Tháng chín về đồng
Tôi vẫn gọi cánh đồng mình là cánh đồng thơm. Bởi vì mỗi mùa đều có một mùi vị riêng. Mùi ngô nếp nơi những chân ruộng cao, mùi lá mạ, mùi bùn non, mùi đòng đòng và sau đó là mùi lúa chín. Những hình ảnh bình dị đó thắp cho tôi ước vọng, xuất hiện trong những bài viết nho nhỏ của tôi...
1.Tháng chín, những cơn gió rong chơi rủ tôi ra đồng. Gió cùng ngắm đồng lúa xanh ngút ngát và trong tôi chợt vang lên lời hát của thời tuổi trẻ mình. Phía chân đê, cây phượng vĩ đang khéo tán, đứng làm chứng nhân cho bức tranh nhiều diệp lục và những học sinh chăm ngoan mới bước vào năm học. Thời các chị gái tôi học cấp III, chẳng năm học mới nào lại không cùng bạn bè đứng dưới gốc, thắp những ước mơ đỗ đạt, được đi học xa. Chị cả tôi mơ làm bác sĩ và chị thành công, rồi chị lấy chồng. Chị thứ hai thắp ước mơ làm cô giáo, mang tri thức đến gieo trong đời, chị thành công. Chị Hân con bác cả khát vọng trở thành một nhà văn.
Còn tôi, ước mơ gì đây? Tôi nhờ gió nói giùm. Gió à, có lẽ tôi sẽ trở thành một nhà văn, sáng tác ra những áng thơ văn làm đẹp cho đời. Bởi tôi và chị con bác cả có nhiều suy nghĩ giống nhau, sẵn sàng ngồi hàng giờ trên thả hồn, trầm tư ngẫm nghĩ về một điều gì đó giản dị. Như hạt sương, cơn gió hay cánh chim chấp chới trên nền trời. Tôi thích viết về tất cả những gì mình nghĩ và cảm nhận được. Phượng vĩ có thắp sáng ước mơ tôi như thắp cho chị? Tôi đi về phía gốc phượng vĩ, thốt lên nỗi niềm. Phượng vĩ xạo xào, như muốn nói: Ai cũng có con đường, ước mơ, hãy làm những gì mình thấy hứng thú nhất.
Tôi vẫn gọi cánh đồng mình là cánh đồng thơm. Bởi vì mỗi mùa đều có một mùi vị riêng. Mùi ngô nếp nơi những chân ruộng cao, mùi lá mạ, mùi bùn non, mùi đòng đòng và sau đó là mùi lúa chín. Những hình ảnh bình dị đó thắp cho tôi ước vọng, xuất hiện trong những bài viết nho nhỏ của tôi. Bao đời qua những thứ giản dị đó luôn nuôi nấng cảm xúc, nghị lực và niềm vui các thế hệ trong làng. Để rồi họ làm ra cơm gạo. Các bà, các mẹ tự nhận mình là những con cò, con én trên đồng xa, cần mẫn chăm cho đồng, và cho những cuộc đời. Có lần, tôi thưa với mẹ:
- Bà và mẹ là những con én có phép màu.
- Phép màu thế nào? - Mẹ hỏi. Tôi ngộ nghĩnh trả lời:
- Vì mẹ, bà và rất nhiều người đã làm cho cánh đồng không bao giờ hết màu xanh, không bao giờ thôi tỏa thơm.
Mẹ gõ gõ yêu thương ngón tay vào đầu tôi, cười:
- Con có tư chất của một… ông cụ non.
Dẫu thế nào, điều đó khiến tôi vui vô cùng. Có thể sau này tôi đi xa, không được lên đồng thơm mỗi ngày, không có điều kiện nhìn mạ non mới lên, nhìn lúa chín, nhưng chẳng bao giờ tôi quên vị ngọt đồng làng.
2.Về đồng, tôi cũng được gặp tiếng chuông nhà thờ, vang lên từ cung thánh đường giữa làng tôi. Ngày nào xóm đạo chẳng văng vẳng hồi kinh cầu nguyện. Mỗi đứa trẻ làng tôi đều có một đức tin sốt sắng vào Đấng thần linh và ngay từ nhỏ đã được sống chan hòa, tắm đẫm không khí thánh đường với những lời ca uy nghiêm.
Ở tuổi thiếu niên, đứa nào cũng khao khát nhập vào đoàn Thiếu nhi thánh thể, lớn lên muốn nhập Ca đoàn, sống trong nguyện cầu, trong những bài thánh ca âm vang tinh khiết. Từ những lời hát thấm nhuần trong trái tim, mỗi đứa đều được thắp lên một khát vọng bay cao, bay xa. Và thế là, giới trẻ ngày càng học tập tiến bộ, học đại học, mang cả tiếng chuông, niềm tin bước vào đời.
Làng tôi có cây gạo trăm năm vươn cao sừng sững, cùng với tháp chuông nhà thờ vừa là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, vừa là biểu tượng của đức tin và khát vọng. Dáng trầm tư nghiêm ngắn rêu phong của tháp chuông, kết hợp với sức vóc cổ thụ trăm năm với thân vỏ sần sùi hứng chịu mưa nắng, tạo nên một kết hợp hài hòa đến khó tả.
