Tuyển sinh năm 2022: Điểm chuẩn đại học biến động mạnh
Sau 6 lần lọc ảo, từ chiều 15/9, các trường đại học (ĐH) đã công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022. Theo đó, điểm chuẩn ĐH năm 2022 biến động mạnh, nhiều ngành học có điểm chuẩn tăng mạnh so với năm trước, nhất là ngành ở tổ hợp C00 hoặc A00, ngành “hot”. Thậm chí có những trường có mức điểm trúng tuyển lên tới gần 40.
Ngất ngưởng khối C00
Bất ngờ lớn nhất mùa tuyển sinh năm 2022 thuộc về khối C00 khi nhiều trường tuyển sinh khối ngành này có điểm chuẩn cao gần kịch trần.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất trường này là: Quan hệ công chúng (PR), Hàn Quốc học, Đông phương học, cùng lấy 29,95 điểm. Ngành Báo chí học lấy điểm chuẩn khối C00 ở ngưỡng 29,9, tăng 1,1 điểm so với năm 2011. Đây đã là điều được dự đoán trước do ngành này luôn nằm trong top 5 các ngành điểm trúng tuyển cao nhất của trường những năm trở lại đây. Ngoài ra, năm nay tỷ lệ chọi vào ngành Báo chí học rất cao, đặc biệt khối C00 - khoảng 1 “chọi” hơn 500 thí sinh.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng lên, là do năm nay trường ĐH Quốc gia Hà Nội có tỷ lệ xét tuyển thẳng cao, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực cũng tăng, còn tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thấp hơn năm ngoái.
Ở năm đầu tiên thực hiện tự chủ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố điểm chuẩn tăng, giảm ở một số ngành, dao động từ 20-28.25 điểm. Trong đó, Báo chí là ngành có tổ hợp điểm chuẩn cao nhất 28,5, tiếp theo là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Tâm lý học, Quản lý thông tin,…
Trường ĐH Luật Hà Nội có mức điểm chuẩn năm 2022 ở các ngành đào tạo từ 19-29,5 điểm. Điểm chuẩn cao nhất 29,5 ở tổ hợp C00 ngành Luật Kinh tế, cao hơn 0,25 so với năm 2021. Ngành có điểm chuẩn cao thứ hai là ngành Luật xét tuyển khối C00 với 28,75 điểm.
Khối trường sư phạm năm nay cũng giữ được sức hút với điểm chuẩn cao ở hầu hết các khối trường. Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, các ngành Giáo dục chính trị, Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất trường, lấy 28,5 điểm. Điểm chuẩn của Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022 cũng tăng cao, ngành Giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn là 28,55…
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, một số ngành của trường năm nay cao hơn năm trước, như Luật kinh tế có điểm chuẩn là 27, nhóm ngành Công nghệ thông tin 26 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất là 18 điểm với 1 số ngành khó tuyển. “Để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường quyết định không hạ điểm so với điểm sàn. Đồng thời, sẽ tuyển bổ sung thêm với 9 ngành vốn khó tuyển như Công nghệ dệt, may, nhóm ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Quản lý đất đai và kinh tế tài nguyên, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông… Điểm nhận hồ sơ là 19” - ông Nhân thông tin.
Gần 40 điểm mới trúng tuyển đại học
Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) công bố điểm trúng tuyển ĐH hệ chính quy năm 2022 với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất vào trường lên tới gần 40 điểm (thang điểm 40). Cụ thể, 2 ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là ĐH Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và ĐH Sư phạm Lịch sử chất lượng cao - cùng 39,92 điểm. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Trong các ngành chất lượng cao, ngành ĐH Sư phạm Toán học chất lượng cao có điểm chuẩn xếp thứ 3, là 35,43 điểm. Ngoài ra, ngành ĐH Sư phạm Lịch sử cũng là ngành có mức điểm trúng tuyển rất cao, với 29,75 điểm (thang điểm 30). Ngành có mức điểm trúng tuyển thấp nhất là 15 điểm, chủ yếu là các ngành ngoài sư phạm.
