Cảm hứng
Theo "Từ điển tiếng Việt”: “Hứng là cảm giác thích thú trong người mình đang có một sức thôi thúc làm cái gì đó (thường là việc lao động sáng tạo).
Thí dụ: Cảnh đẹp thiên nhiên gợi hứng cho nhà thơ. Có hứng. Làm việc tùy hứng. Hứng lên thì làm”. “Hứng thú là sự ham thích hoặc cảm thấy có sự ham thích, hào hứng. Thí dụ: tác phẩm gây được hứng thú cho người đọc. Hứng thú với công việc. Câu chuyện nghe rất hứng thú”.
“Cảm hứng là trạng thái tâm lý đặc biệt khi có cảm xúc và sự lôi cuốn mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả. Thí dụ: Nguồn cảm hứng bất tận. Nguồn cảm hứng của văn nghệ sĩ”. “Cảm xúc là rung động trong lòng do tiếp xúc với sự việc gì. Thí dụ: Người dễ cảm xúc. Bài thơ gây cảm xúc mạnh”.
Triết gia Lacordaire (1802 - 1881) đã nhấn mạnh: “Chẳng có việc làm nào mà không có một ít cảm hứng”.
Nhờ có “Từ điển tiếng Việt” và triết gia Lacordaire, chúng ta hiểu được rằng: Cái động lực của “cơm áo gạo tiền” hàng ngày thực ra cũng phải nhờ đến cái cảm hứng, cái thích thú, cái cảm xúc mà mỗi chúng ta vẫn mang sẵn trong người mới vượt qua được những vất vả, gian lao, khó khăn, tẻ nhạt hết ngày này qua ngày khác mà mỗi con người đang phải gánh chịu.
Nói một cách khác, từ cậu bé bắt buộc phải đi học hàng ngày đến người mẹ không ngại vất vả phải đi làm từ sáng sớm đến tận chiều tối như một câu ca dao đã mô tả “Con vô trường học, mẹ vô trường đời” thật là ngắn gọn, tài tình mà đầy đủ. Từ trường học đến trường đời là một đoạn đường dài lắm, đầy trắc trở, chông gai.
Ta thử hình dung nếu cậu bé học sinh không có niềm vui mỗi năm lên một lớp, rồi sinh hoạt cùng bè bạn hàng ngày, rồi đi bơi, đá bóng, sinh hoạt ngoại khóa cùng tập thể lớp học thì cậu bé sẽ chẳng bao giờ có cái mơ ước, cái ham muốn tiến xa hơn trong tương lai.
Tuổi trẻ có rất nhiều mơ ước, có em muốn trở thành cô giáo để dạy học cho các thế hệ sau, dạy học cho các em bé gặp nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Có em ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà, cha mẹ... Như thế, mỗi ngày các em phải có cảm hứng học tập để vượt qua được sức nặng của bài vở càng ngày càng khó, càng ngày càng nặng, càng ngày càng nhiều.
Còn người mẹ vô trường đời cũng gặp phải bao nhiêu khó khăn vất vả nhưng vì tương lai của các con, tương lai của gia đình mà người mẹ phải tập thành thói quen để có hứng thú, có cảm hứng, thích nghi được với mọi khó khăn, vất vả hàng ngày.
Cái cảm hứng học tập của cậu học sinh và cái cảm hứng làm việc của người mẹ lấy ra từ đâu? Câu trả lời là: Phải tìm thấy lợi ích và hứng thú trong các công việc hàng ngày. Phải rèn luyện từ lúc nhỏ trở đi mới hình thành được nguồn cảm hứng trong học tập và trong lao động.
Bà văn sĩ lừng danh của nước Pháp, De Staël (1766 - 1817) đã phân tích, mổ xẻ rất tài tình về nguồn cảm hứng, bà viết: “Có thể nói một cách đầy tin tưởng rằng: trong mọi cảm giác, cái cảm hứng đem lại nhiều sung sướng nhất và sung sướng thật sự. Chỉ có cảm hứng mới khiến ta gánh vác được cái thiên chức làm người trong tất cả mọi cảnh ngộ mà số phận đã dành cho ta”.
Ý kiến của bà De Staël đã có từ hơn 200 năm nay, mặc dù có nhiều ý kiến tranh luận nhưng rồi ai cũng phải mặc nhiên thừa nhận rằng chỉ có cảm hứng mới giúp ta vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ. Ai biết cách tìm được cảm hứng, rèn luyện để có được cảm hứng, biết duy trì cảm hứng sẽ là người thắng cuộc. Muốn thế phải phân tích dần dần, phân tích từng đoạn trong ý kiến của bà De Staël mới sáng tỏ được.
Đoạn đầu bà viết: “Trong mọi cảm giác, cái cảm hứng đem lại nhiều sung sướng nhất và sung sướng thật sự”. Vì sao vậy? Vì cảm hứng là một cảm giác tự mình, cảm giác nội tại, do mình tự tạo nên, do mình tự nghĩ ra, tự giác ngộ, tự rèn luyện mới có được. Môi trường xung quanh có tác động vào cũng chỉ là ý thức đám đông, sẽ nhanh chóng tan rã khi giải tán, khi hết phong trào.
Chỉ bền chặt theo ta buồn vui chính là cái tự ta tạo nên, suy nghĩ chín chắn, thấu suốt để đi đến quyết tâm theo đuổi, quyết tâm làm bằng được. Trong tâm lý học người ta gọi cái cảm hứng này là suy nghĩ tích cực, cảm hứng tích cực, tư duy phản biện tích cực, tư duy hành động dương tính, có lợi cho cá nhân và có lợi cho tập thể.
