Hà Nội: Hàng loạt nhà cơi nới áp sát hành lang an toàn cầu Chương Dương

Minh Hiếu 16/09/2022 11:43

Nhà cơi nới áp sát cầu Chương Dương thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm hành lang an toàn đối với cầu đường bộ, mà còn làm mất mỹ quan đô thị.

Hàng chục ngôi nhà cơi nới đầu cầu Chương Dương, phường Phúc Tân, quân Hoàn Kiếm (Hà Nội) vi phạm hành lang an toàn cầu đường bộ.
Theo Nghị định 100/2013/CP quy định rõ về giới hạn hành lang an toàn đối với cầu đường bộ được xác định theo chiều dọc và chiều ngang cầu, tùy thuộc vị trí, chiều dài cầu mà giới hạn hành lang khác nhau.
Cụ thể, Nghị định quy định về hành lang an toàn đối với cầu trên đường trong đô thị thì chiều ngang cầu, đối với phần cầu chạy trên cạn kể cả phần cầu chạy trên phần đất không ngập nước thường xuyên và các cầu bắc qua sông, kênh, rạch không có hoạt động vận tải đường thủy được tính từ mép ngoài lan can ngoài cùng của cầu ra mỗi bên 07 m.
Tuy nhiên, tại địa bàn phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) lại xuất hiện hàng loạt nhà cơi nới lấn chiếm hành lang an toàn giao thông ở cầu Chương Dương, làm mất mỹ quan đô thị hai bên cầu.
Theo ghi nhận của PV, từ khu vực vòng xoay cột đồng hồ đầu cầu Chương Dương, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kéo dài 200 m hướng sang quận Long Biên có hàng chục nhà được cơi nới, bắn tôn áp sát hai bên thành cầu.
Những nhà cơi nới này không những vi phạm hành lang an toàn giao thông cầu đường bộ, còn tạo ra khung cảnh nhếch nhác, lụp xụp, lộn xộn.
Cây xanh của các hộ dân chìa ra mặt đường ở cầu Chương Dương ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Ngoài các nhà tôn cơi nới thì các chuồng cọp, nhà bê tông kiên cố, bồn nước bao vây cầu Chương Dương gây xấu xí bộ mặt đô thị.

Cầu Chương Dương là cây cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, kết nối đôi bờ sông Hồng. Trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, cây cầu là một chứng nhân lịch sử trong quá trình đổi mới đi lên của đất nước, là một phần lịch sử của Thủ đô.

Nằm ở vị trí đắc địa kết nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận, từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô, góp phần giải quyết cơ bản việc giao lưu kinh tế, xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc sông Hồng.

Minh Hiếu