Lấp khoảng trống đề tài sân khấu học đường
Cùng với các đề tài về lịch sử, chính luận, hài kịch… thì các tác phẩm về đề tài sân khấu học đường (thanh thiếu niên, nhi đồng) được xem là “cầu nối” gắn kết giữa người trẻ với sân khấu. Tuy nhiên, với mảng đề tài này ngoài một vài “điểm sáng” thì vẫn là khoảng trống khó san lấp.
Kịch mục bị bỏ quên
Với nhu cầu giải trí ngày một tăng cao, không thể phủ nhận trong những năm qua mảng đề tài dành cho sân khấu học đường đang là kịch mục không thể thiếu để nhiều nhà hát khai thác. Ngay trong dịp hè vừa qua, hàng loạt vở diễn mới dành cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng đã được các nhà hát dàn dựng. Trong đó có thể kể đến như Nhà hát Tuổi trẻ với dự án “Mùa hè yêu thương” với những vở diễn như nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”, vở kịch “Cuộc chiến virus” và vở kịch “Vaxilixa và phù thủy độc ác”. Nhà hát Kịch Hà Nội là chùm vở diễn “Hai viên ngọc thần”, “Sự tích dã tràng”. Nhà hát Kịch Việt Nam với 2 vở diễn “Ăn quả trả vàng” và “Huc – Cuộc chiến thuyền trưởng”…
Tuy nhiên, nhìn vào “thực đơn” các vở diễn thì hầu hết đều đến từ các đơn vị sân khấu “quen mặt” với sân khấu học đường, thiếu nhi. Bên cạnh đó, hầu hết các tác phẩm chủ yếu được dàn dựng dựa trên kịch bản của nước ngoài hay lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích Việt Nam. Đặc biệt, đối tượng khán giả mà các nhà hát hướng đến vẫn hầu như là ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học. Dẫn đến hầu hết các vở diễn đều mang nặng tính giải trí, với mô típ quen thuộc, không có nhiều đột phá. Đơn cử như các vở diễn trong dịp Trung thu vừa qua hầu hết các chương trình vẫn chạy theo những lối mòn với những tích truyện xưa cũ, dùng các câu chuyện ngụ ngôn để giáo dục các em thông qua sự dẫn dắt của hai nhân vật mang tính truyền thống là chú Cuội, chị Hằng… Trong khi đó, một trong những đối tượng khán giả đang ở tuổi mới lớn, dậy thì được xem “cầu nối” mang sân khấu đến gần hơn với người trẻ lại đang bị bỏ quên. Có chăng chỉ là 2 vở nhạc kịch của Nhà hát Tuổi trẻ là “Trại hoa vàng” và “Rồi ta sẽ lớn” có nội dung hướng tới đối tượng khán giả này.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú - tác giả kịch bản của vở nhạc kịch “Rồi ta sẽ lớn”, tuổi dậy thì (từ 9-16 tuổi) luôn là một đề tài nói mãi không hết chuyện. Bởi đó là khoảng thời gian nhạy cảm vô cùng với mỗi đứa trẻ. Từ những thay đổi về sinh lý sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Mỗi đứa trẻ đều trải qua quá trình lột xác như loài sâu bướm. Có rất nhiều những đứa trẻ trưởng thành trong đơn độc không phải vì cha mẹ chúng không quan tâm mà là cha mẹ không hiểu con.
Ông Tú cũng cho biết, với vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” muốn thể hiện bằng trái tim cha mẹ và sự am hiểu về tuổi mới lớn. Những câu chuyện trong vở nhạc kịch này chính là từ những lá thư mà học trò gửi về cho tôi và cả tâm sự của nhiều cha mẹ. “Tôi mong vở nhạc kịch này sẽ không chỉ nằm lại trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ mà nó sẽ được lan tỏa đến các trường học, trở thành giáo cụ giúp các trường học dùng nó cho các bậc phụ huynh xem và chính các em xem” - ông Tú nói.
Giải “cơn khát” kịch bản
Có thể nói, với sân khấu học đường nói chung và cho tuổi mới lớn nói riêng thì nhiều năm qua nguồn kịch bản vẫn luôn là “bài toán” chưa có lời giải. Bởi nhìn vào thực tế, ngoài việc dựng lại các tác phẩm của nước ngoài thì “chất liệu” đến từ các tác phẩm văn học của Việt Nam vẫn chưa có nhiều, ngoại trừ cái tên Nguyễn Nhật Ánh. Cùng với đó, đại diện nhiều nhà hát cũng bày tỏ, việc tiếp cận lứa tuổi này cũng gặp nhiều khó khăn, một phần do thiếu quỹ thời gian, sân khấu thiếu nhi chỉ hoạt động sôi nổi được trong dịp hè, phần vì thiếu những tác phẩm ấn tượng đủ để cạnh tranh với các loại hình giải trí khác. Đây cũng là áp lực lớn với các nghệ sĩ, cho thấy muốn hấp dẫn các em thì phải gây ấn tượng mạnh từ lần tiếp xúc đầu tiên.
NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, nhìn vào lực lượng chính để sáng tạo ra tác phẩm, chúng ta không có nhiều tác giả và đạo diễn trẻ có sức bứt phá lớn, có sức cạnh tranh với những loại hình nghệ thuật, giải trí khác. Sân khấu của ta lâu nay thiên về sáng tác và dàn dựng đề tài lịch sử, ít quan tâm tới những vấn đề xã hội nóng bỏng, đến cuộc sống của thanh thiếu niên, nhi đồng. Việc thiếu các tác phẩm dành cho đối tượng khán giả này chính là nguyên nhân các sân khấu hiện nay thiếu vắng khán giả, nhất là người trẻ.
Đồng quan điểm, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhìn nhận, thanh thiếu niên, nhi đồng là một đối tượng rất quan trọng nhưng nhiều năm qua, ngành sân khấu gần như đã bỏ quên. Giờ nhìn lại mới giật mình, khán giả của sân khấu đang dần mai một, trong khi ta lại chưa xây dựng được những lớp khán giả mới. Để lan tỏa được tình yêu sân khấu với đối tượng khán giả này không nên tính lãi dựa vào số tiền thu được mà ở chỗ ta đã gieo vào lòng con trẻ được những gì. Không chỉ tình yêu với tác phẩm, với nhân vật, mà còn cả những giá trị nhân văn tưởng chừng khuất lấp ở đâu đó trong thời đại này. Để khi lớn lên, tình yêu sân khấu, nghệ thuật ngày một lớn dần. Sau 15 - 20 năm nữa, chúng ta sẽ có một thế hệ công chúng đúng nghĩa. “Phát triển lực lượng khán giả trẻ, phải xây từ cốt nền khi các em còn nhỏ là vì vậy. Nếu thành công đây là một “thương vụ” hời to từ phía sân khấu thiếu nhi” - bà Mùi nói.
Khán giả ở lứa tuổi học đường hôm nay chính là những người sáng tạo và là khán giả tương lai của sân khấu. Muốn thu hút các em, khiến các em say mê sân khấu và thực sự trở thành những người góp phần tạo nên thành công của sân khấu nước nhà thì trước hết sân khấu phải trở thành “người bạn nghệ thuật”, nói lên tiếng nói của chính các em.