Vụ giao con nhờ người chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Tạo vỏ bọc quá tinh vi
Ông N. kể, để tạo lòng tin với gia đình ông, mỗi khi ra Huế, ông L.M.Q. thường ở khách sạn hạng sang, khoe tài sản có cả trăm tỷ đồng và học ở Anh về tật học.
"Nổ" là học ở Anh về tật học
Liên quan đến vụ việc cháu bé (N.L.M.Q) được gia đình nhờ người chữa bệnh chậm phát triển, sau đó nhận về hũ tro cốt, nhiều ý kiến cho rằng, gia đình của cháu đã quá tin người khi giao con cho người khác chăm sóc với số tiền 200 triệu đồng mỗi tháng, mà không được biết địa chỉ cơ sở điều trị, không có người thân của cháu bên cạnh trong suốt quá trình điều trị...
Tuy nhiên, theo ông N.H.N. (bố của cháu bé, 45 tuổi, trú tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) không phải tự nhiên mà gia đình ông lại giao con cho người “lạ” chữa bệnh như nhiều ý kiến trên mạng xã hội.
Theo ông N., giữa ông và ông L.M.Q. (người nhận điều trị bệnh cho cháu Q.) có mối quan hệ thân tình, được xây dựng trong một thời gian dài, thường xuyên qua lại với nhau và xem như anh em.
Trò chuyện với PV, ông N.H.N. cho biết, giữa ông và ông Q. quen biết nhau qua một người quen trong hội chơi cây cảnh, và cũng được hơn 5 năm (thời điểm này vợ chồng ông N. chưa sinh cháu M.Q.).
Ông được nhiều người giới thiệu ông Q. chữa trị bệnh chậm phát triển và đã chữa trị cho nhiều người.
“Qua các cuộc trò chuyện, ông Q. luôn tạo vỏ bọc rất tốt như thương yêu trẻ em và bên cạnh ông ấy lúc nào cũng có một đứa trẻ.
Ngoài ra, ông Q. còn khoe rằng ông có tài sản lên đến cả trăm tỷ đồng, mua cây nhiều tiền và có cả vườn cây cảnh ở Huế rất giá trị. Mỗi lần ra Huế, ông Q. đều thuê phòng tại các khách sạn sang trọng nhất ở Huế để ở.
Đặc biệt ông nói tiếng Anh rất giỏi, đồng thời ông cũng cho biết bản thân ông từng học ở Anh về tật học nên tôi rất tin tưởng”, ông N. nói.
Khi cháu M.Q. tuổi gần 3 tuổi (sinh năm 2019), gia đình thấy cháu có dấu hiệu chậm nói, chậm đi nên đã kể lại với ông Q..
“Lúc này tôi bắt đầu hỏi việc con mình bị như vậy có bị sao không. Dần dần ông Q. kết nối và nói cháu như vậy là nguy hiểm, nên điều trị càng sớm càng tốt và dần lôi kéo tôi vào sự việc…”, anh N. nhớ lại.
Cơ sở điều trị chỉ là căn nhà cấp 4
Ngày 3/3, gia đình ông N. đã vào thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để gửi cháu M.Q. cho ông Q. và ê kíp điều trị.
Đến ngày 27/3, ông Q. gọi điện thoại báo đã ra đến thành phố Huế và hẹn gia đình đến uống cà phê gần khu vực nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (phường Phú Nhuận, thành phố Huế).
“Khi tôi đến, ông Q. nói con trai tôi đã mất. Tôi hỏi thi thể của cháu đâu thì ông Q. gọi người phụ nữ đi cùng mang một hũ đựng tro cốt từ trên xe ô tô xuống. Ông Q. nói, do cháu mất vì Covid-19 nên đã tự dùng củi đốt xác cháu rồi đựng tro cốt vào đây”, ông N. kể lại.
Nói về lý do vì sao từng rút đơn tố giác, ông N. cho biết: “Vì tôi sợ sau biến cố, nếu ông bà nội biết sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, một phần tôi vẫn còn tin con mình bị Covid-19 (vì trước đó ông Q. nói cháu mắc Covid-19 trước khi qua đời), để sai lầm không nối tiếp sai lầm nên tôi đã rút đơn”.
Tuy nhiên, sau khi lo chu toàn mọi việc cho cháu, phân tích những điểm bất thường nên gia đình ông N.H.N. đã vào Lâm Đồng để tìm hiểu sự việc.
Theo đó, ông N. đã tìm đến địa chỉ căn nhà số 54/39 Phan Chu Trinh (phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thì phát hiện nơi mà ông Q. dùng làm cơ sở chữa trị cho con trai mình thực tế chỉ là một ngôi nhà cấp 4 được ông Q. thuê lại của một người dân chứ không phải là “căn biệt thự” đầy đủ tiện nghi như lời ông Q. nói trước đó.
Chưa hết, qua tìm hiểu ông N. còn biết ông Q. từng học khoa tâm lý tại một trường Đại học ở Huế. Ngoài ra, những khu vườn mà ông Q. cho rằng là của mình thực chất là của người khác và ông chỉ có gửi vài ba cây cảnh của mình tại đó.
“Sau khi tận mắt chứng kiến ngôi nhà mà ông Q. cho là biệt thự để điều trị cho cháu, cũng như những thông tin mà gia đình tìm hiểu được, lúc này chúng tôi mới vỡ lẽ ông này là kẻ lừa đảo, nên gia đình đã làm đơn tố cáo ông Q. để không có thêm một nạn nhân nào bị mắc bẫy bởi ông này”, ông N. cho hay.
Ông N. cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, gia đình ông không hề nhận bất cứ đồng tiền bồi thường nào, dù ông Q. có gợi ý.