Điểm sáng từ thị trường nội địa

THANH GIANG 14/09/2022 08:00

Gặp khó ở thị trường xuất khẩu, không ít doanh nghiệp (DN) tìm cách phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, DN cũng cần có sự nỗ lực lớn trong việc tái cơ cấu, nâng sức cạnh tranh để có thể vững ngay tại sân nhà.

Doanh nghiệp may tìm cách phát triển thị trường nội địa.

Những tín hiệu đáng mừng

Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết, sau thời gian tăng trưởng liên tục, từ tháng 4/2022 xuất khẩu gỗ đã chững lại. Từ tháng 7/2022 có dấu hiệu tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021. Ông Phương chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên chính là do một số thị trường xuất khẩu bị lạm phát nặng, sức mua giảm đáng kể. Hiện, DN đang chờ đợi những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu để ổn định sản xuất.

Bên cạnh việc ráo riết tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, DN trong ngành gỗ cũng hướng vào thị trường nội địa. Đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết, sau 2 năm gián đoạn bởi dịch bệnh, thị trường nội địa đã phục hồi. Nhiều nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có kế hoạch tu sửa, chỉnh trang lại khang trang hơn nên nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ gia tăng. “Sức mua của thị trường nội địa không có chỉ số đo lường cụ thể nhưng nhóm DN làm hàng ngoài trời tuyển dụng khá nhiều lao động và các nhà máy làm không hết việc” - ông Phương hồ hởi thông tin về thị trường tiêu thụ nội địa.

Tương tự, gặp những khó khăn ở thị trường xuất khẩu, DN ngành dệt may cũng đang nhận được những tín hiệu khả quan từ thị trường nội địa. Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty May Dony cho biết, thời điểm này, DN đang sản xuất đơn hàng cuối năm cho thị trường châu Âu (EU), khoảng tháng 10 là xong nhưng giờ DN chưa nhận được đơn hàng mới. Trái ngược với thị trường xuất khẩu, ở thị trường trong nước, đơn vị này ghi nhận có tín hiệu tốt. Theo ông Phạm Quang Anh, ở thị trường nội địa, sản phẩm may mặc thương hiệu Việt Nam ngày càng phát triển mạnh. Vì chất lượng sản phẩm cũng tương đương với hàng xuất khẩu, thậm chí còn đòi hỏi chất lượng hơn cả hàng xuất khẩu, may phải đẹp hơn. “Cái dễ của thị trường trong nước chính là không yêu cầu chất lượng nhà máy, công nhân như người tiêu dùng các nước. Thời gian tới, DN tiếp tục phát triển thị trường nội địa sao cho hiệu quả hơn” - ông Phạm Quang Anh cho hay.

Theo cộng đồng DN, thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân, cùng với người tiêu dùng trẻ tuổi nhiều... là những lợi thế lớn cho DN sản xuất khai thác và phát triển thị trường tốt hơn. Trong khi chờ sự hồi phục trở lại của thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước là giải pháp mà DN cần hướng đến.

Doanh nghiệp vẫn đang phải “tự bơi”

Mặc dù thị trường nội địa được đánh giá cao, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường này vẫn vướng những rào cản nhất định. Cụ thể, rủi ro trước những tác động của thị trường thế giới cũng là điểm trừ đối với thị trường nội địa. Chủ DN may Dony lo lắng: “Hiện nay thị trường tiêu dùng của Việt Nam khá ổn. Nhưng tình hình kinh tế thế giới mà ảm đạm khoảng 5 – 6 tháng nữa chắc chắn tác động đến thị trường trong nước. Khi đó, đơn hàng tiếp tục giảm mạnh, thu nhập ít và kéo theo sức mua trên thị trường lao dốc đáng kể”.

Liên quan đến phát triển thị trường nội địa, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội May thêu đan TPHCM quan ngại: “Thị trường nội địa tiềm năng nhưng vẫn bị giới hạn khi sức mua thấp. Trong khi, nguồn cung sản phẩm lại khá đa dang và phong phú nên buộc phải cạnh tranh gay gắt. Chưa kể tình trạng hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu thâm nhập thị trường làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước”. Ông Hồng cho rằng, số DN tham gia thị trường nội địa chủ yếu là DN nhỏ, tổ hợp may, còn DN lớn đa phần không phủ sóng “sân nhà”.

Với 30% cung ứng cho thị trường tiêu dùng nội địa (70% sản phẩm xuất khẩu), ông Nguyễn Ngọc Luận – CEO Meet More Coffee cho hay, ông phải mất 4 năm phát triển thương hiệu và tìm kiếm thị trường. Hiện sản phẩm cà phê Việt Meet More Coffee đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị như: Emart, Lottemart,... cùng các chuỗi siêu thị nhỏ. Dù phát triển thị trường trong nước khá tốt, nhưng đại diện thương hiệu Meet More Coffee thừa nhận: “Phát triển thị trường tiêu dùng trong nước cực kỳ khó khăn, không phải DN nào cũng làm được”. Ông Luận cho rằng, có nhiều hạn chế khiến DN chưa thể phát triển mạnh thị trường nội địa. Thứ nhất, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý đua theo hàng giá rẻ. Thứ hai, phát triển thị trường nội địa khó vì chi phí cao. Cụ thể, DN phải làm nhiều chương trình, chạy đua giảm giá nên lợi nhuận không cao...

Cũng theo ông Luận, các nước họ có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ DN. Cụ thể, hỗ trợ DN nghiên cứu, phát triển sản phẩm chất lượng cao. Nhà nước làm hẳn chương trình hỗ trợ chính sách truyền thông, bán hàng. Tại thị trường Việt Nam, muốn phát triển thị trường nội địa DN vẫn đang phải “tự bơi”. “Các chính sách đa phần hỗ trợ cho DN lớn, DN vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nhiều. Ví dụ, gói hỗ trợ 2% chỉ có DN lớn mới đáp ứng đủ tiêu chí. Truyền thông hỗ trợ bằng những hội chợ xúc tiến, triển lãm nhưng lại thu phí khá cao” - ông Luận dẫn chứng.

THANH GIANG