Những 'cơn gió ngược'
Phần lớn nền kinh tế thế giới từ những năm 1990 đã tận hưởng 3 thập kỷ tăng trưởng ổn định do địa chính trị ổn định, tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa bùng nổ và nguồn lao động dồi dào. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine đã cho thấy mức độ mong manh của sự tăng trưởng.
“Gió xuôi” thành “gió ngược”
Khi gia đình ông Shannon thông báo đóng cửa cơ sở kinh doanh ngay gần con đường trung tâm đông đúc South Circular của London sau 33 năm lập nghiệp, một thông điệp đã được hiểu rằng, khách hàng giảm sút chính là nguyên nhân cho quyết định khó khăn của họ.
“Chúng tôi không còn trẻ nữa và con cái chúng tôi có sự nghiệp riêng với một loạt khó khăn: ULEZ (một loại thuế khí thải địa phương), Brexit, chi phí sản phẩm tăng, tình trạng khan hiếm hàng tồn kho, lượng người mua ít hơn, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế đang rình rập”- ông Shannon nói.
Trong khi người dân phía Nam London phải đi nơi khác để xây dựng cơ sở, thì một nỗi lo lớn hơn đã hiện hữu, bởi những khó khăn tại địa phương mà ông Shannons nêu ra chỉ là sự bắt đầu cho những biến động lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu, vượt xa cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt hiện nay.
Thị trường lao động thay đổi khi bùng nổ những người trẻ nghỉ hưu; gián đoạn do thời tiết khắc nghiệt; chi phí cho biến đổi khí hậu; địa chính trị bất ổn hơn và tương lai không chắc chắn cho thương mại thế giới: đây là những xu hướng lớn hơn mà một số nhà hoạch định chính sách tin rằng có thể tạo ra một thế giới đắt đỏ hơn nhiều.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết: “Có một sự bất ổn rất lớn trong tương lai khi chưa biết nền kinh tế sẽ hình thành như thế nào khi các mảng kiến tạo đang dịch chuyển”.
Cách chúng ta đi đến thời điểm này đã được ông Agustin Carstens- người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) trình bày với các ngân hàng Trung ương thế giới. Theo ông Carstens, phần lớn nền kinh tế thế giới từ những năm 1990 đã tận hưởng 3 thập kỷ tăng trưởng ổn định, lạm phát thấp do những luồng gió thuận lợi bao gồm địa chính trị ổn định, tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa bùng nổ và nguồn lao động dồi dào.
Nhưng thay vì nắm bắt thời điểm để đầu tư và cải cách cho tương lai, các chính phủ lại vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Và trong khi toàn cầu hóa khiến một số người trở nên rất giàu có, thì nó lại khiến hàng triệu người cảm thấy tồi tệ hơn.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine đã cho thấy mức độ mong manh của sự tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi nợ rẻ và chuỗi cung ứng đúng lúc. Hiện nay, mối lo của nền kinh tế toàn cầu là việc “những cơn gió xuôi đang chuyển thành những cơn gió ngược”.
Thách thức bủa vây
Về nhân khẩu học. Những người sinh ra ở Mỹ từ cuối Thế chiến thứ hai đến năm 1964 đều sẽ nghỉ hưu vào năm 2030, trong khi ở châu Âu, số người cao tuổi sẽ đông hơn thanh niên với tỷ lệ là 2:1 so với năm 2060; ở Trung Quốc, tỷ lệ người trên 65 tuổi đã tăng gấp 3 lần kể từ những năm 1950.
Trước đó, lý thuyết về “sự đảo ngược nhân khẩu học vĩ đại” của các nhà kinh tế Charles Goodhart và Manoj Pradhan - rằng sự già hóa dân số sẽ làm giảm lực lượng lao động và do đó xuất hiện lạm phát - đã thu hút rất ít sự chú ý trước khi áp lực giá bắt đầu tăng đột biến vào năm 2020. Tuy nhiên, giờ đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chỉ ra rằng, một nửa sự sụt giảm lớn của lực lượng lao động kể từ khi đại dịch diễn ra là do sự bùng nổ của việc nghỉ hưu sớm.
Một số chuyên gia cho rằng, mối liên hệ giữa nhân khẩu học và lạm phát cuối cùng sẽ do chính nó tháo gỡ. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tin rằng, dân số già sẽ làm giảm nhu cầu của nền kinh tế và do đó đẩy tiền lương và giá cả đi xuống. Tuy nhiên, điều đó có thể phụ thuộc vào những gì xảy ra với thương mại thế giới trong 2 thập kỷ kể từ khi Trung Quốc trỗi dậy, đã tạo ra một dòng hàng tiêu dùng rẻ và sẵn có.
Mặc dù các báo cáo về “cái chết” của toàn cầu hóa có thể được phóng đại, nhưng có những dấu hiệu cho thấy việc giữ giá nội địa đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Ông Georgieva cho biết, nguồn cung toàn cầu bị suy giảm do đại dịch và giờ là xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều công ty phải ưu tiên đảm bảo nguồn cung hơn chi phí thấp nhất, một động thái chắc chắn khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại, đồng thời, nước này đã chuyển hướng nhìn từ thương mại bên ngoài sang cải cách trong nước.
Nhận thức toàn cầu hóa chỉ mang lại lợi ích cho một số người đã dẫn đến một bộ phận cử tri cảm thấy bị “bỏ lại phía sau” - một trong những yếu tố phức tạp dẫn đến Brexit nhưng cũng ảnh hưởng đến chính trị ở những nơi khác.
Và trên hết, việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có đẩy chúng ta vào một thế giới đắt đỏ hơn hay không? Hay sẽ phụ thuộc vào cách nó được quản lý. Nếu chúng ta không hành động, nguy cơ thời tiết khắc nghiệt sẽ xảy ra thường xuyên hơn gây ra các hậu quả như thiếu hụt tài nguyên và giảm năng suất lao động. Một sự thay đổi như từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trước khi các lựa chọn thay thế khác được đưa ra sẽ tạo ra sự thiếu hụt năng lượng và do đó cũng có thể gây lạm phát.
Theo phân tích của nhóm các ngân hàng Trung ương trong Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS) được công bố trong tháng này, một quá trình chuyển đổi có phối hợp ngay lập tức sang các chính sách xanh hơn sẽ ít tốn kém hơn các kịch bản khác về lâu dài.
Những thách thức về nhân khẩu học, thương mại và khí hậu có điểm chung là tất cả đều làm ảnh hưởng đến cung của nền kinh tế - có thể là cung lao động, hàng hóa hoặc nguyên liệu - điều mà các ngân hàng Trung ương không thể khắc phục nhanh chóng bằng các chính sách tiền tệ.
Theo các chuyên gia, chỉ có những cải cách sâu sắc và lâu dài hơn mới tạo được sự cân bằng: giáo dục và chăm sóc sức khỏe để tăng cường yếu tố con người; chuyển đổi năng lượng để ngăn chặn cú sốc nhiên liệu hóa thạch mới; chi tiêu khôn ngoan vào đổi mới và cơ sở hạ tầng để đảm bảo hiệu quả mới.