Phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 33,33%
Đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 38,61%; 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 33,33%.
Ngày 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 cho thấy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19; tổ chức các đợt cao điểm ra quân đấu tranh, trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí nóng gây án; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Đã điều tra, khám phá 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,57%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đã triệt phá 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Toàn quốc xảy ra 33.693 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 9,75%), làm 895 người chết (tăng 3,71%), 7.473 người bị thương (giảm 1,53%), thiệt hại tài sản gần 1.330 tỷ đồng (giảm 18,38%). Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm (số vụ phạm tội có tổ chức giảm 61,08%; giết người, cướp tài sản giảm 12,9%; hiếp dâm giảm 7,65%, mua bán người giảm 12,12%; cướp tài sản giảm 16,62%; cưỡng đoạt tài sản giảm 9,4%; cướp giật tài sản giảm 11,58%; trộm cắp tài sản giảm 16,85%; gây rối trật tự công cộng giảm 4,71%, đánh bạc giảm 16,31%...).
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là: Tội phạm giết người tăng 7,43%, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, xảy ra một số vụ giết người thân, giết nhiều người; đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, người có tiền sử bệnh tâm thần giết người gây lo lắng, bất an trong nhân dân.
Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” chuyển hướng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi dưới dạng hợp đồng thế chấp tài sản, hỗ trợ tài chính, vay tiền qua ứng dụng trên các nền tảng điện thoại di động, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, một số vụ xâm hại với hành vi dã man trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.
Tội phạm mua, bán người có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi mở cửa biên giới, nhất là lừa bán người sang Campuchia lao động cưỡng bức. Tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) tuy giảm về số vụ nhưng tính chất còn nghiêm trọng, trong đó có 7 vụ cướp chi nhánh ngân hàng, tiệm vàng; xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi.
Tội phạm chống người thi hành công vụ tuy giảm 6,8% song hành vi của các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, sử dụng hung khí hoặc phương tiện giao thông gây thương tích cho lực lượng thi hành công vụ.
Tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên mâu thuẫn đánh nhau gây rối trật tự công cộng; tệ nạn cờ bạc, mại dâm với các hình thức biến tướng trong và sau dịch Covid-19 còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Đáng chú ý, đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 38,61%; 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 33,33%. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán. Đơn cử như: Vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; Vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; Vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA. Hay sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp như vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8000 tỷ của hơn 6000 nhà đầu tư.
Sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.
Cụ thể, liên quan đến Vụ Công ty Việt Á (C03 đã khởi tố 26 bị can; Công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can); Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố 05 đối tượng chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỷ đồng; Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Sơn; Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng; Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố 5 bị can về tội “vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản” trong đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng.
Tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, thuế lợi dụng chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ; tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vacxin, xét nghiệm Covid-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi.
Đáng chú ý là có sự chuyển hướng rõ rệt của tội phạm buôn lậu từ phương thức truyền thống qua đường mòn, lối mở sang lợi dụng pháp nhân thông qua cửa khẩu chính ngạch để hoạt động; tội phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.