Nhiều trường hợp nhập viện vì dùng bài thuốc truyền miệng
Dù đã được cảnh báo rất nhiều về nguy hại khi tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các đơn thuốc của “thầy lang” tự xưng hay bài thuốc truyền miệng nhưng tình trạng số người nhập viện vì hệ quả của hành vi này vẫn không hề ít trên phạm vi cả nước.
Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi H.T.B. (5 tuổi, trú tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị nhiễm trùng, nhiễm độc do gia đình đắp thuốc nam trị bỏng cho con.
Trước đó, trẻ được đưa vào bệnh viện trong tình trạng bỏng nước sôi 33% vùng ngực bụng, lưng, 2 tay, 2 đùi, bộ phận sinh dục, toàn bộ đều đắp thuốc lá và có mùi hôi. Gia đình kể lại, thời gian trước do người lớn bất cẩn, bé đã bị bỏng nước sôi. Ngay sau đó, gia đình sơ cứu bằng nước lạnh cho bé. Tuy nhiên, gia đình không đưa con đến bệnh viện mà cho bé đắp lá thuốc của một “thầy lang”. Sau 1 tuần đắp lá thuốc, bệnh tình bé không thuyên giảm, thể trạng trẻ yếu, nằm mệt, vùng bỏng không khỏi xuất hiện mủ kèm theo nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Ngay lập tức, gia đình đưa con đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc do xử lý sai cách. Ngay sau đó, bệnh nhi nhanh chóng được truyền dịch, đạm, truyền máu kháng sinh, giảm đau, điều trị xuất huyết tiêu hóa, tắm điều trị bỏng, thay băng bỏng. Hiện tại, bé có tỉnh táo hơn, không còn nôn ra máu nhưng vẫn đang sốt cao (39,5 độ C) kèm rét run. Các bác sĩ tiếp tục duy trì hạ sốt, giảm đau, theo dõi và chăm sóc bé theo các phương pháp điều trị chuyên sâu, khoa học để chóng hồi phục.
Đáng nói, trường hợp của bé H.T.B nói trên không phải là hi hữu. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bác sĩ Đường Thị Hải Chi- Khoa Chấn thương Chỉnh hình-Bỏng thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị gần 100 trường hợp bệnh nhi bị bỏng. Hầu hết, các bé đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do xử lý sai cách, phản khoa học. Trong đó, nhiều trường hợp gia đình đã cho con đắp lá thuốc tại nhà để trị bỏng thay vì đến bệnh viện.
Còn trên phạm vi cả nước, thời gian qua cũng liên tiếp xuất hiện những trường hợp phải nhập viện vì tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc hay do tin vào đơn thuốc của các “thầy lang” tự xưng.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho hay, đơn vị đang điều trị cho bệnh nhân H. (30 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) bị bỏng điện cao thế khi đi câu cá. Nguy hiểm hơn, sau tai nạn, người bệnh đau rát bỏng vùng ngực, cánh cẳng tay và 2 chân nên đã tự đắp thảo dược không rõ nguồn gốc tại nhà. Do không đỡ và đau nhiều, kèm theo chảy dịch nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám và điều trị. Theo các bác sĩ tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng, cánh cẳng tay hoại tử rất nặng.
“Do nhiễm trùng, hoại tử rất nặng nên chúng tôi buộc phải cắt bỏ cánh tay trái của người bệnh bởi nếu không sẽ xảy ra nguy cơ nhiễm trùng máu, gây nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, bệnh nhân đã trải qua cuộc phẫu thuật thành công và đang được các nhân viên y tế tích cực chăm sóc các vết bỏng nặng trên ngực và hai chân” – bác sĩ Nguyễn Quang Nguyên- Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết.
Một trường hợp điển hình khác, bệnh nhân C.T.V. (42 tuổi), ở tỉnh Sóc Trăng có tiền sử bị suy thận giai đoạn 4, tăng huyết áp, hiện đang thăm khám và uống thuốc định kỳ. Trước nhập viện 1 tuần, ông V. được người quen giới thiệu bài thuốc dân gian với công dụng trị được bệnh suy thận. Thành phần chủ yếu gồm cỏ mực và nhiều lá thuốc không rõ loại. Sau khi uống xong, người bệnh có biểu hiện mệt, chóng mặt, ăn khó tiêu, người sưng phù. Sau đó gia đình đưa ông V. đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị trong tình trạng chuyển biến nặng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán đợt cấp suy thận mạn, thiếu máu mạn mức độ nặng, tăng huyết áp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, truyền máu, dùng các loại thuốc hỗ trợ và bảo vệ thận để cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch.
Trao đổi về tình trạng nói trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, tâm lý “có bệnh vái tứ phương” của người dân là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu nghe theo những lời mách để tìm đến những thầy lang không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề mà chữa bệnh theo truyền miệng thì vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, người dân không tự dùng thuốc, khi có bệnh, nên đến khám bệnh ở các cơ sở y tế tin cậy đã được thẩm định và phải sử dụng các thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được chứng minh bằng khoa học tác dụng của nó, tuyệt đối không dùng thuốc của thầy lang không rõ nguồn gốc.