‘Giữ lửa’ rối Tế Tiêu

NGUYỄN MINH HOA 19/09/2022 09:18

Cho dẫu đã có Nhà hát Múa rối Trung ương thì nghệ sĩ của những phường rối vẫn ung dung với địa bàn của mình. Tôi muốn nói về phường rối Tế Tiêu - Hà Tây cũ nay là phường rối Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội - một phường rối còn duy trì song song được cả rối nước và rối cạn.

Thổi hồn cho quân rối.

Ông Lê Văn Lung- Trưởng ban Văn hóa thông tin thị trấn Đại Nghĩa, kiêm phó phường rối Tế Tiêu nhớ lại: Phường rối này được thành lập đã mấy trăm năm, trải qua chặng chiến tranh những tưởng đã mai một. Con rối mất, người trong phường loạn lạc, thảng hoặc người ta mới nhắc đến rối, rồi đói kém, ăn chẳng đủ, nói gì đến chơi…

Thế nhưng, không phải nghề mà là nghiệp, không chịu nhìn phường rối nổi tiếng cả tổng, cả vùng này chết lụi, năm 1957 ông Lê Năng Nhượng đã đứng lên khôi phục phường. Ông Nhượng thực sự là một nghệ sĩ của làng, người già ai cũng biết tiếng ông, một diễn viên xiếc đi guốc trên dây, một người mê rối và dốc lòng cho rối. Bằng uy tín của mình và sẵn vốn của làng nên anh chị em lại tập hợp duy trì phường rối của làng mình từ những năm đó. Tính đến nay đã 65 năm.

Thổ mộc là nghề, bắt đầu lại từ những con rối, từ ông quản trò già uy tín khác hẳn những phường rối khác, thường thì quản trò là chú Tễu. Những lời hát theo nhau về từ kí ức. Ông và anh chị em hì hụi ngồi biên lại và cũng rất may như được sự phù trợ của tiền nhân, mọi điều còn cả.

Phường rối Tế Tiêu có đủ tích trò cho cả rối nước, lẫn rối cạn và tiếng tăm xa gần biết đến. Thế mạnh của phường rối Tế Tiêu là rối cạn thì càng phải đầu tư. Những gì thuộc phần việc của nam thì đục đẽo, những gì cần bàn tay khéo léo của các bà và cánh chị em thì ai lại việc nấy, khâu váy áo, thêu thùa thì tay các bà bao giờ cũng khéo hơn.

Và thế là từ hơn 60 năm trước phường rối Tế Tiêu đã được hồi sinh. Những đêm trăng sáng, hay những khi nông nhàn người già người trẻ lại tập hợp nhau từ âm nhạc cho đến lời ca, lời thoại, như xưa mà lại khác xưa, cổ kim chan hòa. Thù lao không có, ngay cả dứt việc nhà đi tập cũng khó, thế nhưng đã quyết phải thành, rối cạn, rối nước Tế Tiêu lại vang danh trong vùng, tiếng theo người, theo xe đi tận tổng xa.

Những quân rối Tế Tiêu được du khách nước ngoài yêu thích.

Khi cụ Nhượng về trời, truyền nhân của cụ là ông Phạm Văn Bể, tiếp nhận phường rối trong thời điểm kinh tế thị trường mở, phim ảnh nhiều, ti vi đã có khắp làng. Nhưng ông Bể và anh chị em trong phường vẫn không bỏ cuộc. Tích trò hay, ý nghĩa, lời hát ngọt mà con rối dưới nước kia, đèn rọi… hồn vía làng xã, hồn cốt dân tộc là đây chứ đâu.

Thời chiến tranh, lại bao cấp khó khăn thế còn duy trì được nữa là giờ đây kinh tế khá hơn nhiều, hội làng đã mở lại đông vui. Ai bảo bụt chùa nhà không thiêng là nói sai, cả làng này rồi những làng xã lân cận hóng rối Tế Tiêu, đó chính là động lực để phường rối bước đi. Những tích trò rối cạn nổi tiếng bao người nhớ như: Vở tuồng “Sơn Hậu” (trích đoạn "Chém Tá"), vở “Tam anh kết nghĩa vườn đào”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”… luôn được coi là “vốn liếng” của phường rối.

Chặng sau này, kịch bản bao giờ cũng là vấn đề, cả phường lo, ông Bể lại trăn trở toan tính sao cho có những vở diễn mang hơi thở cuộc sống, chuyện ở làng xã này, chuyển tải những dụng ý vừa răn dạy vừa góp phần tuyên truyền đổi mới, phát triển xây dựng quê hương. Những tích trò rối nước: “Ông lão giáo đầu”, “Đi cấy đi cày”, “Xóm Chải đoàn kết”, “Dê gấu qua cầu”… đã phần nào đáp ứng được yêu cầu và được bà con đón nhận. Điều đó đã khích lệ tinh thần anh chị em nghệ sĩ trong phường.

