Bao đêm ta theo về
Nhà thơ Từ Ngàn Phố tên thật là Nguyễn Tuấn, tuổi Quý Tỵ (1953). Ông sinh ra và lớn lên ở thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nhưng quê gốc lại ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Số là hồi trước, cha ông “lặn lội” rời quê nhà để lên làm ăn trên “non nước Cao Bằng”, ở nơi biên viễn xa xôi này người đàn ông Xứ Đông đã bén duyên với một cô gái bản. Nguyễn Tuấn ra đời với dòng máu Tày của người mẹ. Có lẽ bởi thế và cũng bởi là nơi chôn núm nhau của mình nên Nguyễn Tuấn nhận mình là “trai Tày Trùng Khánh”.
Thuở thiếu thời anh trai Tày Trùng Khánh khá nổi bật trong lớp bởi nước da trắng hồng, gương mặt điển trai, chơi ghi ta cừ và học môn nào cũng giỏi. Từng là học sinh giỏi văn của trường cấp 3 Trùng Khánh nhưng học xong phổ thông Nguyễn Tuấn lại thi và đỗ vào khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng vì một lý do nào đó nên giấy báo trúng tuyển của người trai Tày Trùng Khánh này lại bị thất lạc. Vậy là Nguyễn Tuấn nhập ngũ, đó là năm 1971.
Nguyễn Tuấn được chọn đi học lái xe tăng và thật tình cờ trong “kíp” học viên lái xe tăng ấy có chàng sinh viên người Quảng Bình tên là Nguyễn Thế Tường, họ quen biết nhau và chơi với nhau. Nhà văn Nguyễn Thế Tường kể vui rằng: “Dạo đó trường lái tăng đóng dưới chân Tam Đảo (Vĩnh Phúc), vào những ngày quang trời cánh lính trẻ trông lên dãy núi dập dờn mây bay mà cao hứng làm thơ. Có hôm tôi đọc cho Nguyễn Tuấn nghe bài thơ mình mới viết.
Tôi “tự tin” lắm bởi gì thì gì mình cũng đã học năm thứ hai khoa Văn Tổng hợp. Tuấn chăm chú lắng nghe, nghe xong hắn phán một câu “Ông đừng làm thơ nữa”. Năm mươi năm trôi qua tôi vẫn thấy lời hắn phán là đúng”. Đấy là nói vui thế thôi chứ hồi đó tất cả đều trẻ trung và sôi nổi nên chỉ lấy việc học lái xe tăng làm “vui” chứ có ngờ đâu hai mươi năm sau anh lính lái xe tăng Nguyễn Thế Tường trở thành nhà văn với “Hồi ức của một binh nhì” vô cùng ấn tượng. Và Nguyễn Tuấn trở thành nhà thơ Từ Ngàn Phố gần như dành trọn những sáng tác của mình (thơ và ca khúc) cho mảnh đất sinh thành ra mình “Cao Bằng/ bao đêm ta theo về cùng người” (Quà tặng).
Ngồi nói chuyện với tôi trong ngôi nhà của mình ở Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông mà “ông nhà thơ tuổi bảy mươi”, có mái tóc trắng dài buộc túm phía sau gáy, cứ câu trước câu sau là nhắc tới Cao Bằng, nhắc về Trùng Khánh với bao kỷ niệm cùng bao suy ngẫm.
Theo như câu chuyện của nhà thơ Từ Ngàn Phố thì Trùng Khánh cũng là vùng đất cổ xưa với những địa danh đã đi vào thơ ca, lịch sử như thị trấn Cô Sầu (nay là thị trấn Trùng Khánh), chợ Bản Rạ, chợ Thông Huề, làng rèn dao Phúc Sen, thác Bản Giốc. Nếu tới thăm Trùng Khánh sẽ thấy nơi này vẫn giữ được nhiều nét văn hóa mang đặc trưng với những ngôi nhà sàn cổ được xây bằng đá xanh, lợp ngói âm dương.
