Đà Nẵng chinh phục thị trường du lịch khó tính

Thanh Tùng (thực hiện) 19/09/2022 13:30

Sau 2 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19, Đà Nẵng, thủ phủ du lịch miền Trung đã có nhiều đột phá khôi phục nhanh hoạt động du lịch để thu hút khách quốc tế. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh về sự hồi phục “rất đáng nể” này.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

PV: Ngày 7/9 vừa qua, Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến quốc tế nổi tiếng để được vinh danh là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2022” tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới khu vực châu Á và châu Đại Dương. Xin bà cho biết đôi nét về sự phục hồi của Du lịch Đà Nẵng sau 2 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: 8 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng có tổng lượng khách lưu trú phục vụ ước đạt gần 2,4 triệu lượt; trong đó khách quốc tế đạt 221 nghìn lượt, khách nội địa hơn 2,14 triệu lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 4.939,3 tỷ đồng. Việc Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến quốc tế nổi tiếng để được vinh danh là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2022” vào ngày 7/9 vừa qua là minh chứng rõ nét về những nỗ lực của thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng nhằm khôi phục nhanh hoạt động du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Sông Hàn (Đà Nẵng). Ảnh: Thanh Tùng.

Việt Nam đang là điểm đến mới của thị trường khách du lịch Ấn Độ và Trung Đông với những du khách có khả năng chi tiêu rất cao, lưu trú dài ngày. Đà Nẵng đã chuẩn bị gì khi hướng đến 2 thị trường du lịch khó tính nhưng nhiều tiềm năng này, thưa bà?

- Thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ để khôi phục các thị trường và đường bay quốc tế - đặc biệt thị trường Ấn Độ. Đơn cử như tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại Ấn Độ, đón đoàn famtrip, presstrip Ấn Độ đến Đà Nẵng khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch… Năm 2022, Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Ấn Độ (1972 - 2022) nên các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với Ấn Độ còn là cơ hội để thúc đẩy, thắt chặt hơn tình cảm hữu nghị giữa nhân dân 2 nước.

Để tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm khai thác và thu hút các thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông đến Đà Nẵng trong thời gian tới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức Chương trình trao đổi chuẩn bị phục vụ thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông. Chương trình có sự tham gia của ông Subhash P. Gupta – Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; Giám đốc Sở Du lịch; đại diện lãnh đạo Hiệp hội du lịch và các hội thành viên; đại diện gần 200 doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, các khách sạn, hãng hàng không…, đặc biệt là đoàn presstrip của15 hãng truyền thông, báo chí Ấn Độ đến khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Văn hóa ẩm thực của du khách Ấn Độ và Trung Đông có sự khác biệt, vậy Đà Nẵng đã chuẩn bị gì cho 2 thị trường khách đặc biệt này?

- Như tôi đã đề cập, tại Chương trình trao đổi chuẩn bị phục vụ thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông; các nhà quản lý, đại diện gần 200 doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú, chuyên gia ẩm thực đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin để phục vụ chu đáo cho du khách.

Sở du lịch và các đơn vị liên quan cũng có kế hoạch truyền thông, định hướng cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu phục vụ khách của 2 thị trường này. Phân khúc thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông chắc chắn sẽ được ngành du lịch đẩy mạnh khai thác, phục vụ tốt hơn sau ngày 18/10 khi có đường bay trực tiếp từ các thành phố Ấn Độ đến với Đà Nẵng.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Tùng (thực hiện)