Móc ngoặc che giấu nợ xấu để trục lợi
Theo dự kiến, hôm nay (16/9), Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 11 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội (Công ty Unimex Hà Nội) 100% vốn nhà nước; Trung tâm Xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Trung tâm Artex Hà Nội).
Trong đó, các bị cáo Phạm Văn Thắng - cựu Giám đốc Trung tâm Artex; Trần Thị Lan Hương - cựu Trưởng phòng Kế toán tài vụ Artex Hà Nội; Nguyễn Văn Quân - cựu Trưởng phòng Kinh doanh 1 Artex Hà Nội cùng 2 bị cáo khác bị truy tố tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Trần Quốc Hùng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng Giám đốc Unimex Hà Nội cùng 3 bị cáo khác bị xét xử tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
2 bị cáo Trịnh Hùng Thắng - cựu Trưởng phòng Tín dụng Agribank Tây Hà Nội; Đoàn Thị Thanh Chuyên - cán bộ tín dụng Agribank Tây Hà Nội bị truy tố tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Theo cáo trạng, Phạm Văn Thắng - người trực tiếp chỉ đạo điều hành mọi hoạt động tại Artex Hà Nội, có trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn được Unimex Hà Nội giao. Bị can Thắng lợi dụng việc hàng năm Artex Hà Nội được Unimex Hà Nội cấp hạn tín dụng, ủy quyền vào bảo lãnh vay vốn, đã thống nhất với Nguyễn Đắc Phước - Giám đốc điều hành Công ty Đắc Nguyên; Nguyễn Thị Ngọc Uyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty An Ninh, đồng thời chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ mua, bán giấy để vay vốn ngân hàng rồi sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Qua đó, bị can Thắng đã trực tiếp chiếm dụng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, dẫn đến gây thất thoát hơn 113 tỷ đồng của nhà nước.
Bị can Hương biết rõ việc Công ty An Ninh, Công ty Đắc Nguyên có dư nợ tại Artex Hà Nội vượt quy định của Unimex Hà Nội nhưng vẫn lập báo cáo số dư chi tiết tài khoản hàng quý sai sự thật để che giấu nợ xấu của các công ty này. Bị can Hương đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới lập các bộ hồ sơ khống để Artex Hà Nội vay vốn ngân hàng và sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Trong đó, bị can Hương trực tiếp chiếm dụng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Trong số các bị can, Trần Quốc Hùng được xác định là người điều hành, chịu trách nhiệm cao nhất về hiệu quả hoạt động kinh doanh tại Unimex Hà Nội. Hùng đã trực tiếp xét duyệt, ký phân bố hạn mức tín dụng và ký các Giấy ủy quyền, bảo lãnh cho các đơn vị trực thuộc Unimex Hà Nội được vay vốn tại các ngân hàng.
Theo cáo trạng, Artex Hà Nội có quan hệ mua bán giấy các loại với Công ty An Ninh và Công ty Đắc Nguyên từ năm 2006. Năm 2010, 2 công ty này kinh doanh thua lỗ, không thanh toán tiền mua hàng cho Artex Hà Nội nên trung tâm này không trả được nợ vay ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Thắng cùng cấp dưới bàn bạc với lãnh đạo 2 công ty trên lập các hợp đồng mua, bán hàng hóa khống, hợp thức hồ sơ vay vốn tại 4 ngân hàng. Sau đó, sử dụng tiền từ khoản vay mới trả nợ cho các khoản vay đến hạn của Artex Hà Nội và các công ty do Phước và Uyên điều hành để không bị ngân hàng phạt lãi quá hạn.
Thực hiện thỏa thuận, thống nhất trên, bị can Phước và Uyên chỉ đạo Phạm Thị Hồng Hạnh - nhân viên kế toán Công ty Đắc Nguyên lập khống 82 hợp đồng mua, bán hàng hóa và 82 Biên bản giao nhận hàng hóa. Nội dung thể hiện: Artex Hà Nội mua của Công ty Long Vân tại 45 hợp đồng; mua của Công ty In Phụ Nữ tại 36 hợp đồng; và mua của Công ty Á Châu tại 1 hợp đồng.
Cũng theo chỉ đạo, Hạnh lập 82 hợp đồng mua, bán khống và 82 biên bản giao, nhận hàng hóa khống thể hiện Artex Hà Nội bán số hàng đã mua nêu trên. Trong đó 49 hợp đồng bán cho Công ty An Ninh, 33 hợp đồng bán cho Công ty Đắc Nguyên.
Khi nhận được các hợp đồng và biên bản giao nhận hàng hóa lập khống, bị can Thắng chỉ đạo Quân ký nháy và các văn bản để ông ta ký, đóng dấu tại mục đại diện Artex Hà Nội. Sau đó, các bị can Quân, Hương hoàn tất hồ sơ để vay vốn các ngân hàng. Bị can Thắng là người ký các hợp đồng tín dụng và quyết định việc sử dụng tiền vay.
Để tránh việc kiểm soát của Unimex Hà Nội trong việc sử dụng vốn vay, Thắng chỉ đạo Hương lập báo cáo tình hình khoản nợ phải thu hàng quý của Công ty An Ninh sai sự thật, che giấu dư nợ thực tế. Như vậy trong năm 2011-2012, Artex Hà Nội vay vốn tại 4 ngân hàng số tiền hơn 643 tỷ đồng, đã trả nợ gốc hơn 430 tỷ đồng, còn nợ hơn 212 tỷ đồng.
Trong số nợ gốc này, Unimex Hà Nội đã trả nợ thay cho Artex Hà Nội hơn 120 tỷ đồng. Trong số tiền hơn 120 tỷ đồng, có hơn 50 tỷ đồng trả cho các hợp đồng kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa đúng mục đích; hơn 69 tỷ đồng cho các hợp đồng mua bán giấy khống.
Trong số nợ gốc hơn 92 tỷ đồng, được xác định hơn 48 tỷ đồng là của các hợp đồng kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa; hơn 44 tỷ đồng cho các hợp đồng mua bán giấy khống.
“Do đó xác định Phạm Văn Thắng và đồng phạm đã sử dụng tiền vay không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 113 tỷ đồng” - cáo trạng nêu rõ.