Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Sáng 13/9, tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và trách nhiệm”, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, doanh nghiệp (DN) đang trong quá trình phục hồi nhưng sự hồi phục còn gian nan. Ngoài vấn đề khó khăn hậu đại dịch, DN đang rất cần tiếp sức nguồn vốn nhưng hiện các van của nguồn vốn đang ách tắc. Nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng.
Trong khi đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang rơi vào khoảng trống đột ngột; trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng.
Trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng… cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.
TS Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, phát triển thị trường tài chính nói chung đặc biệt thị trường vốn, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước châu Á có lịch sử dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng thương mại, khác với các thị trường Mỹ, Anh có nhiều thị trường vốn hơn. Câu chuyện phát triển thị trường trái phiếu đã được bàn từ năm 2000, cũng đã xây dựng chiến lược phát triển, đó là câu chuyện lớn, dài.
Thời điểm hiện tại trong giai đoạn phục hồi, theo ông Thành, kênh huy động vốn quan trọng bên cạnh tín dụng, cổ phiếu IPO, một số hình thức đầu tư như FDI, quỹ thì trái phiếu thực sự là kênh quan trọng với DN không chỉ đối với bất động sản.
Đánh giá về thị trường trái phiếu Việt Nam, TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, trong xã hội đã có phân công nhiệm vụ, khi dòng vốn ngắn hạn thì giao cho ngành ngân hàng, còn về vốn dài hạn thì phải dựa vào thị trường trái phiếu. Theo ông Phước, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến, cần có một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của DN, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thống kê tổng dư nợ TPDN khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 1/3. Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán công thức có nghĩa 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ đồng, gánh được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn.
Ông Nghĩa cho biết, đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu “như một canh bạc của các nhà phát hành”, có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng chưa được quan tâm đầu tư phát triển đúng tầm. Do đó, cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro.