Nâng tầm ngành công nghiệp văn hóa
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành vào năm 2016, đã tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành công nghiệp văn hóa.
Đợi cú hích cho sự phát triển
Theo báo cáo của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, sau 6 năm triển khai, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã cho thấy những chuyển động tích cực về chủ trương, chính sách cũng thúc đẩy hình thành nhiều chương trình, sáng kiến đột phá. Trong đó phải kể việc TP Hà Nội khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với lĩnh vực Thiết kế. Đây cũng động lực cho một số thành phố của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu mở rộng và hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bên cạnh đó, theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương, nhiều giá trị văn hóa, di sản văn hóa truyền thống như các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống (tuồng, chèo, rối nước, cồng chiêng Tây Nguyên, hát bội, đờn ca tài tử, hầu đồng...), họa tiết và hoa văn truyền thống, tri thức dân gian, thủ công truyền thống,... khi được khai thác và phát huy giá trị trong các sản phẩm và dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa như phim ảnh, âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, thiết kế, trò chơi điện tử trực tuyến, nghệ thuật đương đại,... có cơ hội được giữ gìn và được tiếp nối lâu dài hơn ở những thế hệ sau này và đồng thời mang lại những giá trị kinh tế và xã hội tốt hơn.
Cũng theo bà Phương, lợi thế về bề dày lịch sử với nguồn lực văn hóa phong phú, đa dạng là điều kiện thuận lợi cho phép các lực lượng sáng tạo, đặc biệt là lực lượng sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trẻ ở Việt Nam khai thác và biến nguồn tài nguyên đó thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cả kinh tế lẫn tinh thần, hình thành một lợi thế cạnh tranh lớn cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sáng tạo toàn cầu. Một số không gian với chủ đích làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống như “Ơ kìa Hà Nội”, mang lại sức sống đương đại cho các loại hình nghệ thuật truyền thống như Cheo48h (chèo và xẩm), Tired City (rối nước và tranh Đông Hồ), CAB Hoian (tuồng) hay Cội Việt (đờn cả tài tử)... đã dần thu hút đông đảo công chúng gồm thành phần khác nhau, đặc biệt là thế hệ trẻ, đến với các giá trị văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, đối với thị trường nghệ thuật, chưa bao giờ hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật lại diễn ra sôi nổi, quy mô và thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia như trong giai đoạn hiện nay, đã có sự tăng trưởng sức tiêu dùng và đa dạng hóa các hình thức tiêu dùng đối với sản phẩm nghệ thuật trong bối cảnh số hóa. “Bắt đầu hình thành một số sản phẩm nghệ thuật có thương hiệu, trong đó có nhiều sản phẩm, dịch vụ nghệ thuật do tư nhân đầu tư hoặc phối hợp công - tư liên doanh. Một số thị trường như hội họa, sân khấu, điện ảnh đã đạt được những thành tựu nhất định” – bà Phương cho biết.
Vượt qua những trở ngại
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành công văn hóa cũng đặt ra những thách thức. Mới đây, tại Hội thảo khoa học đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016-2021) do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở VHTT Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội tổ chức đã có nhiều ý kiến thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, ngoài sự khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Dẫn chứng từ lĩnh vực điện ảnh, theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Điện ảnh Việt Nam bày tỏ, thị trường phát triển chủ yếu từ doanh thu phim nhập (chiếm đến hơn 70% doanh số). Phim nước ngoài áp đảo phim Việt khi ra rạp (40 phim Việt Nam hàng năm phải “đương đầu” với hơn 200 phim nhập ngoại). Điều này dẫn đến tâm lý chuộng phim ngoại, nhất là khi khán giả chủ lực ra rạp ở độ tuổi từ 16-25 thì tâm lý chuộng ngoại này cũng ảnh hưởng đến giáo dục và thẩm mỹ của thế hệ trẻ. Hơn nữa, rạp chiếu phim của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt ở các thành phố lớn trong khi hệ thống rạp của nhà nước ở địa phương lạc hậu về cơ sở vật chất kỹ thuật, hầu như tê liệt.
Không những vậy, trên thực tế, một thách thức bao trùm lên các cơ sở hạ tầng văn hóa và không gian sáng tạo vẫn là sự chưa quyết liệt trong mở cửa cho khu vực tư nhân đầu tư, cũng như phá vỡ các rào cản cho các cơ sở hạ tầng văn hóa tìm ra các hướng kết hợp công tư trong khai thác và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên này. Hiện đã có nhiều các dự án công tư thành công ở hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông. Trong khi đó, một mô hình tương tự ở lĩnh vực văn hóa vẫn chưa hình thành, hay việc vi phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến khiến thị trường văn hóa khó bứt phá.
Tại thời điểm hiện nay, dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm - dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn rất khó khăn. Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang tính bền vững và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần sớm tìm ra những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.