Trải rộng tấm lưới an sinh thông qua mở rộng người tham gia bảo hiểm y tế
Đây là khẳng định của ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hậu Giang khi chia sẻ mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc mở rộng độ bao phủ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
PV: Thưa ông, được biết mới đây HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ( Nghị quyết số 10) về quy định chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ mức đóng BHYT giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ mức đóng BHYT cho nhiều đối tượng, ông có thể nói rõ hơn về chính sách này?
Ông Trần Văn Huyến: Theo Nghị quyết số 10, sẽ trích ngân sách địa phương để hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng khi tham gia BHYT. Cụ thể: Người thuộc hộ gia đình nghèo mới thoát nghèo; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình thuộc các trường hợp: Người trong độ tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, người có bệnh mãn tính,… Một điểm đáng lưu ý là những người dân thuộc khu vực được công nhận là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, nhưng hiện nay không còn được công nhận theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ tham gia BHYT.
Không riêng Hậu Giang mà ở nhiều địa phương khác ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế tại địa phương, trong bối cảnh khó khăn như vậy vì sao tỉnh vẫn dành kinh phí để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT thưa ông?
Sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 đã tác động phần nào tới sự tăng trưởng, song với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đã đạt kết quả khả quan. Kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đa số các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; kinh tế tăng trưởng dương 3,08% (đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long và cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của toàn vùng); trong đó khu vực I (nông - lâm - thủy sản) tăng trưởng 4,03%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây; GRDP bình quân đầu người tăng 4,92% so với cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%, đứng đầu khu vực ĐBSCL, đứng thứ 8 cả nước; khu vực I tăng 4,49%. Cao nhất từ trước đến nay.
Song song với phát triển kinh tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, bên cạnh việc chăm lo cho đối tượng Người có công, đối tượng trợ giúp xã hội,… công tác tạo việc làm, giảm nghèo được tỉnh dành nhiều nguồn lực cũng như nhân lực. Mặc dù đạt được kết quả trên (theo thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh mới năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh có 12.989 hộ nghèo và 7.840 hộ cận nghèo. Đây là thách thức rất lớn trong công tác giảm nghèo bền vững. Nhận thấy, việc mở rộng người tham gia BHYT là “chìa khóa” tạo nền tảng an sinh vững chắc cho người dân trong tương lai, bên cạnh những chính sách hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất, vốn cho người nghèo, cận nghèo, yếu thế, người dân vùng khó khăn,… tỉnh đã quyết định dành ngân sách địa phương hỗ trợ người dân tham gia BHYT.
Như ông đã nói, việc mở rộng người tham gia BHYT là “chìa khóa” tạo nền tảng an sinh vững chắc cho người dân, thời gian tới tỉnh sẽ có những giải pháp thế nào để mở rộng độ bao phủ BHYT thưa ông?
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” Hậu Giang luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Trong đó, việc phát triển chính sách BHYT trở thành mục tiêu song hành với phát triển kinh tế. Đến nay, tỉnh Hậu Giang có trên 600.000 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm gần 83% dân số; đã đảm bảo quyền lợi cho hơn 608.000 lượt khám, chữa bệnh BHYT, với tổng số tiền trên 310 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu độ bao phủ tham gia BHYT đạt 92,81% vào cuối năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc triển khai, quán triệt đầy đủ các chính sách, quy định của Trung ương về BHYT. Đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh đến người dân, để mọi người biết chính sách hỗ trợ của tỉnh; từ đó, tích cực tham gia để tăng nhanh diện bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.
Cùng với chính sách hỗ trợ và tuyên truyền, yếu tố quyết định để mở rộng độ bao phủ BHYT chính là chất lượng phục vụ, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho người dân. Chính vì vậy, BHXH tỉnh cần chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ BHXH, BHYT, trong việc phát triển người tham gia, giải quyết đầy đủ, kịp thời và đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia. Song song đó, Ngành Y tế tỉnh cần có lộ trình nâng cao về cơ sở, trang thiết bị khám, chữa bệnh; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ, y đức trong KCB cho người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang: Động lực để mở rộng độ bao phủ tham gia Bảo hiểm y tế
Bước vào năm 2022 với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau đặc biệt là những chính sách trợ giúp xã hội, an sinh xã hội cho người dân. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu đến cuối năm phấn đấu nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 92,81% dân số theo chỉ tiêu bao phủ BHYT của Thủ tướng Chính phủ. Để hiện thực hóa quyết tâm này, Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quy định chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2022 - 2025 (Nghị quyết số 10) được ban hành; theo đó, rất nhiều đối tượng đã được hỗ trợ khi tham gia BHYT. Sự hỗ trợ này rất kịp thời bởi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh có rất nhiều người không thuộc diện hỗ trợ điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc mở rộng độ bao phủ tham gia BHYT cũng như công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhận thấy ý nghĩa rất lớn Nghị quyết số 10 đem lại ngay khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, BHXH tỉnh đã đồng loạt ra quân thực hiện tuyên truyền chính sách để người dân biết từ đó tiếp tục tham gia BHYT. Và chỉ sau hơn 1 tháng khi Nghị quyết số 10 chính thức có hiệu lực, số người tiếp tục tham gia BHYT đã tăng. Điều này cho thấy, hiệu quả chính sách đem lại rất lớn, đây cũng là động lực để BHXH tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà tỉnh cũng như BHXH Việt Nam giao.
Bà Dương Thị Nhân ở khu vực 5, phường III, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang
Gia đình tôi vốn được cấp thẻ tuy nhiên từ ngày 01/7/2021 thực hiện theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thì địa phương không còn được công nhận là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân không còn được cấp thẻ BHYT như trước. Điều này đồng nghĩa với việc, khi tham gia BHYT gia đình tôi phải đóng 70% (Nhà nước hỗ trợ 30%) đây là áp lực rất lớn, nhất là với những gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình như gia đình tôi. Nhưng thật vui khi tỉnh ban hành Nghị quyết số 10, theo đó ngoài khoản hỗ trợ 30% của Nhà nước, gia đình tôi khi tham gia BHYT sẽ được ngân sách địa phương trích hỗ trợ 20%. Với chính sách hỗ trợ này, tôi không còn băn khoăn lo lắng mà rất an tâm tham gia mua BHYT cho cả gia đình. Với những người nghèo, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền thì việc được hỗ trợ khi tham gia BHYT có ý nghĩa rất lớn. Bởi đó không chỉ là tấm thẻ giúp tôi và gia đình được chăm sóc sức khỏe mà đó còn là nguồn động viên rất lớn để người dân chúng tôi tăng gia sản xuất phát triển kinh tế.