Nghe “anh trai Tày Trùng Khánh” kể sơ sơ như vậy tôi đã muốn thèm được tới. Thảo nào trong thơ và gần đây là trong ca khúc của mình Từ Ngàn Phố đã dành nhiều lời đẹp đẽ để nói về “quê” của mình. Chẳng hạn như: “Ơi cố nhân, ơi cố hương/ cối gạo nước nện từng chày nuôi ta khôn lớn/ những ngôi nhà, những tảng đá gan lì” (Cao Bằng nhớ). Hay như: “ôi quê hương núi ngồi, thác đứng/ quê hương gạo trắng nước trong…quê hương có tiếng cười/ có nỗi buồn âm âm trán đá” (Thư gửi mẹ).
Chuyện trở thành nhà thơ của Nguyễn Tuấn cũng “khéo lắm thay” cứ như số phận đã định ấy. Vừa học xong lái xe tăng, chưa kịp ngồi vào buồng lái để “Trước quân thù chỉ biết có tiến công” (Năm anh em trên một chiếc xe tăng - Hữu Thỉnh) thì Nguyễn Tuấn được Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp cho vào học lớp viết văn do Binh chủng mở.
Chẳng là khi đó (năm 1973) anh đã có thơ đăng ở Bản tin Thiết giáp và nhất là bài thơ “Tre tuổi thơ” được in trên báo Văn nghệ. Nhà thơ Từ Ngàn Phố vẫn không giấu được vẻ xúc động về bài thơ này, ông cho biết viết xong bài thơ thì gửi bưu điện đến báo Văn nghệ với hy vọng nhỏ nhoi là được các nhà thơ ở báo “để mắt đọc tới” là tốt lắm rồi, chứ đâu ngờ bài thơ đã được nhà thơ Xuân Quỳnh biên tập và đưa in.
Học xong lớp viết văn của Binh chủng thì Nguyễn Tuấn được điều về Bản tin Thiết giáp, ở đó đã có họa sĩ Lê Trí Dũng giữ mảng trình bày. Rồi cứ túc tắc làm thơ, làm báo ở Binh chủng được ví là “quả đấm thép” cho đến năm 1976 thì Nguyễn Tuấn rời quân ngũ.
Nhưng trước đó như là một sự tình cờ có sắp đặt, anh lính trẻ Nguyễn Tuấn được chọn vào Tổ viết văn của Binh chủng. Tổ này do Trung uý Nguyễn Hữu Thỉnh (nhà thơ Hữu Thỉnh) phụ trách. Được học hỏi nhiều từ những người đi trước và nhất là được “ra trận” để rèn luyện. Số là năm 1974 Tổ viết văn được đi thực tế ở chiến trường Quảng Trị, ở đây Nguyễn Tuấn đã viết bài bút ký “Nghiền nát cửa phía tây” khá chân thực. Bài bút ký ấy sau này được đưa vào tập “Theo vết xích xe tăng” của Binh chủng.
Cái tên “Từ Ngàn Phố” xuất hiện lần đầu với bài thơ “Ngựa Gióng lại về” với những câu: “Nước mình nhọn núi, tròn đồi/ mặt sông thì trắng, da trời thì xanh” viết tháng 5 năm 1979 và in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội cuối năm đó.
Vậy là bút danh Từ Ngàn Phố ra đời từ đấy và “xuyên suốt” cuộc đời thơ của Nguyễn Tuấn. Hỏi dò mãi nhà thơ Từ Ngàn Phố mới cho hay “Quê tôi toàn núi với rừng. Chữ “ngàn” nghĩa là rừng núi. Từ Ngàn Phố là “Từ phố (thị trấn Trùng Khánh) rừng xuống”.