Chỉ có khi nào con người giác ngộ, tự giác hiến dâng, tự nguyện hành động vì lợi ích của người khác, vì lợi ích của cộng đồng, con người mới có được niềm vui trọn vẹn, mới có được hạnh phúc thật sự.
Ngược lại, đối với những người chi li, tính toán, lợi mình, hại người sẽ không bao giờ có cảm hứng lương thiện mà chỉ có việc tính toán những mưu hèn, kế bẩn và chắc chắn họ sẽ có một kết cục thảm hại, đau đớn.
Nhận xét này không cần tranh luận gì thêm nữa vì đó đã là quy luật “Gieo nhân nào gặt quả nấy”. Những người có tâm địa xấu xa ít khi có nụ cười hồn nhiên, lương thiện. Họ ăn không ngon, ngủ không yên chứ còn nói gì đến cảm hứng lương thiện được.
Đoạn sau bà viết: “Chỉ có cảm hứng mới khiến ta gánh vác được cái thiên chức con người trong tất cả mọi cảnh ngộ mà số phận đã dành cho ta”.
Ý này của bà De Staël cũng giống với đánh giá sau đây về con người của đại văn hào Pháp, ông Romain Rolland (1866 - 1944) càng làm cho chúng ta thêm yêu mến con người vì bản chất lương thiện của họ: “Con người là một sinh vật vốn trung hậu. Mọi việc đối với họ thế nào cũng được. Họ thích ứng với mọi sung sướng và khổ sở. Đẹp đẽ thay khi ta cảm thấy rằng: con người ta có sự uyển chuyển và tạo ra được cảm hứng để vượt qua mọi gian khó trong cuộc đời”.
Trong đoạn này cần chú ý hai cụm từ “Thiên chức con người” và “Tất cả mọi cảnh ngộ”. Về “Thiên chức con người”, nhiều nhà tâm lý học, giáo dục học, nhân loại học đã mô tả rất nhiều, rất phong phú, đã có nhiều chương, nhiều mục trong các tác phẩm đồ sộ hàng trăm trang. Nhưng nói gọn lại chỉ có hai thiên chức để xác định nhân cách làm người, đó là Nghĩa vụ (hay bổn phận) và Quyền lợi (hay những thụ hưởng chính đáng mà một người lao động bình thường phải được hưởng thụ). Có thể viết thành công thức là:
Thiên chức con người = Nghĩa vụ đối với xã hội + Quyền lợi được xã hội bảo đảm.
Trước hết nói về nghĩa vụ của con người đối với xã hội. Đây là một chương hay nhất, lý thú nhất trong tất cả các sách “Học làm người”. Vì nó là tiêu chuẩn để phân biệt: Người với động vật cao cấp, người tốt với người xấu, người có ích với người ăn bám, người đáng quý với người bỏ đi...
Nhà triết học George Eliot (1819 - 1880) đã nêu ra một “tiêu chuẩn làm người” hết sức nhân ái, hết sức cao thượng, đó là: “Chúng ta sống để làm gì, nếu chẳng phải để làm cho đời sống của nhau bớt khốn khó đi”.
Nhân loại mãi biết ơn Eliot vì cách dạy bảo của ông là phải biết cách giúp đỡ, chia sẻ với người khác để cho họ bớt đau, bớt khổ đi mới xứng đáng được gọi là con người. Điều này trái ngược hẳn với suy nghĩ của bọn người ti tiện, tiểu nhân luôn dùng mưu hèn kế bẩn để hãm hại đồng loại, để làm cho người khác đau khổ. Bọn tiểu nhân tham lam này không bao giờ có được những cảm xúc tích cực, không bao giờ dám ngẩng đầu đón ánh thái dương chói lọi trong buổi bình minh chan chứa sự thật và niềm vui yêu đời.
Khi nói về đời sống con người, đại thi hào người Đức, ông Wolfgang Goethe (1749 - 1832) còn nghiêm khắc cảnh báo: “Một đời sống vô dụng là cái chết đến sớm”. Goethe đã khái quát một cách tài tình rằng: Đã sinh ra con người là phải có bổn phận đóng góp cho xã hội, phải có nghĩa vụ làm việc để có sản phẩm. Nếu ai không làm được cái điều bắt buộc ấy với tất cả lòng thanh thản, yêu đời, đầy cảm hứng thì có khác gì chết sớm!
Trong vế thứ hai: “Quyền lợi được xã hội bảo đảm” cũng chính là xác định lại một lần nữa cái trách nhiệm công dân của mỗi con người là phải xây dựng đất nước ngày càng tốt, ngày càng đẹp để mọi người đều có cơm no, áo ấm, được học hành, được làm việc.
Đến đây có thể tạm sơ kết: Con người sống được ở trên đời có nghĩa là việc học dù khó đến đâu cũng vượt qua được, công việc dù khó đến đâu cũng cố gắng hoàn thành bằng được, tất cả đều nhờ có niềm vui, cảm hứng trong công việc hàng ngày.
Tạo ra cảm hứng là phải bắt đầu từ tuổi thanh thiếu niên, dần dần mới thành thói quen học tập, thói quen lao động và nhờ có cái mục đích mà mình theo đuổi thì con người mới thành công được. Cái mục đích của cuộc sống càng đơn giản, càng gần gụi với hoàn cảnh và khả năng mà mình có thể có thì càng dễ đạt được. Đúng như triết gia George Eliot đã dạy: “Cuộc sống mà không có mục đích thì chẳng còn gì là thú vị nữa!"
Như vậy, muốn có thành công và hạnh phúc mỗi người chúng ta cần tạo ra cảm hứng trong công việc và trong cuộc sống để đạt được mục đích mà mình đã đề ra.