Tác phẩm chất lượng tốt sẽ được chọn mua

Việt Quỳnh (thực hiện) 22/09/2022 19:19

Bộ sưu tập của nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn có khoảng 500 tác phẩm với trên 100 tác giả. Từ các họa sĩ đã định danh: Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Lê Quảng Hà, Đỗ Hoàng Tường, Trần Trọng Vũ, Nguyễn Văn Cường, Hoàng Hồng Cẩm... Cho tới các họa sĩ trẻ như Trần Nhật Thăng, Trần Dân, Nguyễn Công Hoài, Bùi Hoàng Dương...

Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn.

Sưu tập với anh Hoàng Anh Tuấn là một sở thích kéo dài. Anh có tài chính từ sớm, một thời gian sau khi tốt nghiệp đại học, điều hứng thú là mua các tác phẩm nghệ thuật. Với anh đó còn là mở rộng mối quan tâm tới những trải nghiệm khác với công việc kinh doanh thường nhật.

Theo nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn, từ đầu năm 2022, thị trường mỹ thuật có hai thứ thay đổi, hình thức giao dịch và dung lượng thị trường. “Hậu Covid hay thuật ngữ bình thường mới ám chỉ mọi thứ sẽ không giống như trước trong đó có thị trường mỹ thuật Việt”, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

“Nó đã có từ khi dịch bùng phát: kỹ thuật số. Mạng internet trở thành "phòng trưng bày ảo" các tác phẩm nghệ thuật. Mọi thành tố liên quan nhanh chóng thích nghi: họa sĩ giới thiệu tranh với phòng tranh ảo, nhà đấu giá trong nước cũng làm mới bằng liên kết ngoài để tiến hành các phiên đấu giá song song trên nền tảng internet và tại không gian thực. Các gallery cũng vậy thích nghi với thực tại ảo hơn. Họ nâng cấp trang web, truyền thông mạng xã hội với tầm nhìn về việc tiếp cận khách hàng tiềm năng qua cổng thông tin.

Người chơi tranh có thêm một hình thức mới "tham dự" online triển lãm bên cạnh trực tiếp nếu không thuận tiện cho dàn xếp lịch thăm không gian triển lãm vật lý hay viếng thăm xưởng nghệ sĩ. Hệ quả dường như bỗng nhiên thị trường nghệ thuật tràn ngập đủ loại chất lượng tranh và nhiều họa sĩ hay người vẽ tranh nghiệp dư tham gia bên cạnh các họa sĩ chuyên nghiệp”.

Thời gian này các tác phẩm tranh được các nhà sưu tập và đầu tư quan tâm: “Đầu tiên nó phản ánh việc quan tâm tới giá trị tinh thần khi nhu cầu vật chất căn bản được thỏa mãn của một bộ phận công chúng. Theo quan sát của tôi, người Việt mua tranh nhiều hơn từ năm 2016 vẫn tiếp tục tăng lên.

Đại dịch làm tác động tới một bộ phận dân chúng vốn đã bắt đầu hình thành thói quen du lịch như là một lối sống - đột ngột bị ngừng vì giãn cách xã hội. Nay mọi người có thời gian, có tài chính và mạng xã hội, đã tìm thấy một nhu cầu: Tranh được coi đáp ứng cho các phân khúc từ trang trí nhà cửa, giá trị tinh thần cho tới như một kênh trú ẩn về đầu tư tạo nên bởi các chuyện cảm hứng về các kỷ lục giá trị từ các sàn đấu giá trên thế giới cả về tác phẩm nghệ thuật.

Theo nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn, thị trường nghệ thuật là mua và bán. Như bất kỳ thị trường hàng hóa nào khác nó cũng chịu ảnh hưởng của quy luật cung cầu. Nhưng vì hàng hóa của nó là tác phẩm nghệ thuật nên mua bán tranh khác với mua hàng thông thường, nó có sự kết nối mạnh mẽ và trải nghiệm sâu sắc: “Thị trường nghệ thuật sôi động với đa phần những người chơi mới ban đầu, nó là một cám dỗ lớn với các họa sĩ đã đã có chút danh tiếng hay mới nổi, làm họ quên đi cái gì đã làm lên chất lượng tác phẩm nghệ thuật”.

Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn bày tỏ: “Tính độc sáng và độ hiếm là đặc trưng của tác phẩm hội họa. Sự duy nhất giúp tạo ra nhu cầu cạnh tranh sở hữu, cùng sự công nhận về chất lượng thẩm mỹ. Hệ quả xác nhận danh tiếng họa sĩ và là yếu tố chủ yếu xác nhận giá trị thương mại và giá cả bức tranh.

Sự vội vàng nó tạo nên hiệu ứng tiêu cực kép. Về phía họa sĩ dễ dàng mất "lửa" cái năng lượng giúp họ thăng hoa. Sự tự trấn an tinh thần rằng cần nuôi dưỡng nghệ thuật đích thực của mình bằng một nửa khác "thỏa hiệp" chất lượng là không đủ thuyết phục. Về phía công chúng, sau một hồi háo hức chờ đợi cái tươi mới tiếp theo, sẽ nhanh chóng bị mệt mỏi bởi các tác phẩm tồi liên tục đưa ra.

Vậy bài học ở đây mà đa số sẽ chia sẻ về chất lượng là sự tự kiểm soát thành thật của họa sĩ. Tác phẩm nghệ thuật mà không bao giờ rời khỏi studio trước khi tự bản thân họa sĩ cảm thấy mình tự hào và sẵn sàng để giới thiệu hay để bán. Và hiểu rằng về bản chất một tác phẩm có chất lượng tốt sẽ luôn đứng vững theo thời gian và người chơi tranh sẽ mua nó và không cần vội vàng. Ranh giới để nhận biết không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra, ngay cả đối với một người trong giới nghệ thuật để phân biệt sự tìm tòi khám phá nghệ thuật với sự thỏa hiệp thương mại.

Việc hiểu biết phiến diện sẽ để lại hậu quả tiêu cực cho cả họa sĩ và thị trường nghệ thuật non trẻ. Việt Nam đã từng trải qua một giai đoạn bùng nổ thập niên 1990 sau đó là một thời kỳ trầm lắng mất niềm tin của giới chơi tranh quốc tế và cả các nhà đấu giá quốc tế với tranh đương đại của Việt Nam. Bài học vẫn còn nguyên vẹn cho tầm nhìn hạn hẹp.

Ta đang trong giai đoạn sơ khai và nhiều hệ lụy của những sai lầm căn bản trong quá khứ mà giải quyết được có lẽ thời gian tính bằng thế hệ như nạn tranh giả. Sự tự sao chép hay dễ dãi của các họa sĩ có chút danh tiếng sẽ gần như chắc chắn xảy ra một lần nữa với sự cám dỗ đáp ứng nhu cầu làn sóng người chơi mới Việt Nam đang háo hức.

Chúng ta vẫn trong thị trường nghệ thuật quá độ. Còn thiếu các thành tố quan trọng của một nền mỹ thuật trưởng thành. Để duy trì được sự bình ổn lâu dài của thị trường mỹ thuật với những tác phẩm hay, chất lượng không thể bằng sự kêu gọi nghệ sĩ. Đừng nghĩ ngắn hạn nữa hay người chơi tranh hãy tự mình thẩm định chất lượng mà đó là việc quá sức đối nhiều người chỉ vừa bắt đầu làm quen với việc chơi tranh. Cũng như đòi hỏi sự tự giác với nghệ sĩ khi tranh "dễ dãi" vẫn đang được săn đón. Nó cần các cơ chế ràng buộc, thúc đẩy thị trường nghệ thuật minh bạch vừa phản biện tự nhiên bởi các hoạt động cốt lõi”.

Việt Quỳnh (thực hiện)