động mạnh, có thời điểm tăng cao gần 33.000 đồng/lít và nay mỗi lít xăng RON 95 đang ở mức 24.230 đồng, sau khi liên Bộ Tài chính – Công thương đã quyết định trích quỹ bình ổn giá xăng là 451-493 đồng mỗi lít, đồng thời chi quỹ đối với xăng dầu hỏa 100 đồng/lít.
Nhiều phân tích chỉ ra rằng việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước tiền cho quỹ. Việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên gây méo mó thị trường xăng dầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, việc đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được nói đến nhiều thời gian qua khi quỹ này không phát huy tác dụng như mong muốn. Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ quỹ này, tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Ông Phong cũng cho rằng, các quan điểm giữ quỹ để giảm biến động giá xăng dầu tăng nhanh bảo vệ lợi ích người tiêu dùng chỉ đúng một phần. Bỏ quỹ, chúng ta có thể yêu cầu doanh nghiệp trích lợi nhuận để mở quỹ, tại các doanh nghiệp xăng dầu khác nhau sẽ sở hữu quỹ bình ổn giá khác nhau.
Nhiều quan điểm cũng cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược nếu ổn định ở mức hợp lý sẽ hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng. Nhưng khi giá xăng dầu chịu các yếu tố khách quan buộc biến động có thể áp dụng biện pháp trợ giá năng lượng, ngoài các biện pháp ứng phó về thuế. Biện pháp này như một khoản trợ cấp từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao và người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình. Về các biện pháp chi tiêu, một số quốc gia đưa ra gói hỗ trợ các hộ gia đình bị tổn thương thông qua giải pháp hỗ trợ bằng tiền mặt (Đan Mạch, Đức, Na Uy, Anh…); gói hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà buôn bán dầu (Nhật Bản).
Khi cần thì trích và khi cần thì chi
Trước nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để giá mặt hàng này theo thị trường, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng , vẫn cần phải giữ quỹ.
Trong 7 kỳ điều hành xăng dầu gần đây, giá xăng dầu trong nước giảm và ổn định. Do đó, số tiền trích lập quỹ bình ổn giá tăng lên. Tổng số tiền trích lập quỹ bình ổn giá là 4.500 đồng/lít với xăng và 1.800 đồng/lít với dầu. Việc trích lập này đã khiến giá xăng dầu mất đi khả năng giảm mạnh hơn để có lợi cho người tiêu dùng.
Về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải nhận định, hiểu như vậy chưa đúng, vì quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng linh hoạt từng thời điểm, chi tiêu bao nhiêu đều có kiểm soát. Hiện công tác điều hành giá xăng dầu được liên bộ Công thương và Tài chính điều hành, phối hợp rất chặt chẽ.
Việt Nam được đánh giá là một trong số các nước đảm bảo được nguồn cung năng lượng, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang không bảo đảm nguồn cung.
“Quỹ bình ổn xăng dầu được sử dụng theo cơ chế "khi cần thì trích và khi cần thì chi", hoàn toàn không mất đi, quan trọng nhất "trích" và "chi" vào thời điểm nào. Ví dụ, 8 kỳ chi liên tục từ ngày 21/01/2022 đến kỳ ngày 21/04 và sau đó là 5 kỳ liên tục từ 1/4 đến 21/6 để bình ổn giá xăng dầu trong nước tăng liên tục, chúng ta đã phải chi liên tục. Vì vậy, giá bình quân giá mặt hàng xăng dầu thế giới biến động từ 11,38% đến 45,95% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 22/8 vừa qua chỉ tăng từ 1,14% đến 40,37%, đó là lợi ích của quỹ. Đến khi giảm nhiều thì lại trích một phần để đưa vào quỹ trong lúc quỹ có giới hạn, thậm chí nhiều doanh nghiệp có quỹ bình ổn âm, phòng khi lúc giá xăng dầu tăng cao thì có cách để điều tiết giá xăng dầu, khi quỹ có giới hạn”- ông Hải nói.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, tại Việt Nam, giá xăng tăng thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng nhưng khi giá xăng giảm thì giá các mặt hàng khác lại không giảm. Thế nên lúc này quỹ bình ổn rất có lợi. Vì nếu cứ để tăng theo mức độ của xăng thì các mặt hàng khác cũng tăng theo đúng mức ấy, nhất là với cước vận tải.
Ông Hải cũng nhấn mạnh, quỹ bình ổn không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, không vì mục tiêu lợi nhuận, không có bộ máy, tổ chức riêng. Hiện Bộ Tài chính đang quản lý hạch toán, kiểm tra, giám sát vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công thương đã, đang sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện quỹ bình ổn phù hợp, hợp lý, minh bạch để bảo đảm nguồn cung, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.