Nâng tầm du lịch văn hóa
“Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã nêu rõ du lịch văn hóa là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa với những lợi thế, tiềm năng có sẵn cần được tập trung phát triển. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng, phát triển của ngành du lịch văn hóa nhanh chóng trong những năm qua cũng đặt ra nhiều thách thức.
Lợi thế sẵn có
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Trên thực tế, du lịch chính là phương thức, là con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, phát triển để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa. Đồng thời, tài nguyên văn hóa cũng chính là nguồn lực để phát triển du lịch.
Theo số liệu thống kê tổng hợp của Cục Di sản văn hóa, Việt Nam hiện có 29 di sản văn hóa được UNESCO tôn vinh, ghi danh. Về lễ hội, cả nước hiện có 7.966 lễ hội. Đặc biệt, một số lễ hội văn hóa có quy mô lớn đã được tổ chức theo định kỳ, thực sự có sức hấp dẫn, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhiều bãi biển thuộc đẹp loại nhất thế giới như các bãi biển Đà Nẵng (TP Đà Nẵng, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)... và các hang, động di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hang Sơn Đòong (Quảng Bình), Tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam)... Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, thuộc loại đặc sắc, hấp dẫn có sức thu hút và chinh phục du khách trong nước và quốc tế...
Theo KTS Hoàng Đạo Cầm - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật và hấp dẫn du khách trong thời gian qua, như du lịch tham quan di sản, di tích, nghiên cứu văn hóa lịch sử thông qua hệ thống di sản, di tích, các bảo tàng sống, tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch tâm linh… Sản phẩm du lịch văn hóa chính là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, kết nối và đa dạng hóa các tour, tuyến, chương trình du lịch.
“Kết quả một cuộc điều tra cho thấy, hoạt động tham quan di sản văn hóa tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ hai, chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển” - ông Cầm cho biết thêm.
Tìm hướng phát triển bền vững
Tuy nhiên, theo TS Vũ Anh Tú - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhiều giá trị di sản văn hóa cũng đã bị thương mại hóa một cách quá mức, làm suy giảm giá trị văn hóa và truyền thống, phai nhạt bản sắc; nhiều nét văn hóa truyền thống, lối sống, phong tục, tập quán địa phương bị phá vỡ, biến đổi; xuất hiện sự đồng hóa văn hóa ngoại lai, những mâu thuẫn về chia sẻ lợi ích… Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Sự suy giảm, cạn kiệt tài nguyên, khan hiếm về năng lượng, nhiên liệu; các hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh... đã ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Để công nghiệp du lịch văn hóa phát triển bền vững trong một lộ trình dài hơi, TS Trần Thị Tuyết Mai, Viện Văn hóa (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên trong phát triển công nghiệp du lịch văn hóa. Mục tiêu này phải được đặt lên hàng đầu, bởi tài nguyên du lịch cũng chính là tài sản quốc gia. Nếu chúng ta lạm dụng, khai thác một cách thái quá các di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên sẽ dẫn đến hệ lụy di sản bị tàn phá, cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại, môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm.
“Tuyệt đối không đánh đổi lấy tăng trưởng phát triển kinh tế du lịch làm tổn thương, xâm hại, dễ dẫn đến nguy cơ tàn phá, hủy hoại nguồn tài nguyên du lịch quốc gia” - bà Mai nhấn mạnh.
Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong bối cảnh hiện nay, phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa được xem như một giải pháp, một hướng đi hữu hiệu để ngành du lịch Việt Nam vượt qua các thách thức. Phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, phát triển thương hiệu du lịch độc đáo và xúc tiến quảng bá tốt hơn thông qua hiệu ứng mạng xã hội, thu hút được thêm dòng khách trung cấp đến cao cấp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Trưởng ban Sản phẩm Hiệp hội Du lịch Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, muốn khai thác tốt hơn sản phẩm du lịch văn hóa, gắn chặt phát triển du lịch với văn hóa cần tạo ra các chương trình nghệ thuật, tour du lịch hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của du khách. Hợp tác xây dựng chủ đề và nội dung hoạt động văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu, mong đợi của khách du lịch đến tìm hiểu sự khác biệt và đặc sắc của địa phương. Đồng thời, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi dịch vụ phục vụ khách du lịch, hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung chương trình văn hóa nghệ thuật, đầu tư các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch tại điểm biểu diễn, điểm lễ hội, điểm tham quan. Sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với nhiều loại hình du lịch khác tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch bền vững. Trong đó, sản phẩm du lịch biển và du lịch văn hóa có sự tương hỗ thúc đẩy lẫn nhau phát triển, những kỳ nghỉ biển của du khách cần có các chương trình du lịch văn hóa tại địa phương để làm cho kỳ nghỉ thú vị hơn, ngược lại nhu cầu này thúc đẩy khai thác du lịch văn hóa tại điểm đến nghỉ biển cần được đầu tư hơn và phát triển hơn.