Tốt nghiệp khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp và với cái tên Từ Ngàn Phố là những bài thơ cứ lần lượt trình làng. Viết thong thả nên mãi tới năm 1995 Từ Ngàn Phố mới cho ra mắt tập thơ đầu tay của mình. Đó là tập “Anh vẫn học cách yêu của cô” do NXB Lao động ấn hành. Cho đến năm 2009 tập thơ thứ hai mang tên là “Trán đá” mới được NXB Hội Nhà văn cho ra mắt.
Chủ đạo vẫn là thế, vẫn là quê hương Cao Bằng với những trăn trở, nghĩ suy và lặng sâu tình nghĩa. Từ Ngàn Phố đã viết “quê hương/ có tuổi thơ/ tóc vò rối nắng/ mặc quần tiên đi tắm suối tiên” (Thư gửi mẹ). Hay “Sông Bằng một chiều im song/ bến đá bầy trăng xuống tắm/ nước trong thấy cả hồn mình” (Sông Bằng). Và “còn đây/ bến sông xưa/ bậc đá ngày xưa/ dòng sông vẫn ứa nước đôi bờ” (Bến xưa).
Rồi Từ Ngàn Phố đến với âm nhạc bằng việc sáng tác ca khúc. Tác phẩm âm nhạc đầu tiên là ông tự phổ nhạc bài thơ “Lời nhắn gửi từ những đài hương” của mình thành bài hát cùng tên. (Nhạc sĩ Lê Trung Tín về sau cũng đã phổ nhạc bài thơ này thành ca khúc cũng mang tên bài thơ). Thế là từ năm 2011 đến nay “nhạc sĩ trẻ” Từ Ngàn Phố đã lần lượt cho ra đời hơn 30 ca khúc. Khi thì phổ thơ của bạn thơ, lúc thì phổ thơ mình và có lần viết lời cho bài hát mà mình viết nhạc.
Nghe cũng hơi “là lạ” nên tôi vội hỏi “Bác học sáng tác nhạc từ khi nào?”. Nhà thơ Từ Ngàn Phố cười cho hay “Học ké. Học lỏm và tự học thôi”. Hóa ra hồi năm 1973 khi anh lính tăng trẻ tuổi Nguyễn Tuấn được chọn vào học lớp viết văn do nhà văn Xuân Thiều chỉ giáo, anh đã “viết lời hộ” cho các học viên của lớp sáng tác ca khúc được mở song hành. Nhạc sĩ Trọng Loan, thầy hướng dẫn cho lớp ca khúc, mấy bận gặp Nguyễn Tuấn để cùng trao đổi việc viết lời bài hát. Anh đã sang bên lớp sáng tác ca khúc để nghe nhờ và lặng lẽ học theo. Tích luỹ mãi những gần bốn mươi năm mới “thử sức” sáng tác bài hát.
Cũng như thơ, các ca khúc của nhà thơ Từ Ngàn Phố cũng nghiêng nhiều về quê hương yêu dấu. Đó là các bài như: “Thác Bản Giốc cây đàn trời tặng”, “Người ơi về Cao Bằng”, “Ngọt trên môi hai tiếng Việt Nam”, “Bài hát ru hoa sen”, “Chiều mơ thu”, “Bến thu”…
Nhà thơ Từ Ngàn Phố tâm sự: “Cũng như thơ, bài hát muốn hay cần phải có tứ. Tứ là hồn của tác phẩm”. Tôi gật đầu đồng ý bởi như bài hát “Thác Bản Giốc cây đàn trời tặng” là ví dụ. Trước nay thác Bản Giốc rất “bắt mắt” với nhiếp ảnh nhưng với âm nhạc thì hình như chưa?
Để viết bài hát này Từ Ngàn Phố đã “trăn trở” rất lâu và ông đã “nhận thấy” ngọn thác đẹp tựa tranh này chính là cây đàn trời tặng cho đất và người Cao Bằng: “Bản Giốc đỉnh thác mây đêm ngày buông tiếng đàn trời/ Gọi con công đến múa, gọi con trăng sáng rừng, gọi trai gái trao tình, hát khúc Hà Lều ngả nghiêng say”…