Quảng Ninh: Lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ngày 19/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đoàn ĐBQH và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã qua 2 lần lấy ý kiến Nhân dân, đến nay, dự thảo Luật gồm có 6 chương, 92 điều quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra Nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: Dự thảo Luật lần này có 6 điểm mới, trong đó có quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quy chế dân chủ ở cơ sở; bổ sung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; quy định quyền Nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để nhân dân bàn và quyết định; ý thức của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng; quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ cơ sở, đặc biệt trong đó đã dành 9 Điều về Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi cũng nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân” và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Tham gia ý kiến vào dự thảo luật, các đại biểu đã có các tham luận, góp ý về phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở và quyền, nghĩa vụ công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; các hình thức, nội dung nhân dân bàn, quyết định, thụ hưởng. Đồng thời, Hội nghị tập trung thảo luận về các nội dung mới, còn nhiều ý kiến trái chiều như: Lần đầu tiên luật hóa các quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; đưa các quy định về Ban Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổ chức hoạt động Ban Thanh tra nhân dân tại địa bàn dân cư thay vì chỉ ở có cơ quan UBND cấp xã; thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động...
Toàn bộ các nội dung ý kiến sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tiếp thu, tổng hợp để gửi tới Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội theo quy định. Qua đó, góp phần hoàn thiện dự thảo Thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm bảo tính khoa học, sát thực tiễn; sau khi được xem xét ban hành sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ hiệu quả cho đời sống nhân dân.