Tôi yêu cảnh đẹp quê mình, yêu tiếng chuông thiêng liêng vang ngân. Trong tình yêu ấy, sự mầu nhiệm đã lan tỏa để tôi yêu đồng loại mình, sống và làm việc sốt sắng. Ngay cả trong dòng chảy mưu sinh ồn ã, tiếng chuông trong tâm hồn thỉnh nhắc. Nếu tôi lạc đường, nó gần gũi và làm tỉnh thức. Nếu tôi quên, nó nhắc nhở và sẻ chia. Nếu tôi yếu đuối, nó động viên và khích lệ. Nếu tôi chùn bước, tiếng chuông xoa dịu và đỡ nâng. Ôi tiếng chuông diễm tuyệt đang vào mùa vọng. Tiếng chuông đã làm hội tụ biết bao nhiêu tâm hồn con chiên ngoan đạo về hội tụ trong ngôi thánh đường. Tiếng chuông đã hộ phù cho hàng ngàn đứa con đi xa, hàng ngàn trái tim đã từng yếu đuối, không vững dạ.
Và chắc hẳn, rất nhiều người con làng tôi cũng mang tâm trạng như thế, từng ôm những vết thương để về nghe lại tiếng chuông trong tâm hồn mình, tiếng chuông của tuổi thơ ngay ngôi thánh đường mà mình được kết nạp vào đoàn chiên. Khi đi hết tiếng chuông, tôi đã quỳ gối trước Chúa để cầu xin. Bao nhiêu cổ thụ đã bạc đầu, bao nhiêu cụ già chân yếu chậm chạp vẫn chống gậy men theo miền chuông reo để về thánh đường.
Tận sâu trong miền quá vãng, tâm tưởng tôi đã nhiệt thành một niềm tin. Và khi mùa Giáng sinh về, năm nào tôi cũng trở về quê mình để tìm lại những điều đã cũ, rất cũ nhưng không thể nào tìm được trong dòng chảy vô định của thời gian và không gian bao la ngoài kia. Ở đó rất khó tìm thấy sự bình an, nhưng trong tiếng chuông và hồi kinh thì có, rất nhiều. Bởi thế tôi không thể nào ác được, ít nhất là với bản thân mình.
3.Về đồng tháng chín, nhiều người cũng thấm thía một cảm giác chống chếnh man mác. Cảm giác như đó là một sự giã đám của bữa tiệc hương thơm và màu sắc. Cuối mùa sen sao mà ngập nỗi xác xao! Trước đó, cữ đầu hạ, và trong tiết hạ chí, hoa sen cứ thanh tao như tuổi thiếu nữ, những đường cong bung nở, sự hấp dẫn tươi non trên từng gân lá. Người người ước ao. Những đầm sen quê mùa gối ở ven sông, hay một góc đồng.
Cũng có khi là ngự ở đầu làng, bên cạnh có con đường cây lá xanh rì rào. Sự kết hợp trữ tình của đầm sen, sự mướt mát của nước, sự tươi non của lúa non, đã làm nên sắc thơ và sắc đẹp của ngôi làng. Hoa như biết nói. Hoa chúm chím như thể chuẩn bị diễn xuất ngôn từ. Gió cũng thì thào gió thổi. Nay trời ngả sang khúc sau của mùa thu, hương thơm đâu rồi nhỉ? Hay đang quyện với muôn nỗi lo toan nhọc nhằn của cuộc sống?
Không, dường như linh hồn của hoa vẫn còn đọng lại ở đâu đó, nơi những tâm hồn nào đó, để hẹn mùa sau, lại nảy nở làm sinh khí cho đầm ao và cho những đời người. Người trồng sen càng nho nhã thanh tao thì đầm sen càng trở nên đẹp đẽ.
Làng tôi có hai người như thế, cấy sen để một đầm nở rộ vào đầu hè, một rộ vào giữa hè. Họ có thú vui đánh cờ, thưởng thức gió và người ngoài nhìn vào thấy họ thảnh thơi như bậc tiên ông chốn bồng lai tiên cảnh. Nhưng thực ra, họ chính là những lão nông tri điền. Cả hai yêu sen, yêu những cánh đồng quê mình, nhưng chẳng ai có thể làm sen rộ vào mùa thu. Đúng như là một quy luật, không ai có thể cưỡng lại được mùa màng, cũng chẳng thể làm thay đổi được tuổi tác. Tuổi già nua ầm ập đến, chẳng đợi và chẳng chờ ai.
Có lẽ, nắm bắt được những quy luật ấy, nên các ông phó mặc đầm sen cho thu tàn tạ. Những tàu lá già nua đến xác xơ. Nhiều tàu lá đã ngả màu đen. Bao cuống lá cong queo vô hồn. Chỉ còn sót lại chút ít những tàu lá nhỏ, và những bông sen lác đác vừa kịp bung ra từ bùn nước. Ở đó có một cảm giác khiến người ta chênh chao, nhưng cũng có hơi hướng tiếc nuối.
Tôi đã đến nhiều cánh đồng ở các làng quê khác nhau, gặp những đầm sen người chủ tát đầm thu hoạch cá. Những cọng sen bị vạt đi, xơ xác tội nghiệp. Chỉ còn lại hiếm hoi lắm, một vài bông hoa cố nở, như tấm lòng trung trinh của người con gái trong sự tích hoa sen, dù bị vùi trong vũng bùn vẫn giữ tấm lòng thủy chung son sắt đợi người yêu.
Ở thời hiện đại, nhìn vào đó người ta vẫn còn hy vọng vào những điều tốt đẹp nảy nở trong gian khó. Sen vốn được mệnh là loài hoa kiên trung đã lẫm liệt vươn lên giữa chốn bùn lầy. Thì cuộc sống là vậy, con người như sen, ai rồi cũng đến cuối mùa như bao loài hoa từng đẹp rồi về cuối mùa nhan sắc. Đó là một quy luật muôn đời không thể cưỡng.
Nhưng loài sen đã cho chúng ta bài học về sự tận hiến và sống đẹp giữa cuộc đời. Hy vọng trong những năm tháng đang tỏa hương, mỗi con người biết nhân lên những giá trị, theo cách của mình để cuộc đời tràn ngập hương thơm.