Hạn mức tín dụng phù hợp góp phần kiểm soát lạm phát
Đó là quan điểm của ông Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, xung quanh các vấn đề liên quan đến tăng trưởng hạn mức tín dụng mà dư luận đang rất quan tâm gần đây.
PV: Ông bình luận như thế nào về việc sử dụng quy định hạn mức tăng trưởng tín dụng của Việt Nam hiện nay trong khi một số nước trên thế giới lại không sử dụng quy định này? Quy định nêu trên có phù hợp với tình hình nước ta hiện nay không?
Ông Vũ Đình Ánh: Một số nước trên thế giới theo kinh tế thị thường không sử dụng các công cụ trực tiếp như hạn mức tăng trưởng tín dụng để điều hành việc tăng trưởng tín dụng, mà họ sử dụng các công cụ gián tiếp như: lãi suất cơ bản, lãi suất điều hành, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở... Các công cụ thị trường nêu trên được sử dụng một cách hiệu quả trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Việt Nam chưa đạt đủ điều kiện để sử dụng các công cụ thị trường đó.
Theo tôi, việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng – một công cụ trực tiếp và có tính hành chính nhưng lại phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam ta hiện nay, nhất là khi thị trường vốn chưa phát triển, vốn trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Thứ nhất, đây là công cụ trực tiếp để kiểm soát tín dụng cho nền kinh tế. Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn 2007-2010, tín dụng của Việt Nam tăng rất cao, từ khoảng 20-25%, thậm chí có năm trên 53%. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát tăng cao vào giai đoạn các năm từ 2008-2010. Từ thực tiễn đó, Việt Nam đã quyết định sử dụng hạn mức tín dụng. Tác dụng của việc quy định sử dụng hạn mức tín dụng này là đã kéo giảm tốc độ tăng tín dụng hàng năm, chỉ còn 2/3, thậm chí còn khoảng ½ so với trước đây. Việc áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng trên thực tế đã giúp kiểm soát lạm phát, tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô bắt đầu từ năm 2013 đến nay.
Thứ hai, hạn mức tín dụng đó không chỉ dừng lại ở tổng tăng trưởng tín dụng chung mà còn áp dụng quy định hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng. Điều này cũng giúp kiểm soát tăng tín dụng chung, đồng thời đã cấp các hạn mức tín dụng phù hợp với sức khỏe và khả năng của từng ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Bắt đầu từ năm 2011, ở Việt Nam bắt đầu tiến hành cơ cấu lại các ngân hàng thương mại. Trong tiến trình tái cơ cấu đó, việc ngăn chặn các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt các ngân hàng yếu kém, chạy đua lãi suất, cung cấp tín dụng quá dễ dãi, khiến cho tỷ lệ nợ xấu tăng cao là rất quan trọng. Do đó, việc có quy định hạn mức tín dụng chính là chúng ta có một công cụ để điều chỉnh và kiểm soát các ngân hàng yếu kém một cách trực tiếp. Năm 2022, tôi thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng kết quả xếp hạng chính thức từng tổ chức tín dụng (TCTD) để phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các TCTD trong năm 2022, diễn biến thị trường và các tiêu chí đã định hướng từ đầu năm để thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các TCTD có đề nghị và đã có thông báo gửi các TCTD này. Do đó, việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng rất rõ ràng, minh bạch và có căn cứ.
Điều quan trọng hơn, khi áp dụng hạn mức tín dụng như vậy sẽ ngăn chặn được tình trạng các ngân hàng nhỏ, yếu kém phá vỡ hoạt động trên thị trường như việc chạy đua tăng lãi suất huy động, cho vay các ngành nghề rủi ro, gây ra nợ xấu.
Hạn mức tín dụng trở thành công cụ để chúng ta thực hiện tái cơ cấu hệ thống. Trong 3 chương trình tái cơ cấu, từ năm 2011, chương trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng được tiến hành sớm nhất và có kết quả tốt nhất. Hệ thống tài chính hiện nay đã tương đối ổn định, không có xảy ra rủi ro hệ thống trong suốt thời gian vừa qua.
Tóm lại, đó là công cụ giúp ta thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Như vậy, quy định hạn mức tín dụng đáp ứng yêu cầu đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực tế chứng minh đã thành công.
Nếu sử dụng quy định hạn mức tín dụng thì hạn mức này nên là bao nhiêu?
Công cụ quy định hạn mức tín dụng là để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Rút kinh nghiệm từ sau giai đoạn Việt Nam đã để cho tín dụng tăng cao từ 20-30%, thậm chí 50% gây hậu quả lạm phát có lúc tới 2 con số. Việc áp dụng hạn mức tín dụng khoảng 14%, thậm chí có những năm thấp hơn đã góp phần giữ lạm phát mục tiêu hàng năm là dưới 4% nhiều năm gần đây. Nếu điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn có thể sẽ gây ra những hệ quả không tốt và không đạt được những mục tiêu quan trọng nhất của NHNN trung ương là kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Có thể nói, thực tế thời gian qua cho thấy việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 14% đã kiềm chế được lạm phát, đồng thời kiểm soát rủi ro và đảm bảo an toàn hệ thống mà vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Điều này cho thấy lựa chọn sử dụng hạn mức 14% là hợp lý.
Như vậy, theo ông chúng ta có thể dụng công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng đến khi nào?
Chúng ta sẽ tiếp tục dùng nhưng không phải là mãi mãi. Chúng ta sẽ bỏ quy định đó khi hội tụ các yếu tố sau: hệ thống tài chính cạnh tranh lành mạnh, được giảm bớt các rủi ro liên quan đến các tổ chức tín dụng yếu kém; nền kinh tế có khả năng kiểm soát lạm phát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường vốn phải đảm đương được việc cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP ở mức an toàn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!