Vượt khó, đảm bảo cung cấp điện an toàn trong mùa mưa bão

Quỳnh Trâm 15/09/2022 15:49

Thực hiện chủ đề năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) đã và đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho nhân dân.

Công ty Điện lực Hà Tĩnh hiện đang quản lý vận hành hơn 232 km đường dây cao thế 110 kV, 3.210 km đường dây trung thế, 7.550 km đường dây hạ thế, 3.628 TBA phân phối, và 09 TBA 110 kV. Hệ thống lưới điện trải dài qua nhiều dạng địa hình, phần lớn đi qua khu vực đồi núi, địa hình cheo leo, hiểm trở và bị chia cắt bởi nhiều sông suối nên công tác quản lý vận hành lưới điện của Công ty gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Với tác động bất thường của thời tiết cùng với địa hình phức tạp, nhiều địa bàn miền núi như Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… đã khiến cho việc quản lý, vận hành hệ thống điện vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại.

Công nhân Đội QLVHLĐCT phát quang hành lang đảm bảo an toàn lưới điện.

Ông Nguyễn Hồng Tân, Giám đốc Điện lực Hương Sơn cho biết, ngay từ đầu mùa mưa bão, đơn vị đã chủ động lên phương án, thực hiện nhiều giải pháp tích cực cho công tác phòng chống mưa bão, tập trung gia cố các vị trí cột điện, khắc phục, xử lý các vị trí có nguy cơ gây ra sạt lở và sự cố, phát quang hành lang lưới điện. Đồng thời thay thế và treo các biển báo an toàn để cảnh báo người dân trong mùa mưa bão, chủ động bố trí nhân, vật lực để xử lý nếu xảy ra sự cố... đảm bảo cung ứng điện kịp thời và an toàn cho nhân dân.

Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết cực đoan, nhiệm vụ cấp điện an toàn liên tục ổn định khắc phục sự cố trong mùa mưa bão gặp nhiều khó khăn. CBCNV phải vượt qua địa hình đồi núi, đèo dốc, đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa để kiểm tra, sửa chữa, khắc phục sự cố.

Khi có mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh, việc nắm bắt thông tin để tạm thời ngừng cấp điện tại những vùng có nguy cơ ngập lụt cần phải kịp thời, bởi tại các vùng sâu trũng, nước dâng cao gây ngập toàn bộ hệ thống đo đếm.

Và ngay sau khi nước rút, chúng tôi phải huy động tối đa lực lượng để tiến hành thay thế đồng loạt, việc di chuyển phương tiện, vật tư, thiết bị trong những thời điểm đó thật sự rất vất vả đối với CBCNV.

Chia sẻ về những khó khăn trong quản lý, vận hành đường dây, ông Hà Minh Đông, Đội trưởng đội QLVHLĐCT Hà Tĩnh cho biết, đường dây 110 kV là đường dây huyết mạch của toàn tỉnh trải dài qua tất cả các huyện, thị nên việc quản lý, vận hành có những đặc thù riêng và đóng vai trò hết sức quan trọng.

Có nhiều địa bàn, công nhân đội phải di chuyển mất nhiều giờ đồng hồ bằng xe máy, rồi tiếp tục cuốc bộ xuyên rừng, vượt đèo dốc nữa mới vào đến hiện trường. Đặc biệt những ngày trời mưa bão để xử lý khiếm khuyết tại các vị trí cột cao, hiểm trở anh em công nhân phải tập trung đưa vật tư, vật liệu lên trước rồi sau đó mới thực hiện được công việc.

Để đảm bảo dòng điện thông suốt, người thợ điện không quản gian khó làm việc bất kể ngày đêm.

Trước những điều kiện khắc nghiệt như thế, thách thức đặt ra cho người công nhân ngành Điện là rất lớn. Để thực hiện tốt công tác này, ngoài sự nhạy bén, thuần thục trong nhận định và thao tác, người công nhân điện cần làm quen với những cung đường và địa hình hiểm trở để chủ động trong việc di chuyển.

Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong khi làm việc, quyết tâm vì mục tiêu nâng cao công tác quản lý, vận hành lưới điện, nỗ lực cung cấp điện an toàn, liên tục, thông suốt đến người dân.

Quỳnh Trâm