Giám sát cộng đồng để đảm bảo quyền lợi người dân
Những năm qua, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng hiệu quả, thực chất. Qua hoạt động giám sát này, MTTQ các cấp đã góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch đối với những nội dung nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh về kết quả đạt được của hoạt động giám sát này.
PV: Ông có thể cho biết về một số kết quả nổi bật của mạng lưới Ban TTND và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Ông Lê Đức Kỳ: Trong những năm qua, nhờ có sự chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, đến nay toàn tỉnh có 126 Ban TTND xã, phường, thị trấn với 1.050 thành viên. Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã ra quyết định thành lập thành lập 2.277 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 10.855 thành viên để thực hiện nhiệm vụ giám sát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn.
Qua hoạt động, các Ban TTND trên địa bàn tỉnh đã giám sát được 1.599 vụ việc về thực hiện chính sách pháp luật, trong quá trình giám sát đã phát hiện được 172 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết được trên 95% vụ việc.
Song song với đó, từ năm 2017- 2022 các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát được 2.635 công trình, phát hiện 99 công trình vi phạm do thi công chậm tiến độ, xây dựng không đảm bảo đúng thiết kế, vật liệu không đảm bảo đúng như thiết kế, không đúng quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Các ban giám sát đã tiến hành làm thủ tục kiến nghị cơ quan nhà nước xem xét để giải quyết.
Từ những kết quả đạt được, ông có thể đánh giá về hiệu quả hoạt động và vai trò của các ban này trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch đối với những nội dung nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát?
- Trong những năm qua, MTTQ các cấp đã chỉ đạo các Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động đúng chức năng theo quy định và đi vào nền nếp. Trong giám sát thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở Ban TTND đã thường xuyên giám sát các nội dung UBND phải công khai cho dân biết về các nghị quyết của HĐND, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, việc thu chi và quyết toán tài chính hàng năm, các chương trình, dự án đầu tư. Hay như việc giám sát những nội dung dân bàn, như bình xét hộ nghèo, mức đóng góp cơ sở hạ tầng, xây dựng quy ước thôn, làng văn hóa, bầu trưởng thôn, bầu thành viên Ban TTND…
Với vai trò, trách nhiệm của mình, các Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện từ sớm về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, qua đó góp phần bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Có thể thấy rằng giám sát ở cơ sở đóng vai trò quan trọng, giúp chính quyền địa phương khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đang gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, thưa ông?
- Qua thực tế, chúng tôi thấy hoạt động của 2 Ban này trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp quan tâm giải quyết. Như chúng ta đều biết, hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là hoạt động giám sát của nhân dân, do vậy tính hiệu lực không cao mà phụ thuộc vào trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, nội dung giám sát của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trải rộng trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở, trong khi đó các thành viên của Ban TTND và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hầu hết đều kiêm nhiệm, còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, chuyên sâu đối với một số nội dung giám sát, dẫn đến chất lượng, hiệu quả giám sát.
Ở một khía cạnh khác, sự chủ động trong xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, lựa chọn nội dung giám sát đúng, trúng, phù hợp của một số Ban TTND chưa thường xuyên, còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động của MTTQ, UBND cấp xã, dẫn đến còn thụ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng hiệu quả còn hạn chế, chế độ thù lao còn thấp, kinh phí hỗ trợ hoạt động ở nhiều địa phương chưa bảo đảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở.
Từ việc nhận diện những hạn chế này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh sẽ có những giải pháp cụ thể gì để nâng cao chất lượng giám sát của Mặt trận ở cơ sở?
- Để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí cũng như từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở, thời gian tới MTTQ các cấp cần tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Thực hiện đúng các tiêu chuẩn lựa chọn thành viên tham gia các ban này ở cơ sở bảo đảm về uy tín, sức khỏe, am hiểu chính sách, pháp luật, có kinh nghiệm về chuyên môn và xử lý tình huống thực tế.
Một giải pháp quan trọng cần quan tâm là MTTQ các cấp phải thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm, bảo đảm nguyên tắc giám sát, phạm vi giám sát theo quy định của luật và các nghị định hướng dẫn thi hành, thông tri hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Đặc biệt, MTTQ cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; quan tâm chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng bảo đảm điều kiện về kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban TTND, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!