Năm 2008 ông Bể vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”. Đây cũng là chặng đánh dấu rối cạn, rối nước Tế Tiêu đã trụ vững trên sân khấu xa gần. Và rồi khi văn hóa truyền thống được quan tâm, tôn vinh những giá trị quý báu, cùng với những phường rối khác, phường rối Tế Tiêu được quan tâm hơn về mặt tinh thần. Anh chị em phấn khởi vô cùng đều hăng say làm việc để có thời gian, có kinh tế gia đình vững, yên tâm theo đuổi đam mê của mình.

Những kịch bản mới với nội dung bám sát cuộc sống luôn được bổ sung như: “Lỗi tại anh, lỗi tại tôi”, “An toàn giao thông”... Với thế hệ trẻ, còn đang đi học thì các tích trò gắn với trang sách giáo khoa như: “Thạch Sanh”, “Trí Khôn của ta đây” cũng được dàn dựng và các em học sinh của địa phương được tới xem miễn phí. Vừa là bài học được thể hiện sinh động vừa là từ đây các em biết tự hào về quê hương mình với vốn truyền thống văn hóa quý báu được gìn giữ, lưu truyền.

Năm 2001 được chính quyền hỗ trợ quỹ đất, quỹ Ford tài trợ thủy đình phường rối Tế Tiêu đã được xây dựng, là niềm vui của cả mấy thế hệ nghệ sĩ của phường rối và nhân dân địa phương. Thủy đình đã nhanh chóng đón khách xa gần về thưởng thức “đặc sản” rối Tế Tiêu và tìm hiểu nghiên cứu quá trình tạo hình, luyện tập và biểu diễn bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Phường rối Tế Tiêu có thủy đình, có cơ sở để sinh hoạt, là một dấu mốc quan trọng song với sự phát triển vô cùng mạnh của Internet và các loại hình nghệ thuật, giải trí vô cùng phong phú nên vấn đề thu hút khách cũng lại là một thách thức lớn. Vẫn là vốn liếng các cụ để lại, rối cạn là thế mạnh, phải gìn giữ bản sắc truyền thống không lai tạp… đó là sự lựa chọn thống nhất của cụ Bể và anh chị em trong phường rối.

Cụ Bể về trời năm 2016 ở tuổi 92, chức trưởng phường được giao lại cho con trai thứ 9 là anh Phạm Văn Bằng. Sẵn niềm đam mê, lại lớn lên cùng phường rối làng, không phụ niềm tin của các bậc cha chú, anh Bằng đã từng bước phát triển phường rối Tế Tiêu trong bối cảnh mới nhưng vẫn nằm lòng con đường cha đã chọn. Năm 2019 anh đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, với thành tích đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Kiên trì nhưng không có nghĩa là không đổi mới, với hơn 100 vở diễn và các tích trò với những đề tài phong phú, rối Tế Tiêu thực sự đã có chỗ đứng trong làng rối Việt và là địa chỉ thu hút giới nghiên cứu về với một phường rối còn nhiều nét “nguyên bản, hồn nhiên, thuần khiết”.

Rất khác với những phường hội khác, phường rối với hoạt động đặc thù mỗi người là một mắt xích nối liền để tạo nên sự vận nên ai cũng phải tuân thủ những niêm luật của phường. Thời gian trên sân khấu khoảng 30 – 45 phút để người xem thực sự bị lôi cuốn thì người nghệ sĩ cũng phải diễn thật phiêu. Đây là sự hóa thân của người nghệ sĩ vào từng quân rối. Người cho quân rối vận động thuần thục, người cho quân rối tiếng hát lời ca, cho câu nói, nét cười, người xem ngắm nhìn và bị cuốn theo tích trò, rồi người xem lại nhìn đôn đáo ra xa, ra xung quanh xem “họ” giấu mặt nơi nào sao mà tài đến thế.

Rất nhiều lần diễn xong khách Tây, khách ta chờ bằng được để xem mặt nghệ nhân, nghệ sĩ và hỏi mua bằng được quân rối. Khó nói quá! Quân rối diễn đã mang hồn vía của nhân vật ai lại bán… Nhưng đây cũng là gợi ý cho việc “nuôi phường rối”. Nghề trong tay, sản xuất nhiều lên khó gì và người trong phường cũng có thêm việc làm và thu nhập từ công việc bán những con rối kỷ niệm.

Hữu xạ tự nhiên hương, phường rối Tế Tiêu giờ có thể nói là có việc quanh năm và bận theo mùa, theo vụ diễn. Ví như từ độ tháng 8 âm cho đến Tết ta và những tháng xuân là những tích trò… của rối nước, rối cạn lại tưng bừng. Và một lần nữa danh Rối Tế Tiêu lại nức tiếng xa gần.

NGUYỄN MINH HOA