Về mức điểm cao chót vót này, PGS.TS Đậu Bá Thìn - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Hồng Đức cho biết điểm số ngành sư phạm chất lượng cao cao như thế là vì được tính theo hệ số 4, có nghĩa môn chủ chốt của ngành đó được nhân đôi. Ví dụ, ngành sư phạm Văn thì môn Văn được nhân đôi. Do đó, tổng điểm xét về mặt cơ học là 3 môn của 1 tổ hợp thành 4 môn của một tổ hợp, vì thế mới có thang điểm 40. Cũng theo ông Thìn, năm 2022 quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vẫn đang áp dụng việc cộng điểm ưu tiên như những năm trước, nên có thí sinh khi cộng ưu tiên và nhân đôi thì tổng điểm còn vượt hơn 40 điểm…
Cùng với đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã công bố mức điểm chuẩn cao nhất 37,75 thuộc về ngành Marketing (Điểm chuẩn Trường ĐH Tôn Đức Thắng 2022 được tính theo thang điểm 40).
Ít biến động khối A, D
Trong khi nhiều trường có điểm chuẩn tăng cao ở những ngành hot thì một số trường lại có mức điểm chuẩn tương tự so với năm 2021, không có nhiều biến động. Trường ĐH Ngoại thương thông báo điểm trúng tuyển các nhóm ngành theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2022 tại Hà Nội và cơ sở II - TPHCM tương đối đồng đều và có mức điểm thấp nhất là 27,5, cao nhất là 28,4 của tổ hợp A00. Mức điểm chênh lệch không nhiều so với năm 2021.
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 23,03 đến 28,29 điểm. Ngành Kỹ thuật máy tính có đầu vào cao nhất. So với năm ngoái, điểm chuẩn ngành này nhích nhẹ 0,19. Hai ngành có điểm chuẩn cao tiếp theo là Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa 27,61 và Công nghệ thông tin (Việt - Nhật) 27,25. Các ngành có đầu vào thấp nhất 23,03 gồm Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật in, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường. Mức này thấp hơn mức thấp nhất của năm ngoái 0,22 điểm. Trường cũng đưa ra mức đầu vào dựa trên kết quả bài thi đánh giá tư duy do trường tổ chức.
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội lấy điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và môn Vẽ Mỹ thuật từ 16-25,4 điểm ở 29 ngành. Ngành Công nghệ thông tin có mức điểm chuẩn cao nhất 25,4 điểm. Tiếp đến là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lấy 25 điểm và ngành Khoa học Máy tính lấy 24,9 điểm.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy một số bất cập. Cụ thể, điểm xét tuyển của một số khối thi như C00 cao đột biến khiến điểm chuẩn nhiều ngành của một số trường top đầu gần kịch sàn, khó phân loại được học sinh giỏi và xuất sắc. Điều này mặc dù đã được dự đoán từ khi phổ điểm thi được Bộ GDĐT công bố với cơn mưa điểm 10 ở môn Lịch sử nhưng mức điểm này sẽ thiệt thòi cho những thí sinh không có điểm cộng. “Đơn cử như thủ khoa khối C00 toàn quốc năm nay đạt 29,75 điểm, nếu không có điểm ưu tiên, em sẽ trượt nếu đăng ký vào một số ngành hot năm nay, điều này không hợp lý” - ông Khuyến phân tích.
Vấn đề tính phân hóa đề thi một lần nữa cần phải được nhắc lại. Không để tình trạng “mưa điểm 10” xuất hiện nhiều khiến cho nhiều em học sinh điểm cao nếu không có điểm ưu tiên vẫn có thể trượt ĐH.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, nhiều năm nay theo dõi tuyển sinh ĐH, có một thực tế là các ngành khối kinh tế thường có điểm chuẩn cao trong khi nhiều trường khối kỹ thuật dù top đầu cũng có điểm chuẩn ở mức thấp hơn hẳn. Điều này phản ánh xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh hiện nay. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn mục đích “2 trong 1” nữa, nhiều năm các bài thi điểm cao nhiều nên khó phân loại thí sinh.
Các trường cũng cần xem xét việc kết hợp với các phương thức xét tuyển độc lập khác, nhất là trong bối cảnh tự chủ ĐH, trong đó có tự chủ tuyển sinh để tuyển được thí sinh không chỉ có năng lực mà còn có sự phù hợp với ngành ngành đăng ký xét tuyển. “Tôi ủng hộ các kỳ thi riêng như bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Độ khó và tính phân loại sẽ phù hợp với việc xét tuyển ĐH hơn là kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho tất cả thí sinh lớp 12 trên toàn quốc, trong đó nhiều em không có ý định học ĐH”- ông Nhĩ nhấn mạnh.