Giải bài toán thiếu giáo viên: Cần giải pháp đồng bộ

Lâm An 15/09/2022 07:04

Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều năm để chuẩn bị và năm nay là năm thứ 3 áp dụng đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Nhưng thực tế nhiều nơi buộc phải để trắng môn học vì thiếu giáo viên hoặc điều động giáo viên từ trường này, thậm chí từ cấp học này sang cấp khác để dạy học. Một số ý kiến đề xuất có nên thay đổi, hạ chuẩn với 1 số bộ môn đang thiếu giáo viên dạy chương trình GDPT mới?

Ảnh minh họa.

Thiếu giáo viên trầm trọng

Năm học mới đã bắt đầu, ngành giáo dục vẫn đang phải đối mặt với thách thức về mặt nhân sự khi hàng loạt môn học mới được đưa vào giảng dạy nhưng giáo viên lại thiếu trầm trọng. Tại TP HCM, riêng học sinh cấp THCS tăng gần 14.000 em. Một số quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn… gặp khó trong việc tuyển giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật.

Thanh Hóa là tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước, toàn tỉnh đang thiếu 8.968 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý so với quy định của trung ương. Tiếp đến là Nghệ An, tỉnh này đang thiếu trên 7.800 giáo viên. Tỉnh Bình Dương và Phú Thọ, năm học 2022-2023, số giáo viên trên địa bàn mỗi tỉnh thiếu khoảng 3.000 người.

Theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp tiểu học; trên 5.300 giáo viên Nghệ thuật ở cấp THPT. Mặc dù Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026, song một khó khăn lớn đặt ra hiện nay với ngành giáo dục đó là thiếu nguồn tuyển dù có chỉ tiêu. Thực trạng này diễn ra tại một số địa phương như TP HCM, Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Nam…

Ông Nguyễn Thanh Liêm - Hiệu trưởng Trường THCS Bình Hưng Hòa (TP HCM) cho biết, quận giao cho trường là 119 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 111 giáo viên. Nhưng đến nay trường mới chỉ có 81 giáo viên.

Có chỉ tiêu biên chế nhưng lại không có giáo viên để tuyển dụng là vấn đề nhiều địa phương đang gặp phải. Lý do là vì tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng cao hơn so với trình độ của giáo viên đang dạy hợp đồng tại địa bàn. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải đạt trình độ từ cao đẳng trở lên và giáo viên tiểu học là trình độ ĐH. Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, một số địa phương kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng và gia hạn để các giáo viên này tiếp tục học tập để nâng chuẩn.

Đặc biệt, đối với giáo dục ở miền núi, vùng khó khăn, việc thu hút giáo viên rất khó khăn. Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất: “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể thi vào mầm non với trình độ trung cấp, còn tiểu học có thể là cao đẳng”.

Chính sách đãi ngộ chưa phù hợp

Chính sách đãi ngộ chưa phù hợp là vấn đề khiến nhiều sinh viên sư phạm e ngại khi đăng ký thi tuyển biên chế. Vì vậy, dù có hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học nhưng nếu không có các chính sách đãi ngộ đi kèm thì cũng khó mời gọi và giữ được giáo viên ở các vùng khó khăn.

Chia sẻ quan điểm này, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ nên ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất dạy và học ở những vùng khó khăn: “Trong các lần đi công tác, chúng tôi thấy rằng cần tập trung kiên cố hóa trường học, nhà công vụ đối với giáo viên ở các vùng khó khăn. Chúng ta luôn nói rằng cần phải giảm khoảng cách giữa thành phố, giữa đồng bằng và nông thôn, tạo ra sự bình đẳng, nhưng những nơi “phên dậu” của đất nước đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần đầu tư và ưu tiên hơn. Trên cơ sở Nghị định 116 phải cụ thể hóa để các địa phương có thể tiến hành đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường đại học sư phạm”.

Từ bất cập trong công tác tuyển dụng và đào tạo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên đã xảy ra nhiều năm nay ở nhiều địa phương, trường học. Tuy nhiên, bài toán này rất khó giải vì liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách. Nhất là hiện nay, ngành giáo dục vẫn còn phải thực hiện tinh giản biên chế theo quy định nên không thể một sớm một chiều và đơn phương ngành có thể giải quyết được. Vì thế, ngành Giáo dục rất cần sự sẻ chia của các ngành, các cấp có thẩm quyền để khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay.

Lâm An