Nỗi lo thiếu đơn hàng cuối năm

QUỐC ĐỊNH 17/09/2022 09:00

Không ít doanh nghiệp (DN) báo cáo, vào những tháng cuối năm họ gặp nhiều khó khăn về tiếp cận đơn hàng. Nguyên nhân do nhiều biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là tình trạng lạm phát toàn cầu vẫn đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Dự báo xuất khẩu những tháng cuối năm của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bà Bùi Thị Lan - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hải Thanh (tỉnh Cà Mau) cho biết, xuất khẩu tôm tháng 8 chỉ đạt 1,4 tấn, giảm 20% so với tháng trước và giảm 52% so với tháng này năm ngoái. Cũng trong tháng 8, xuất khẩu các loại hải sản khác của công ty đạt 19 tấn, giảm 25% so với tháng trước và giảm 48% so với cùng kỳ.

Bà Lan cho rằng, nguyên nhân của việc xuất khẩu sụt giảm chủ yếu đến từ thị trường tiêu thụ giảm đáng kể. Sau nhiều tháng đối mặt với giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng lạm phát mạnh, “hầu bao” của người tiêu dùng vơi dần đi. Bà Lan lấy ví dụ, trước đây trung bình mỗi tháng một gia đình ở Mỹ sử dụng khoảng 500 USD để mua 2kg tôm thì nay với số tiền đó họ chỉ mua được 1,2 kg tôm.

“Không khó để chúng ta nhận thấy, tiêu thụ tôm ở thị trường này giảm sâu như thế nào. Đơn hàng giảm mạnh, lợi nhuận giảm nhưng các chi phí khác như kho bảo quản, lương người lao động, nguyên liệu đầu vào khó giảm là thách thức không nhỏ đối với nhiều DN những tháng cuối năm” - bà Lan nhận định.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Dương Nam (Long An) than thở, rất ít khi xuất khẩu rau quả tươi và sản phẩm sấy khô lại gặp khó khăn như hiện nay. Chi phí xuất khẩu tăng cao nhưng sản phẩm tiêu thụ lại không thuận lợi. Ông Kiên cho biết, hơn 2 tháng nay, công ty chỉ có 6 hợp đồng xuất khẩu, trong đó có 2 hợp đồng xuất sang châu Âu, 1 hợp đồng xuất đi Hàn Quốc và 4 hợp đồng xuất đi Trung Đông, với số lượng chỉ bằng 50% quý II/2022 và bằng 65% quý I.

Theo ông Kiên, hiện có nhiều công ty xuất khẩu các sản phẩm tương tự như DN của ông rơi vào tình trạng như trên. “Ngoài nguyên nhân do lạm phát, dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt thì còn có nguyên nhân quan trọng là thị trường Nga và các nước Đông Âu gần như bị gián đoạn do xung đột giữa Nga và Ukraine; trong khi Trung Quốc - thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm rau quả Việt Nam lại lúc mở, lúc đóng” - ông Kiên lý giải.

Không chỉ riêng DN ngành nông nghiệp mà DN công nghiệp cũng đang vật lộn với tình hình kinh doanh những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Công Toàn - Giám đốc Công ty TNHH dệt may Tân Thắng (tỉnh Bình Dương) cho hay, nửa năm đầu tình hình sản xuất kinh doanh khá thuận lợi nhưng khoảng từ tháng 7 đến nay tình hình bắt đầu ảm đạm, đơn hàng không còn nhiều như trước.

Riêng tháng 8/2022 đơn hàng đã giảm 45% so với tháng cao 4 cao điểm và giảm 37% so với tháng cùng kỳ của năm trước. Nguyên nhân theo ông Toàn, một phần là do tình hình biến động của thế giới, cũng như dịch Covid-19 đang diễn biến bất lợi nên DN không dám nhận đơn hàng và mua nguyên liệu cả năm hay vài năm như trước, mà nhận theo quý.

Cũng theo Giám đốc công ty Tân Thắng, đơn hàng những tháng cuối năm thấp cũng do một nguyên nhân quan trọng khác là sức tiêu thụ của thị trường thế giới không mấy tích cực, tài chính của người tiêu dùng ở hầu hết các nước trên thế giới vẫn chưa thể phục hồi sau thời gian khá dài biến động bởi đại dịch.

Bộ Công thương vừa đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. Từ đó, nhu cầu cho các mặt hàng gia dụng, tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đòi hỏi các DN phải chủ động ứng phó.

Bên cạnh đó, việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại. Ngoài ra, giá hàng hóa thiết yếu, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế, thương mại quốc tế nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đề cập đến những giải pháp lâu dài, TS. Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các DN cần phải tìm kiếm, đa dạng thị trường; trong đó chú trọng khai thác thị trường Trung Đông, châu Phi đang còn rất nhiều tiềm năng. Đồng thời, DN nên phát triển để chủ động về nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ.

QUỐC ĐỊNH