[ẢNH] Dòng người đổ về Lam Kinh xem ‘Hào khí Lam Sơn’
Sáng 17/9, hàng chục nghìn người dân cùng du khách thập phương đã đổ về khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh để chiêm ngưỡng màn sân khấu hóa hào khí Lam Sơn – tỏa sáng trường tồn.
Dự lễ kỷ niệm có ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo, MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; dòng tộc họ Lê Việt Nam và đông đảo du khách thập phương.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo vào năm Mậu Tuất 1418. Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, bằng nghệ thuật quân sự “lấy yếu chống mạnh”, dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều, nghĩa quân càng đánh càng mạnh. Đến cuối năm 1427, bằng nhiều chiến thắng quyết định tại Chi Lăng, Xương Giang, Cầu Trạm... nghĩa quân đã buộc giặc Minh phải rút 30 vạn tàn quân về nước. Từ đây đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị của vương triều Hậu Lê dài hơn 360 năm. Đặc biệt, dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông, đất nước phát triển cực thịnh với những thành quả phát triển to lớn trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội, quân sự, ngoại giao.
Lễ kỷ niệm được diễn trang trọng với phần rước kiệu vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai theo nghi thức truyền thống; lễ dâng hương và tấu cáo tiên tổ.
Đặc biệt, màn sân khấu hóa “Hào khí Lam Sơn – tỏa sáng trường tồn” đã tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người anh hùng cùng các tướng sĩ, nhân dân đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trong 3 ngày, từ 16-18/9 (tức ngày 21, 22, 23/8 âm lịch). Trong đó, lễ dâng hương và tế lễ tại đền thờ vua Lê Thái Tổ, khu lăng mộ, các tòa thái miếu (huyện Thọ Xuân), đền thờ Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), thái miếu Nhà hậu Lê và tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa) sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/9 (tức ngày 21, 22/8 âm lịch); lễ dâng hương làm giỗ Bà hàng dầu trên đỉnh núi Lam Sơn (núi Dầu) vào ngày 189 (tức ngày 23/8 âm lịch) theo nghi thức truyền thống.
Trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ có các sự kiện như trưng bày tư liệu, hình ảnh kỷ niệm 10 năm (từ ngày 10-20/9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh và khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội).
Ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Sầm Sơn, suối cá thần…
Một số hình ảnh Đại Đoàn Kết Online ghi nhận tại buổi lễ: