Triển khai dự án đường vành đai 3 TP HCM: Mấu chốt vẫn là cơ chế

Ngọc Quang 14/09/2022 07:00

Tại Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, tháng 9, với chủ đề “Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng bất cập nhất là khác biệt giữa giá bồi thường và giá thị trường trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Quan điểm của thành phố là làm sao sau GPMB thì đời sống của người dân phải bằng hoặc tốt hơn.

Đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát thực địa Dự án Vành đai 3 tại điểm giao cắt với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Câu chuyện này liên quan trực tiếp đến việc triển khai Dự án đường Vành đai 3 TP HCM, khi mà Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin dự kiến giá các loại đất. Việc bồi thường dự án đường Vành đai 3 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/12/2022. Đến tháng 7/2023, các địa phương sẽ chi trả bồi thường đất ở cho người dân và bàn giao mặt bằng trước ngày 30/12/2023 (khoảng hơn 400 ha) để chủ đầu tư có thể triển khai xây dựng vào năm 2024.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, thời gian qua, nhiều dự án về y tế, giáo dục, giao thông, đô thị… được thực hiện nhờ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, hộ gia đình trong việc bàn giao mặt bằng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến kiến nghị kéo dài, thậm chí khiếu nại của người dân. Ông Mãi cũng cho biết, UBND TP và các sở, ngành đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để giá bồi thường, hỗ trợ tiệm cận giá thị trường. TP sẽ có chính sách đặc thù để bù đắp khoảng chênh lệch này.

“Chúng tôi thấy vấn đề tồn tại và thời gian tới cố gắng làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB để làm sao hài hòa được lợi ích chung và lợi ích của từng tổ chức, cá nhân” - Chủ tịch UBND TP HCM nêu rõ và cho biết thêm: “Chúng tôi mong muốn việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB dự án đường Vành đai 3 sẽ tạo ra sự mẫu mực trong công tác này để tiến hành các dự án khác trong thời gian sắp tới”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP HCM thì rất cần lưu ý khi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cũng như tổ chức lại sản xuất - kinh doanh, giúp người dân ổn định đời sống. Với dự án đường Vành đai 3 và cao tốc TP HCM - Mộc Bài, các địa phương phải có trách nhiệm nắm thật sát, thật rõ từng trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, xem xét nhu cầu, nguyện vọng của từng trường hợp để có giải pháp hỗ trợ, vận động phù hợp. “Người dân đã hy sinh nơi ăn chốn ở của mình cho sự phát triển của TP thì TP phải bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn” - bà Lệ nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai dự án đường vảnh đai 3 TP HCM, ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông tin giá đất, thời hạn bàn giao ranh mốc, thời gian bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công dự án...

Cụ thể, về giá đất để tính bồi thường đối với đất phi nông nghiệp trong đó có đất ở tại dự án đường Vành đai 3 sẽ nằm trong khoảng từ hơn 18 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2. Đối với đất nông nghiệp (chiếm tới 90% diện tích dự án đường Vành đai 3) thì có 2 loại: đất trồng cây lâu năm có giá bồi thường từ 3,2 triệu/m2 - 8,5 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp có giá bồi thường là 3,2 triệu đồng/m2 đến 6,5 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo ông Trực, đây mới chỉ là giá tạm tính để các huyện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái đầu tư, lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất.

Đáng chú ý, TP HCM cũng đã tính toán thu hồi quỹ đất diện tích khoảng 2.000 ha dọc tuyến đường Vành đai 3 để làm lại quy hoạch, tổ chức bán đấu giá, tạo nguồn lực tái đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Vành đai 3 có khoảng 2.000 ha đất liền kề, chủ yếu là đất nông nghiệp, rất ít dân cư. Dự kiến cần hơn 100.000 tỷ đồng để thu hồi đất, bồi thường và tái định cư, trong khi đó TP không thể bố trí kinh phí thực hiện. Vì thế, cần thí điểm triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư theo hướng bố trí đất ở bằng diện tích đất ở tương tự, đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi giữa giá bồi thường dự kiến với tỷ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng “TP dường như đang phát triển chậm lại”, do đó cần có cơ chế đột phá, phù hợp, không thí điểm mà cần sự ổn định.

Như vậy, mấu chốt vẫn là cơ chế để thực hiện. Đối với dự án đường vành đai 3 TP HCM thì trước hết chính là cơ chế đền bù, hỗ trợ, tái định cư để GPMB và đấu giá quỹ đất 2.000 ha dọc tuyến đường để có nguồn lực đầu tư phát triển.

Dự án đường Vành đai 3 TP HCM dài 76,34 km, có khai thác quỹ đất khoảng 2.000 ha dọc tuyến để làm lại quy hoạch, tổ chức bán đấu giá, tạo nguồn lực tái đầu tư phát triển. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng hơn 640 ha đất, riêng TP HCM là 408 ha; bố trí tái định cư khoảng 1.476 hộ, trong đó TP HCM là 740 hộ ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. Để thực hiện GPMB, tái định cư, dự án cần khoảng 41.600 tỷ đồng trong tổng kinh phí giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng.

GPMB được cho là mấu chốt, khó khăn, phức tạp nhất.

Ngọc Quang