Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm

T.Hằng 17/09/2022 09:00

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3%-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5% GDP. Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Người lao động làm thủ tục tại cơ quan Bảo hiểm xã hội. Ảnh: KHÁNH TRẦN.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2025 và 10%/năm giai đoạn 2026-2030. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023-2030. Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, 5 triệu đồng năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Tài chính đã đưa rất nhiều giải pháp, như đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm, trong đó Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 vừa được Quốc hội ban hành và có hiệu lực và năm 2023. Theo các chuyên gia, với các quy định chi tiết, chặt chẽ Luật sẽ tạo môi trường pháp lý theo hướng thông thoáng hơn nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, qua đó có tác động tích cực về dài hạn đối với thị trường bảo hiểm.

Với các quy định này, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên môi trường mạng. Không chỉ được chủ động trong kinh doanh, luật còn cho phép doanh nghiệp chủ động trong lựa chọn tài sản đầu tư, đầu tư một phần vốn ra nước ngoài phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro. Quy định về đầu tư này phù hợp với việc áp dụng mô hình quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Luật cũng bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, những điều không được làm... nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Đặc biệt, luật còn sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, dễ áp dụng trên thực tế. Đồng thời, phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin...

Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát và kinh doanh bảo hiểm cho biết, với các quy định chi tiết, chặt chẽ, luật sẽ tạo môi trường pháp lý theo hướng thông thoáng hơn nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, qua đó có tác động tích cực về dài hạn đối với thị trường bảo hiểm.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên môi trường mạng, tuy nhiên việc cung cấp sản phẩm dịch vụ qua mạng cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định...

T.Hằng